Giải hạng Nhất 2022: Bom hẹn giờ đang chờ kích hoạt

Hai câu lạc bộ Cần Thơ và Phù Đổng được ví như những quả bom hẹn giờ đang chực chờ phát nổ ở giải hạng Nhất 2022 với những khoản nợ xấu. Hôm qua, huấn luyện viên Nguyễn Việt Thắng và Giám đốc điều hành câu lạc bộ Cần Thơ Lê Minh Dũng đã nộp đơn xin nghỉ việc, trong khi cầu thủ đội bóng Tây Đô quyết định ngừng thi đấu nếu không được thanh toán dứt điểm các khoản nợ.

huan-luyen-vien-nguyen-viet-thang-dang-dong-trang-thai-tren-trang-ca-nhan-sau-cuoc-hop-chieu-15-9-voi-lanh-dao-can-tho-1663294418.png
Huấn luyện viên Nguyễn Việt Thắng đăng dòng trạng thái trên trang cá nhân sau cuộc họp chiều 15/9 với lãnh đạo Cần Thơ

Sau cuộc họp với lãnh đạo ngành thể thao và câu lạc bộ Cần Thơ chiều 15/9, huấn luyện viên Nguyễn Việt Thắng thay mặt các cầu thủ đội bóng đã nói rõ mong muốn của toàn đội, được thanh toán dứt điểm các khoản nợ lương, thưởng, tiền ăn và phí chuyển nhượng mà phía câu lạc bộ nhiều lần khất nợ. Sở dĩ cầu thủ đội Cần Thơ sốt ruột bởi, trong quá khứ nhiều đồng nghiệp từng bị quỵt tiền, xù nợ khi mùa giải kết thúc và đội bóng lâm vào cảnh tan đàn xẻ nghé. Giải hạng Nhất 2022 đã đi quá nửa chặng đường, chỉ còn 8 vòng đấu nữa, sẽ khoá sổ vào cuối tháng 10, chưa biết chừng đến lúc ấy đường ai nấy đi thì chắc phải… lên trời đòi nợ.

Tuy nhiên, vẫn như mọi lần lãnh đạo câu lạc bộ chỉ cam kết bằng những lời hứa và động viên cầu thủ giữ bình tĩnh, kiên nhẫn chờ đợi hướng giải quyết ngay khi có tiền. Huấn luyện viên Nguyễn Việt Thắng và các cầu thủ đã quá ngán ngẩm và bội thực với những lời hứa thinh không nên quyết định sẽ không ra sân tập luyện và chỉ thi đấu khi đã được giải quyết các khoản nợ, ước tính lên tới nhiều tỷ đồng. Là người “đứng mũi chịu sào”, huấn luyện viên Nguyễn Việt Thắng thậm chí đã nhiều lần phải bỏ tiền túi ra trang trải, hỗ trợ những cầu thủ gặp khó khăn và động viên anh em trong đội cố gắng thi đấu, hành xử chuyên nghiệp. Ông Thắng cho biết, nhiều cầu thủ đã có ý định bỏ không thi đấu từ trận gặp Huế, nhưng Ban huấn luyện đã động viên, làm công tác tư tưởng để anh em đá cho xong vòng 14 sau đó mới tạm giải tán để đi… đòi nợ.

san-van-dong-can-tho-lon-nhat-mien-tay-trong-ngay-khai-mac-giai-hang-nhat-2022-1663294473.jpg
Sân vận động Cần Thơ lớn nhất miền Tây trong ngày khai mạc giải hạng Nhất 2022

Ở giải hạng Nhất hiện tại không chỉ có Cần Thơ lâm vào cảnh nợ nần và đứng trước nguy cơ rã đám khi mùa giải chưa kết thúc mà còn có một quả bom hẹn giờ khác mang tên Phù Đổng đang chờ kích hoạt. Nếu không giải quyết ổn thỏa chuyện tiền nong, thực hiện đầy đủ các cam kết về quyền lợi cho cầu thủ, để xảy ra tình trạng đội bóng “đứt gánh giữa đường” sẽ dẫn đến rất nhiều hệ lụy và gây ra những ảnh hưởng vô cùng tai hại, khiến các đội bóng khác cũng phải vạ lây. Theo Quy chế bóng đá chuyên nghiệp, trong trường hợp các đội bóng bỏ giải giữa chừng, toàn bộ kết quả các trận đấu liên quan đến đội bóng này đều bị hủy bỏ. Đội bóng bỏ cuộc sẽ phải xuống thi đấu ở giải hạng Ba kèm theo khoản tiền nộp phạt.

Trong quá khứ, V.League đã từng rung động khi câu lạc bộ Ninh Bình của bầu Trường bỏ giải sau 8 vòng đấu ở mùa bóng 2014 dẫn đến hàng loạt hệ lụy. Nguy cơ và sức công phá của những quả bom hẹn giờ không chỉ dừng lại ở một vài câu lạc bộ khi thứ hạng bị xáo trộn mà còn ảnh hưởng đến cả giải đấu. Giải hạng Nhất mùa này chỉ có 12 đội tham dự, nếu Cần Thơ, Phù Đổng không giải quyết được chuyện nợ nần mà phải bỏ cuộc thì rắc rối to khi kết quả các trận đấu bị huỷ bỏ dẫn đến những thay đổi về thứ hạng và cục diện đua tranh của các đội còn lại.

nhieu-cau-thu-can-tho-bi-no-luong-thuong-va-ca-tien-com-lan-phi-chuyen-nhuong-dang-da-khong-cong-1663294493.jpg
Nhiều cầu thủ Cần Thơ bị nợ lương, thưởng và cả tiền cơm lẫn phí chuyển nhượng đang đá không công

Quy chế bóng đá chuyên nghiệp có quy định, các câu lạc bộ đá ở giải vô địch quốc gia V.League phải có ngân quỹ tối thiểu 35 tỉ đồng/năm, còn giải hạng Nhất cũng phải có 15 tỷ đồng mới được cấp phép hoạt động. Quy định là vậy nhưng trên thực tế, số tiền này chỉ như muối bỏ bể và chẳng “đảm bảo” được gì khi các câu lạc bộ lâm vào cảnh nợ nần. Như Cần Thơ hồi đầu mùa giải được chuyển giao cho ông bầu kiêm “cò” cầu thủ Nguyễn Đắc Văn, ra mắt hoành tráng lắm nhưng thực chất bây giờ thì ai cũng thấy, nợ từ tiền cơm, tiền thưởng tới cả phí lót tay và lương tháng. Không có tiền, nhiều khả năng câu lạc bộ sẽ lại được trả về địa phương kèm theo nhũng khoản nợ xấu chồng chất như Quảng Ninh trước khi giải thể.

Câu hỏi bao giờ các câu lạc bộ chuyên nghiệp có thể đứng vững trên đôi chân của mình, suốt hơn 20 năm qua không có lời giải với những quả bom nổ chậm vẫn tồn tại và đang chờ kích hoạt.

Việt Hưng