Động lực mới cho phát triển các ngành Công nghiệp Văn hóa Việt Nam

Trên thế giới, phát triển công nghiệp văn hóa đang diễn ra mạnh mẽ, là xu thế và dần trở thành động lực quan trọng thúc đẩy sự phát triển kinh tế, xã hội của các quốc gia. Việt Nam được đánh giá có nhiều tiềm năng, lợi thế phát triển công nghiệp Văn hóa. 

thu-tuong-phat-bieu-tai-hoi-nghi-toan-quoc-ve-phat-trien-cac-nganh-cong-nghiep-van-hoa-1707211206.jpg
Thủ tướng: Nói về công nghiệp văn hóa là đề cập đến các ngành công nghiệp sản xuất ra các sản phẩm mang tính nghệ thuật và sáng tạo, có bản chất vật thể hoặc phi vật thể; thông qua khai thác những giá trị văn hóa cùng những sản phẩm và dịch vụ có tính trí tuệ, có ý nghĩa xã hội và văn hoá để thu về những nguồn lợi kinh tế. Ảnh: VGP

Tại Hội nghị toàn quốc lần đầu tiên về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam diễn ra vào tháng 12/2023, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nêu rõ: Văn hóa Việt Nam là thành quả hàng nghìn năm văn hiến, lao động sáng tạo, đấu tranh kiên cường dựng nước và giữ nước của cộng đồng các dân tộc Việt Nam, là kết quả giao lưu và tiếp thụ tinh hoa của nhiều nền văn hóa trên thế giới để không ngừng hoàn thiện mình và phát triển. Văn hóa Việt Nam đã hun đúc nên tâm hồn, khí phách, bản lĩnh con người Việt Nam, anh hùng, mến khách, yêu quý bạn bè, làm rạng rỡ lịch sử vẻ vang của dân tộc. Nói về công nghiệp văn hóa là đề cập đến các ngành công nghiệp sản xuất ra các sản phẩm mang tính nghệ thuật và sáng tạo, có bản chất vật thể hoặc phi vật thể; thông qua khai thác những giá trị văn hóa cùng những sản phẩm và dịch vụ có tính trí tuệ, có ý nghĩa xã hội và văn hóa để thu về những nguồn lợi kinh tế. Trên thế giới, phát triển công nghiệp văn hóa đang diễn ra mạnh mẽ, là xu thế và dần trở thành động lực quan trọng thúc đẩy sự phát triển kinh tế, xã hội của các quốc gia. Việt Nam được đánh giá có nhiều tiềm năng, lợi thế phát triển công nghiệp văn hóa.

Thủ tướng nêu rõ: Những năm qua, Đảng, Nhà nước đã ban hành và triển khai hiệu quả nhiều chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật để phát triển văn hóa và công nghiệp văn hóa: Nghị quyết số 03-NQ/TW ngày 16/7/1998 xác định: “Phương hướng chung của sự nghiệp văn hóa nước ta là phát huy chủ nghĩa yêu nước và truyền thống đại đoàn kết dân tộc, ý thức độc lập tự chủ, tự cường xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa, xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, tiếp thụ tinh hoa văn hóa nhân loại, làm cho văn hóa thấm sâu vào toàn bộ đời sống và hoạt động xã hội…”.

Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 9/6/2014 đề ra mục tiêu, yêu cầu: “Xây dựng thị trường văn hóa lành mạnh, đẩy mạnh phát triển công nghiệp văn hóa, tăng cường quảng bá văn hóa Việt Nam”.

Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 do Chính phủ ban hành khẳng định quan điểm: “Các ngành công nghiệp văn hóa là bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế quốc dân. Nhà nước tạo điều kiện thuận lợi nhằm thu hút tối đa nguồn lực từ các doanh nghiệp và xã hội để phát triển các ngành công nghiệp văn hóa”. Chiến lược xác định 12 lĩnh vực của Công nghiệp văn hóa; đồng thời đề ra mục tiêu triển khai các lĩnh vực này đến năm 2020 và 2030. Đại hội lần thứ XIII của Đảng đề ra nhiệm vụ: “Khẩn trương triển khai phát triển có trọng tâm, trọng điểm ngành công nghiệp văn hóa và dịch vụ văn hóa trên cơ sở xác định và phát huy sức mạnh mềm của văn hóa Việt Nam”.

Phát biểu tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nêu 6 nhiệm vụ lớn, trong đó: “Khẩn trương phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, xây dựng thị trường văn hóa lành mạnh”.

