Đoàn Việt Nam đã tới Nhật Bản, bắt đầu hành trình tại Olympic Tokyo 2020

Sáng sớm nay (ngày 19/7), chuyến bay đưa các thành viên của đoàn Thể thao Việt Nam đã hạ cánh xuống sân bay quốc tế Narita ở thủ đô Tokyo (Nhật Bản), bắt đầu hành trình chinh phục Thế vận hội 2020.

Chuyến bay mang số hiệu JL752 cất cánh lúc 23 giờ 20 tại sân bay quốc tế Nội Bài - Hà Nội và hạ cánh lúc 6 giờ (giờ Nhật Bản) ngày 19/7 tại sân bay quốc tế Narita - Tokyo (tức 4 giờ sáng ở Việt Nam). Đây là chuyến bay sớm nhất trong ngày 19/7 nên đoàn Thể thao Việt Nam không mất nhiều thời gian chờ đợi. 

Ông Trần Đức Phấn - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thể dục thể thao, Trưởng đoàn Thể thao Việt Nam tại Olympic 2020 bước ra từ máy bay

Sau khi hoàn thành các thủ tục xuất trình giấy tờ và ứng dụng theo dõi sức khỏe OCHA, các thành viên của đoàn được Ban Tổ chức lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 và làm thủ tục nhập cảnh. Kết quả xét nghiệm cho thấy, toàn bộ các thành viên đoàn Thể thao Việt Nam đều âm tính. Vì vậy, đoàn không phải cách ly mà sẽ được xe chuyên dụng của Ban Tổ chức đưa về Làng Vận động viên và chính thức tham gia Thế vận hội thể thao lớn nhất thế giới.

Từ sân bay quốc tế Narita tới trung tâm thủ đô Tokyo là khoảng 60km. Các thành viên của đoàn được bố trí di chuyển về nơi ở tại Làng Vận động viên bằng xe của Ban Tổ chức. 

Đoàn Thể thao Việt Nam tham dự Olympic Tokyo với 43 thành viên, trong đó 7 cán bộ, 18 vận động viên, 8 huấn luyện viên, 6 chuyên gia, 2 bác sỹ, 1 phóng viên, tranh tài ở 11 môn thể thao do ông Trần Đức Phấn - Phó Tổng cục trưởng Phụ trách Tổng cục Thể dục thể thao làm Trưởng đoàn.

Hiện tại, sức khỏe của cả đoàn đều tốt và mọi người rất tự tin cho các cuộc tranh tài sắp diễn ra tại Olympic Tokyo 2020. Khi có mặt tại Nhật Bản, thành viên các quốc gia phải cài đặt 2 phần mềm khai báo về COVD-19 phục vụ công tác tổ chức của Thế vận hội là OCHA và COCOA. 

Các thành viên của đoàn Thể thao Việt Nam đã tới sân bay Narita - Tokyo. Ảnh: Thu Sâm

Đây sẽ là kỳ Olympic đặc biệt nhất trong lịch sử với những rủi ro lớn từ ảnh hưởng của đại dịch COVID-19. Dù lãnh đạo Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch không giao chỉ tiêu nhưng đoàn đăng ký với Bộ sẽ cố gắng phấn đấu có huy chương.

Tại Olympic Rio 2016, xạ thủ Hoàng Xuân Vinh từng giành 1 huy chương vàng, 1 huy chương bạc môn bắn súng. Đó là kỳ tích lịch sử của thể thao Việt Nam. Ở kỳ Thế vận hội lần này, anh tiếp tục là niềm hi vọng của thể thao nước nhà.

Mức thưởng từ nhà tài trợ và quy định của Nhà nước dành cho các VĐV giành huy chương Olympic là 1,85 tỷ đồng cho huy chương vàng, 1,02 tỷ đồng cho huy chương bạc và 640 triệu đồng cho huy chương đồng. Đoàn Thể thao Việt Nam đặt mục tiêu biến khó khăn, thách thức thành động lực để đạt thành tích tốt, đáp lại sự quan tâm của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Bộ, ngành và người hâm mộ cả nước.

P.V