Đội tuyển Việt Nam: Mời thầy hay tuyển… thợ

Tiêu chí tuyển chọn huấn luyện viên của Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) là các ứng viên phải có lý lịch đẹp, chuyên môn giỏi, kinh nghiệm cầm quân phong phú, có thành tích và đặc biệt là phải hiểu con người và bóng đá Việt Nam…

Tất nhiên, chẳng có gì để đảm bảo những huấn luyện viên có CV đẹp, hội đủ các tiêu chí và hợp cạ với VFF là có thể gặt hái thành công cùng đội tuyển. Chẳng cần nói đâu xa, như trường hợp của huấn luyện viên Park Hang-seo, ban đầu được người môi giới Lee Dong-jun tiến cử thông qua bầu Đức, thời điểm 2017 đang còn làm Phó Chủ tịch tài chính của VFF. Ông Đức cảm thấy ưng ý và cùng ông Trần Quốc Tuấn và Tổng Thư ký Lê Hoài Anh bay sang Hàn Quốc gặp gỡ và thuyết phục được ông Park ngồi vào ghế huấn luyện viên trưởng đội tuyển Việt Nam sau khi Nguyễn Hữu Thắng xin từ chức. 

Các thủ tục nhanh chóng hoàn tất và hai bên vui vẻ ký hợp đồng. Ở thời điểm đó, huấn luyện viên Park Hang-seo đã được lựa chọn theo cách đơn giản nhất mà không trải qua các vòng ứng tuyển hay sơ tuyển theo các tiêu chí rồi mới lên danh sách, tiếp xúc, đàm phán theo thứ tự ưu tiên. Ông Park đến Việt Nam từ cuối năm 2017 với nhiều hoài nghi, nhưng sau thành tích vang dội, giành ngôi á quân tại Vòng chung kết U23 châu Á 2018 đã nhận đươc sự tin tưởng tuyệt đối và tiếp tục gặt hái thành công với lứa cầu thủ tài năng phát lộ tại Thường Châu trong suốt 5 năm qua.

huan-luyen-vien-philippe-troussier-tung-nam-trong-ke-hoach-day-tham-vong-cua-vff-huong-toi-olympic-2024-va-world-cup-2026-1666933533.jpg
Huấn luyện viên Philippe Troussier từng nằm trong kế hoạch đầy tham vọng của VFF hướng tới Olympic 2024 và World Cup 2026

Thế mới thấy, muốn mời được thầy giỏi đừng quá câu nệ vào các tiêu chí hay lý lịch hoành tráng mà nhiều khi còn do… duyên số đưa đẩy cho hai bên được gặp nhau. Ông Park đã lựa chọn cách chia tay ở đỉnh cao để trở thành huấn luyện viên thành công nhất từng dẫn dắt đội tuyển Việt Nam với bộ sưu tập thành tích đồ sộ, đủ để khiến người kế vị cảm nhận được áp lực. Trong số các ứng viên được nói nhiều ở thời điểm hiện tại, ngoài huấn luyện viên Philippe Trousier từng có 3 năm làm việc ở Việt Nam trong vai trò Giám đốc kỹ thuật Quỹ phát triển tài năng bóng đá trẻ của PVF, sau đó được mời dẫn dắt đội tuyển U19 Việt Nam và hiện vẫn đang giữ mối liên hệ thường xuyên với VFF.  

Hầu hết những ứng viên khác như Dragan Skocic, Robert Prosinecki (Croatia), Slaven Skeledzic (Bosnia & Herzegovina), Bozidar Bandovic (Montenegro)… đều là người mới, tự ứng cử. Ngoài lý lịch đẹp, có tiếng  tăm, thành tích… họ đều là những huấn luyện viên giỏi, nhưng phù hợp với bóng đá Việt Nam hay không thì chắc chắn phải làm mới biết chứ chẳng ai chắc chắn khi xét duyệt hồ sơ. Bóng đá Việt Nam từng có những ông thầy rất “dị” như trường hợp Christian Letard, vượt qua hơn 50 bộ hồ sơ ứng viên để được VFF chọn dẫn dắt đội tuyển U23 Việt Nam và ngay sau đó nhận ra “bé cái nhầm” vội vã thanh lý hợp đồng, còn phải đền bù một khoản tiền lớn vì thua kiện. 

Trước ông Park cũng mới chỉ có Calisto và Riedl là trụ lại được cùng đội tuyển Việt Nam quá 2 chu kỳ, dù ông thầy người Áo được gọi là chuyên gia về nhì, còn thầy Bồ sau gần chục năm chinh chiến ở V.League với Đồng Tâm Long An, cũng có được chức vô địch AFF Cup 2008 cùng đội tuyển Việt Nam. Bóng đá Việt Nam với những đặc thù riêng, tính chuyên nghiệp chưa cao nên nhiều khi danh tiếng hay lý lịch đẹp lại không quan trọng bằng cá tính của các ông thầy, có phù hợp và được cầu thủ cũng như các quan chức, đồng nghiệp… ủng hộ hay không.   

Ông Park thành công và được quý trọng, ngoài sự chăm chỉ, tận tụy còn rất gần gũi, hiểu cầu thủ và biết phát huy tối đa tiềm năng của bóng đá Việt Nam. Tìm người thay ông Park thì dễ, nhưng để làm được như ông Park lại rất khó.

Việt Hưng