Thủ tướng nhận định với sự đặc biệt quan tâm của Đảng, Nhà nước và sự vào cuộc của các cấp, các ngành, các địa phương, thời gian qua các ngành công nghiệp văn hóa dần trở thành những ngành kinh tế dịch vụ quan trọng; sự đầu tư nguồn vốn vào các ngành công nghiệp văn hóa đã thúc đẩy thị trường công nghiệp văn hóa có những bước tiến mới, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, so một số ngành khác thì ngành công nghiệp văn hóa nước ta vẫn chưa phát huy được hết tiềm năng, lợi thế. Thủ tướng nêu rõ, để công nghiệp văn hóa nước ta sớm phát triển nhanh, bền vững, khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh, cần có sự chuyển biến mạnh mẽ từ nhận thức, tư duy đến hành động, đổi mới tư duy, đột phá trong cách làm, xây dựng ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam "Sáng tạo - Bản sắc - Độc đáo - Chuyên nghiệp - Cạnh tranh".

Công nghiệp văn hóa đóng góp vào sự tăng trưởng của đất nước

hinh-anh-tai-le-khai-mac-sg-31-1707211328.jpg
Hình ảnh ấn tượng tại Lễ khai mạc SEA Games 31 tại Việt Nam. Ảnh: St

Theo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, công nghiệp văn hóa đang trở thành xu hướng và được xác định là phần quan trọng, bền vững, đóng góp vào sự tăng trưởng của đất nước. Qua số liệu ước tính, giá trị tăng thêm (giá hiện hành) của các ngành công nghiệp văn hóa đóng góp vào nền kinh tế năm 2018 ước đạt 5,82%; năm 2019 ước đạt 6,02%; Năm 2020 và 2021 do ảnh hưởng của đại dịch nên số liệu có sự sụt giảm chỉ còn khoảng 4,32% và 3,92%; Đến năm 2022 các ngành đã bắt đầu phục hồi và giá trị đóng góp có sự tăng trưởng ước đạt 4,04%. Giá trị sản xuất của các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam giai đoạn 2018-2022 đóng góp ước bình quân đạt 1,059 triệu tỷ đồng (tương đương khoảng 44 tỷ USD).

Giai đoạn 2018-2022, bình quân 5 năm tốc độ tăng trưởng về số lượng các cơ sở kinh tế hoạt động trong các ngành công nghiệp văn hóa ước đạt 7,2%/năm; năm 2022, thống kê có khoảng 70.321 cơ sở đang hoạt động có liên quan đến các ngành công nghiệp văn hóa. Lực lượng lao động thuộc các ngành công nghiệp văn hóa tăng khá nhanh, bình quân 5 năm lao động tăng 7,4%/năm, năm 2022 thu hút khoảng 2,3 triệu lao động, chiếm tỷ trọng 4,42% trong tổng lực lượng lao động của nền kinh tế. Xuất nhập khẩu sản phẩm, dịch vụ của các ngành công nghiệp văn hóa trong giai đoạn 2018-2022 tạo ra giá trị xuất siêu, năm 2018 xuất siêu ước đạt 37 tỷ USD, đến năm 2022 xuất siêu tiếp tục tăng, ước đạt 41,9 tỷ USD.

Công nghiệp văn hóa là nhóm ngành mới, giá trị gia tăng đóng góp cho nền kinh tế thể hiện là nhóm ngành có lợi thế quốc gia của Việt Nam, góp phần tăng năng lực cạnh tranh của nền kinh tế và quảng bá hình ảnh Việt Nam với thế giới. Đây là nhóm ngành có giá trị hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu tăng khá nhanh trong thời gian gần đây. Nhìn chung, các ngành công nghiệp văn hóa có tỷ lệ giá trị gia tăng cao hơn so với chi phí sản xuất, góp phần tiết kiệm tài nguyên, kết hợp và phát huy được các yếu tố tự nhiên, văn hóa, bản sắc dân tộc và đáp ứng mục tiêu phát triển bền vững.

Về kết quả đạt được của các ngành công nghiệp văn hóa: giai đoạn 2018-2022, điện ảnh là lĩnh vực có xu hướng phát triển nhanh, giá trị sản xuất bình quân tăng 8,03%/năm, giá trị gia tăng bình quân tăng 7,94%/năm, nguồn lực lao động bình quân tăng 8,05%/năm, số lượng cơ sở kinh tế hoạt động trong lĩnh vực điện ảnh bình quân tăng 8,39%/năm. Doanh thu điện ảnh chiếu rạp năm 2019 đạt trên 4,1 nghìn tỷ đồng (khoảng 178 triệu USD), phim điện ảnh Việt Nam chiếm khoảng 29% doanh thu với khoảng 1,15 nghìn tỷ đồng (50 triệu USD), đây là năm doanh thu điện ảnh Việt Nam vượt mức 16% mục tiêu đề ra tại Chiến lược. Hành lang pháp lý trong lĩnh vực điện ảnh ngày càng được hoàn thiện (Luật Điện ảnh sửa đổi năm 2022) đã giúp phim trong nước nhận được những ưu đãi, từ đó thu hút sự đầu tư của các đơn vị sản xuất.

