Djokovic, Nadal sẽ so tài tại "Six Kings Slam"

Theo Cơ quan Giải trí Tổng hợp của Saudi Arabia, quốc gia này sẽ tổ chức một trận đấu giao hữu Quần vợt hàng đầu mới với sự góp mặt của Novak Djokovic và Rafael Nadal cùng 3 nhà vô địch Grand Slam khác vào tháng 10 năm nay.

6-kings-slam-1707231646.png

Carlos Alcaraz, Jannik Sinner, Daniil Medvedev và Holger Rune cũng sẽ tham gia "Six Kings Slam", giải đấu diễn ra trong khuôn khổ Lễ hội văn hóa và giải trí Riyadh Season của Saudi Arabia. Trong số 6 tay vợt tham dự, chỉ có Rune chưa có danh hiệu Grand Slam.

Tay vợt người Tây Ban Nha - Rafael Nadal - người đã trở thành đại sứ của Liên đoàn Quần vợt Saudi Arabia vào tháng trước, cho biết, anh rất mong đợi sự kiện này. "Sau khi một số tay vợt khác tham gia, tôi rất háo hức được thi đấu lần đầu tiên ở Riyadh"- nhà vô địch Grand Slam 22 lần cho biết trong thông cáo báo chí.

Mặc dù các trận đấu giao hữu ở vùng Vịnh không phải là mới, nhưng chúng thường diễn ra trong thời gian nghỉ của mùa giải ATP hoặc sau khi mùa giải kết thúc. Tháng 10, ATP có lịch thi đấu dày đặc, bao gồm các giải Masters 1000 bắt buộc ở Thượng Hải và Paris.

ATP cũng thông báo vào tháng 8 năm ngoái rằng, Saudi Arabia sẽ tổ chức giải Next Gen Finals, giải đấu dành cho các tay vợt nam dưới 21 tuổi, tại Jeddah từ năm 2023 đến 2027.

Trong những năm gần đây, quốc gia vốn trở nên giàu có nhờ dầu mỏ này đã đầu tư mạnh vào các môn thể thao như: Bóng đá, Công thức 1 và Golf. Tuy nhiên, các nhà phê bình vẫn liên tục đưa ra các cáo buộc về việc đất nước này sử dụng thể thao để che đậy thành tích kém về nhân quyền và bình đẳng.

Cuộc tranh luận về việc Saudi Arabia có thể tổ chức WTA Finals dành cho nữ giới đang trở nên gay gắt hơn, với 2 huyền thoại quần vợt Chris Evert và Martina Navratilova phản đối động thái này, dẫn đến sự chỉ trích nặng nề từ đại sứ Saudi Arabia tại Mỹ tuần trước. Evert và Navratilova cho rằng ý tưởng này sẽ “hoàn toàn không phù hợp với tinh thần và mục đích của Quần vợt nữ cũng như bản thân WTA”.

Evert và Navratilova, cả 2 đều là cựu số 1 thế giới và từng là đối thủ khốc liệt trong những ngày thi đấu, nhấn mạnh thành tích vi phạm nhân quyền của Saudi Arabia, đặc biệt là liên quan đến cách đối xử với phụ nữ và các thành viên của cộng đồng LGBTQ. Evert và Navratilova cho rằng: “Đây không chỉ là một quốc gia mà phụ nữ không được đối xử bình đẳng, mà về cơ bản còn biến phụ nữ thành tài sản của nam giới. Một quốc gia hình sự hóa cộng đồng LGBTQ đến mức có thể bị kết án tử hình. Một quốc gia có thành tích lâu dài về nhân quyền và các quyền tự do cơ bản là vấn đề được quốc tế quan tâm trong nhiều thập kỷ. Việc tổ chức trận chung kết WTA ở đó không phải là sự tiến bộ mà là sự thụt lùi đáng kể...”.

Hoàng Hà (Reuters)