Giải hạng Nhất Quốc gia 2023: Nửa vé xuống hạng 

Sau nhiều lần trì hoãn, gia hạn để chờ các đội bóng đăng ký và phải bốc thăm, xếp lịch hai lần, giải Bóng đá hạng Nhất Quốc gia 2023 mới thông qua Điều lệ kỹ thuật với 10 đội tham dự và… nửa suất xuống hạng.

can-tho-khong-tim-duoc-tai-tro-danh-rut-khoi-giai-hang-nhat-2023-1679113346.jpg
Cần Thơ không tìm được tài trợ đành rút khỏi giải hạng Nhất Quốc gia 2023

Sân sau của V.League đang trong cảnh đìu hiu, sau mùa giải 2022 chỉ còn 12 đội hạng Nhất cố cầm cự. Cần Thơ thực ra đã “chết lâm sàng” từ mùa giải trước, nhưng vẫn được “chạy chữa” để đá cho xong giải, tuy giữ được suất trụ hạng nhưng mùa này đành thả tay, xin rút vì không có nhà tài trợ nào dám nhảy vào ôm cục nợ. Đội bóng Tây Đô xin gia hạn mấy lần đều được Công ty cổ phần Bóng đá Chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) đồng ý, lùi hạn chót để các đội bóng hoàn tất hồ sơ đăng ký. Trong khi Sài Gòn FC dùng dằng mặc cả, cố bán tên gọi cho Lâm Đồng nhưng không được, dù đã đăng ký tham dự cả giải hạng Nhất lẫn Cúp quốc gia 2023, giờ chót đành bỏ cuộc.

cau-lac-bo-sai-gon-fc-du-rong-ruot-van-dang-ky-du-giai-hang-nhat-va-cup-quoc-gia-2023-nhung-gio-chot-xin-rut-khien-vpf-phai-boc-tham-lai-1679113228.jpg
Câu lạc bộ Sài Gòn FC dù rỗng ruột vẫn đăng ký dự giải hạng Nhất Quốc gia và Cúp Quốc gia 2023 nhưng giờ chót xin rút khiến VPF phải bốc thăm lại

Báo hại VPF mất thời gian chờ đợi, thậm chí đã tổ chức bốc thăm, lên lịch lại phải xóa đi làm lại. Giải hạng Nhất 2023 lẽ ra đã khởi tranh từ tháng 2 cùng V.League, giờ chỉ còn 10 đội nên thực ra cũng chẳng có gì phải vội. Nhưng cách điều hành lúng túng theo kiểu “gió chiều nào che chiều nấy” của những nhà tổ chức khiến sân sau của V.League ngày càng nhếch nhác và biến dạng. Mô hình bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam sau hơn 20 năm giờ nhìn giống như kim tự tháp lộn ngược khi sân trước đông vui còn sân sau lèo tèo chục đội. Lãnh đạo VPF toàn nói những chuyện viển vông, còn thực tế các câu lạc bộ khó khăn, ngập nợ như thế nào thì ai biết?

Năm ngoái, câu lạc bộ SHB Đà Nẵng bị thành phố cắt mất 20 tỷ đồng tiền hỗ trợ đào tạo trẻ nhảy dựng ngược, bỏ ngang giải U17 quốc gia và dọa rút luôn không dự giải U21 và các giải trẻ vì kinh phí. Đường đường là “đại gia” như Topenland Bình Định đầu giải năm nay cũng khiến người hâm mộ thất kinh khi nhà tài trợ kêu nợ mấy chục tỷ đồng đề nghị địa phương không hỗ trợ. Bóng đá chuyên nghiệp kiểu gì mà cứ “lên bờ xuống ruộng” theo từng mùa, đua trụ hạng thì thưởng tiền tỷ còn sắp vô địch có khi chẳng thấy đồng nào.

len-hang-thi-de-mua-suat-chuyen-nghiep-cung-khong-kho-nhung-ton-tai-moi-la-thach-thuc-1679113377.jpg
Lên hạng thì dễ, mua suất chuyên nghiệp cũng không khó nhưng tồn tại mới là thách thức

Giải hạng Nhất Quốc gia mùa này chỉ có nửa suất xuống hạng, chưa biết đá với đội nào ở giải hạng Nhì Quốc gia. Hai tỷ đồng tiền thưởng tưởng là nhiều, nhưng thực ra các câu lạc bộ chưa đủ nuôi quân một tháng. Lên hạng thì dễ, giữ hạng được hay không còn phải nhìn vào túi tiền và sức chịu đựng của nhà tài trợ. Nửa suất xuống hạng thực ra cũng chỉ để đá cho vui, Lâm Đồng mà nhanh tay không khéo mùa này đã tưng bừng ở giải hạng Nhất Quốc gia với tên gọi Sài Gòn FC chứ đâu phải đợi tới mùa sau.

Đan Phượng