Tại Việt Nam, khán giả trẻ chiếm đến 80%-90% thị phần khán giả xem phim, đây là tiềm năng lớn để phát triển điện ảnh nội địa, do vậy, trong thời gian gần đây nhiều dự án phim đã tập trung khai thác chất liệu văn hóa và lịch sử Việt. Với sự tham gia của các nhà đầu tư, các đơn vị sản xuất phim quan tâm đến những giá trị văn hóa truyền thống, nhiều dự án phim Việt đã đáp ứng cả về tính chất chuyên môn lẫn thị hiếu của khán giả, tăng sức cạnh tranh của phim Việt và qua đó quảng bá văn hóa Việt Nam ra thế giới..

Lĩnh vực du lịch văn hóa: tổng thu từ khách du lịch năm 2018 đạt 637 nghìn tỷ đồng, đóng góp 8,39% vào GDP cả nước; năm 2019 đạt 755 nghìn tỷ đồng (tương đương 32,8 tỷ USD). Giá trị sản xuất, giá trị gia tăng của du lịch có sự sụt giảm đáng kể trong giai đoạn 2020-2021 do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Đến năm 2022, du lịch từng bước phục hồi (từ ngày 15/3/2022), tổng thu từ khách du lịch ước đạt 495 nghìn tỷ đồng, tăng 2,75 lần so cùng kỳ, khách du lịch nội địa đạt 101,3 triệu lượt. Số lượng doanh nghiệp lữ hành đăng ký mới và quay trở lại lĩnh vực du lịch tăng nhanh.

Trong 10 tháng đầu năm 2023, lượng khách quốc tế đến Việt Nam đạt hơn 9,97 triệu lượt, vượt kế hoạch năm 2023; khách nội địa đạt 98,7 triệu lượt; tổng thu từ khách du lịch đạt 582,6 nghìn tỷ đồng. Du lịch là một điểm sáng trong phục hồi nền kinh tế, kết quả phục hồi du lịch có tác động lan tỏa tới nhiều lĩnh vực, góp phần cải thiện động lực tăng trưởng của nền kinh tế là đầu tư, xuất khẩu và tiêu dùng. Việt Nam có nhiều giá trị văn hóa truyền thống, đây là yếu tố góp phần xây dựng các thương hiệu, sản phẩm và dịch vụ du lịch văn hóa đặc sắc gắn với tìm hiểu văn hóa vùng miền (du lịch di sản văn hóa, du lịch ẩm thực, du lịch về nguồn, du lịch cộng đồng...)

Lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn: hoạt động sáng tác nghệ thuật giai đoạn 2018-2022 có sự tăng trưởng (riêng giai đoạn 2021 có sụt giảm so với năm 2020 do tác động của dịch bệnh), giá trị sản xuất bình quân tăng 5,59%/năm, giá trị gia tăng của lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn bình quân tăng 5,67%/năm. Cả nước hiện có 130 đơn vị hoạt động nghệ thuật chuyên nghiệp. Hoạt động nghệ thuật biểu diễn truyền thống và biểu diễn thực cảnh đang được khai thác hiệu quả để trở thành sản phẩm mũi nhọn phục vụ công chúng. Đây là những hoạt động cần tiếp tục đầu tư khuyến khích phát triển để tạo ra các giá trị nghệ thuật mới, các sản phẩm văn hóa có chất lượng cao hơn, có sức cạnh tranh và phổ biến ra thị trường khu vực và quốc tế. Việt Nam có tiềm năng phát triển thị trường âm nhạc, có đủ điều kiện và cơ sở vật chất để thực hiện các chương trình biểu diễn âm nhạc lớn, quy mô quốc tế…

Động lực mới phát triển văn hóa phù hợp với xu thế thời đại

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh điều này tại Hội nghị toàn quốc về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam khi đề cập đến tiềm năng phát triển công nghiệp văn hóa tại nước ta. Thủ tướng khẳng định: Điều kiện, không gian phát triển công nghiệp văn hóa, đổi mới sáng tạo, khoa học công nghệ và văn hóa nghệ thuật lành mạnh, đậm đà bản sắc dân tộc, phù hợp xu thế thời đại, tiến bộ của nhân loại là không có giới hạn. Các ngành công nghiệp văn hóa là ngành có triển vọng lớn, có thể phát triển nhanh, mang lại hiệu quả cao, là động lực mới cho sự phát triển văn hóa phù hợp với xu thế của thời đại.

