Đếm ngược 100 ngày tới Olympic Paris:

Những tác động tích cực và lâu dài từ Thế vận hội

Ngày 17/4 đánh dấu 100 ngày đếm ngược tới Lễ khai mạc của Thế vận hội Paris. Bằng sự hứa hẹn tích cực của Thế vận hội về mặt xã hội, ít gây ô nhiễm và ít lãng phí hơn, thành phố “lãng mạn” này cũng đang tự đặt ra cho mình tiêu chuẩn khắt khe trong việc biến những Thế vận hội nói chung trong tương lai trở nên hấp dẫn hơn.

paris-1713339559.jpg
Thế vận hội Paris sẽ tổ chức một Lễ khai mạc Olympics đầy “sự tham vọng” trên mặt nước

Còn 100 ngày nữa kể từ ngày 17/4, Thế vận hội Paris sẽ tổ chức một Lễ khai mạc Olympics đầy “sự tham vọng” trên mặt nước. Nhưng Thế vận hội đầu tiên sau một thế kỷ ở thủ đô nước Pháp sẽ không chỉ được đánh giá dựa vào cảnh tượng hoành tráng, mà còn dựa trên tác động của chúng đối với các vùng ngoại ô khó khăn của Paris, cách xa trung tâm thành phố, nơi diễn ra nhiều hoạt động.

Các nhà phê bình đặt câu hỏi về giá trị của chúng đối với một thế giới đang vật lộn với tình trạng nóng lên của khí hậu và các tình huống khẩn cấp khác. Các thành phố chủ nhà tiềm năng không thích Thế vận hội đến mức chỉ có Paris và Los Angeles là những ứng cử viên duy nhất còn lại vào năm 2017 được Ủy ban Olympic quốc tế lần lượt chọn đăng cai các kỳ Olympic năm 2024 và 2028. Sau những vụ bê bối và khoản chi phí lên tới 13 tỷ USD cho Thế vận hội Tokyo, những lời hứa chưa được thực hiện về sự thay đổi có lợi cho chủ nhà Rio de Janeiro vào năm 2016 và Thế vận hội mùa đông 2014 ở Sochi bị “hoen ố” bởi doping của Nga, Ủy ban Olympic Quốc tế (IOC) đặt trụ sở tại Thụy Sĩ đối mặt với rất nhiều sự hoài nghi cần phải giải quyết. Sự thành công của Thế vận hội mùa hè tại Paris có thể góp phần quan trọng vào sự tồn tại lâu dài của sự kiện quy mô lớn của IOC.

Thành phố Paris đã tích hợp ý tưởng rằng, Olympic diễn ra từ ngày 26/7 đến 11/8 và Paralympic diễn ra từ ngày 28/8 đến 8/9 sẽ mang lại lợi ích cho cộng đồng “bất hạnh” ở vùng Seine-Saint-Denis (phía Đông Bắc Paris) trong kế hoạch của mình từ đầu. Seine-Saint-Denis là vùng nghèo nhất của nước Pháp, quy mô dân số 1,6 triệu dân với 130 quốc tịch khác nhau, sử dụng hơn 170 ngôn ngữ. Trẻ em Seine-Saint-Denis đối mặt với kỳ thị chủng tộc và các rào cản mà thể thao đôi khi là một con đường để thoát khỏi hoàn cảnh khó khăn. Cầu thủ bóng đá từng vô địch World Cup - Kylian Mbappé - đã rèn luyện kỹ năng bóng đá tài tình của mình khi còn là một cậu bé ở thị trấn Bondy (Seine-Saint-Denis).

Mamitiana Rabarijaona đã lớn lên gần sân vận động Olympic, được xây dựng ban đầu cho World Cup bóng đá năm 1998. Anh cho biết, sân vận động không mang lại nhiều lợi ích cho người dân Seine-Saint-Denis. Anh tin rằng, Thế vận hội sẽ là “một bữa tiệc lớn” và anh sẽ là một trong 45.000 tình nguyện viên tham gia. Tuy nhiên, anh không quá kỳ vọng rằng các đầu tư liên quan đến Thế vận hội sẽ xóa tan những khó khăn của Seine-Saint-Denis một cách kỳ diệu như mong đợi. “Việc này giống như nâng tấm thảm lên và phủi bụi bên dưới. Tôi nghĩ chỉ vậy thôi”, anh nói.

Seine-Saint-Denis, với ngôi làng Olympic mới, sẽ trở thành nơi ở và văn phòng khi 10.500 vận động viên Olympic và 4.400 vận động viên Paralympic rời đi. Đây cũng là nơi có địa điểm thi đấu được xây dựng mới phục vụ cho Thế vận hội với một Trung tâm Thể thao dưới nước dành cho các sự kiện lặn, bóng nước và bơi lội nghệ thuật. Hồ bơi cũ dài 25m của thị trấn Seine-Saint-Denis với 51.000 dân nay cũng đã gần 50 năm tuổi và chỉ một nửa trẻ em trong khu vực biết bơi. Những cơ sở vật chất mới, sau khi sử dụng cho Thế vận hội, sẽ hữu ích cho người dân địa phương. Thị trưởng Sevran Stéphane Blanchet cho biết: “Tham vọng của Thế vận hội Olympic này... là mang lại lợi ích cho tất cả mọi người và trong thời gian dài nhất có thể”.

Lý Linh (ABC News)