Ngay trong ngày thi đấu đầu tiên, giải đã ghi nhận 2 kỷ lục quốc gia liên tiếp được phá đều thuộc về đơn vị Hà Nội ở nội dung tiếp sức.
Ở nội dung 4x200m tiếp sức nữ, đoàn Hà Nội với đội hình gồm 4 vận động viên: Phùng Thị Huệ, Nguyễn Thị Kim Ngọc, Hoàng Thị Minh Hạnh và Nguyễn Thị Hằng đã xuất sắc giành huy chương vàng với thời gian 1 phút 34 giây 87.
Thành tích này cũng giúp 4 cô gái đến từ Thủ đô phá kỷ lục quốc gia của giải (kỷ lục cũ là 1 phút 34 giây 95 của đội thành phố Hồ Chí Minh với 4 vận động viên gồm Lê Tú Chinh, Lê Thị Mộng Tuyền, Lưu Kim Phụng và Hà Thị Thu thiết lập vào năm 2017).
Huy chương bạc thuộc về đoàn Quân Đội với thành tích 1 phút 36 giây 62. Huy chương đồng thuộc về đoàn Nghệ An với thành tích 1 phút 39 giây 02.
Ngay sau đó, ở nội dung tiếp sức 4x200m nam, 4 vận động viên của đoàn Hà Nội gồm: Nguyễn Xuân Quang, Ngô Thế Anh, Nguyễn Bá Kiên và Nguyễn Văn Quyết cũng thi đấu thành công để mang tấm huy chương vàng thứ hai nội dung tiếp sức về cho Hà Nội với thành tích 1 phút 23 giây 59. Với thành tích này, đội nam Hà Nội đã phá kỷ lục quốc gia nội dung tiếp sức 4x200m nam (kỷ lục cũ thuộc về đội Công an Nhân dân gồm Ngần Ngọc Nghĩa, Triệu Thái Sơn, Nguyễn Tiến Hùng và Đặng Hoàng Ánh với thời gian 1 phút 24 giây 06 thiết lập 2023).
Huy chương bạc thuộc về đoàn Công an Nhân Dân với thành tích 1 phút 23 giây 96. Huy chương đồng thuộc về đội Hà Tĩnh với thành tích 1 phút 24 giây 23.
Ở nội dung trọng điểm 100m, "Vua tốc độ" Ngần Ngọc Nghĩa (Công an Nhân Dân) bảo vệ thành công tấm huy chương vàng trên đường chạy 100m nam với thời gian 10 giây 51, dù bị sự cạnh tranh quyết liệt từ Nguyễn Bá Kiên (10 giây 58) và Nguyễn Văn Quyết (10 giây 68).
Trong khi ở nội dung 100m nữ, huy chương vàng thuộc về Hà Thị Thu của thành phố Hồ Chí Minh với thành tích 11 giây 81. Về nhì là Phùng Thị Huệ với thành tích 11 giây 94 và Lê Thị Cẩm Tú giành huy chương đồng với 12 giây.
Điều đáng nói, trên đường chạy 100m nữ mùa giải này thiếu vắng nữ chân chạy tốc độ số 1 Việt Nam hiện tại là Trần Thị Nhi Yến do gặp cơn đau ở đùi trong khi tập luyện trước giải đấu.
Ở nội dung 10.000m nữ, chân chạy "ớt tiêu" Lê Thị Tuyết (Phú Yên) đã xuất sắc bảo vệ thành công tấm huy chương vàng khi sau khi về đích với thông số 33 phút 40 giây 66.
Người về nhì cự ly này chính là Phạm Thị Hồng Lệ - gương mặt đã từng lập kỷ lục quốc gia với thời gian 34 phút 01 giây 59 vào năm 2021 trước khi bị Nguyễn Thị Oanh phá vỡ bằng thông số 33 phút 13 giây 23 tại Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ IX - 2022. Đáng tiếc ở giải đấu lần này, Hồng Lệ đạt chỉ số 35 phút 07 giây 41. Huy chương đồng Đoàn Thu Hằng (Quảng Ninh) với thành tích 35 phút 25 giây 40 giây.
Ở đường chạy 400m nữ, chân chạy 22 tuổi Nguyễn Thị Ngọc gây sốc khi vượt qua 2 đàn chị kỳ cựu ở tuyển quốc gia Hoàng Thị Minh Hạnh (53 giây 63) và Quách Thị Lan (53 giây 87) để giành huy chương vàng với thời gian 52 giây 87.
Một chân chạy sinh năm 2002 khác là Lê Ngọc Phúc tỏa sáng trên đường chạy 400m nam để giành huy chương vàng với thành tích 46 giây 22 khi vượt qua 2 đàn anh Trần Đình Sơn và nhà vô địch SEA Games - Trần Nhật Hoàng. Đình Sơn giành huy chương bạc với thành tích 46 giây 37 và Nhật Hoàng giành huy chương đồng với thành tích 46 giây 72.
Một điểm nhấn đáng chú ý tại giải khi "Nữ hoàng tốc độ" Lê Tú Chinh có màn tái xuất tại vòng loại 100m nữ sau khi rời thành phố Hồ Chí Minh từ đầu năm 2024 để khoác áo đội Cà Mau.
Tại giải Tú Chinh chỉ đăng ký với tư cách tham dự để kiểm tra thành tích, do quy định từ Liên đoàn Điền kinh Việt Nam (VAF) là vận động viên chuyển sang đơn vị mới (tính từ ngày chuyển nhượng) phải đủ 24 tháng mới được tính thành tích thi đấu chính thức.
Giải vô địch Điền kinh quốc gia 2024 diễn ra đến hết ngày 13/11. Trước đó, Liên đoàn Điền kinh Việt Nam đã công bố, tại giải Điền kinh vô địch quốc gia 2024, mỗi kỷ lục sẽ được thưởng "nóng" 20 triệu đồng.