Chúng ta có truyền thống lịch sử, văn hóa lâu đời, đa dạng, có bản sắc riêng với 54 dân tộc. Có thiên nhiên hùng vĩ, tươi đẹp, đa dạng, phong phú. Người dân hiền hậu, mến khách, cần cù, linh hoạt, sáng tạo. Nguồn nhân lực trẻ, dồi dào. Thị trường có quy mô 100 triệu dân. Vị trí địa lý thuận lợi; hệ thống giao thông tương đối đồng bộ và đang phát triển theo hướng tăng cường liên kết. Hệ thống chính trị ổn định; an ninh trật tự, chủ quyền lãnh thổ được giữ vững. Cải cách hành chính và chuyển đổi số đang được đẩy mạnh toàn diện.

Những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử trong gần 40 năm đổi mới, đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay tạo những tiền đề quan trọng để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, phát triển nền văn hóa, văn học nghệ thuật Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, trong đó có ngành công nghiệp văn hóa. Đồng thời, chúng ta đã và đang đẩy mạnh quá trình hội nhập sâu rộng về nhiều mặt, ngoại giao văn hóa, giao lưu nhân dân đang được thúc đẩy mạnh mẽ, tạo điều kiện, cơ hội cho phát triển kinh tế-xã hội, trong đó có công nghiệp văn hóa.

Phát triển công nghiệp văn hóa phải gắn quảng bá, lan tỏa hình ảnh đất nước, con người Việt Nam

Quan điểm phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ: Phát triển công nghiệp văn hóa phải bám sát chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước về văn hóa, nhất là Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ, các nghị quyết chuyên đề, Nghị quyết Đại hội XII, XIII của Đảng, Đề cương văn hóa Việt Nam (1943), phát biểu chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc.

Phát triển công nghiệp văn hóa phải góp phần quan trọng xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, thống nhất trong đa dạng; phải được đặt trong tổng thể phát triển kinh tế - xã hội, kết nối các hoạt động sáng tạo, văn hóa, nghệ thuật với sản xuất, kinh doanh, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ, hài hòa, dựa trên đổi mới sáng tạo, khoa học công nghệ và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ. Công nghiệp văn hóa phải được tiếp cận bình đẳng với các ngành công nghiệp khác về tiếp cận vốn, đất đai, thuế và các ưu đãi khác.

Phát triển có trọng tâm, trọng điểm công nghiệp văn hóa theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, năng động, sáng tạo, có tính cạnh tranh cao, đồng thời đa dạng hóa, liên kết đa ngành, đa lĩnh vực; phù hợp với các quy luật cơ bản của kinh tế thị trường và xu thế của thời đại.

Phát triển công nghiệp văn hóa phải gắn liền với việc quảng bá, lan tỏa hình ảnh đất nước, con người Việt Nam, góp phần bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc trong quá trình giao lưu, hội nhập quốc tế, đáp ứng mục tiêu phát triển bền vững đất nước. Phát triển văn hóa phải gắn liền với phát triển du lịch.

le-hoi-thiet-ke-sang-tao-ha-noi-2023-1707211949.jpg
Lễ hội Thiết kế Sáng tạo 2023 tôn vinh dòng chảy văn hóa kết nối di sản và sáng tạo.

Các sản phẩm, dịch vụ công nghiệp văn hóa phải đảm bảo đáp ứng được các yếu tố "Sáng tạo - Bản sắc - Độc đáo - Chuyên nghiệp - Lành mạnh - Cạnh tranh - Bền vững", trên nền tảng "Dân tộc - Khoa học - Đại chúng" theo Đề cương Văn hóa Việt Nam (1943), từng bước tạo dựng thương hiệu cho sản phẩm và dịch vụ mang tầm quốc gia, tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Việc triển khai các nhiệm vụ, giải pháp phải đồng bộ, quyết liệt, kiên trì, có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào các chính sách có tính chất đột phá nhằm chuyển hóa tài nguyên văn hóa "tiềm năng" thành các sản phẩm và dịch vụ văn hóa có khả năng cạnh tranh cao.

Các ngành công nghiệp văn hóa có triển vọng lớn, có thể phát triển nhanh, mang lại hiệu quả cao, là động lực mới cho sự phát triển văn hóa phù hợp với xu thế của thời đại. Người đứng đầu Chính phủ bày tỏ tin tưởng rằng sau “Hội nghị Diên Hồng” lần đầu tiên được tổ chức, chúng ta sẽ vững tin hơn, có khí thế mới, động lực mới để phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam.

T.H