Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết, văn học Việt Nam trong nhiều năm qua đã phát triển khá toàn diện và mạnh mẽ; thấm nhuần sâu sắc tinh thần dân tộc nhân văn, dân chủ; kế thừa và phát huy các giá trị truyền thống đậm đà bản sắc dân tộc, đồng thời tiếp thu chọn lọc tinh hoa văn hóa nhân loại, góp phần xây dựng nền tảng tinh thần của xã hội. Cùng với những đổi mới của đất nước, bên cạnh những thành quả đã đạt được, hoạt động văn học hiện nay vẫn còn một số hạn chế, cần quan tâm đưa ra các chính sách cụ thể như:
Chưa quy định cụ thể thống nhất về việc tổ chức các cuộc thi sáng tác văn học, lý luận, phê bình văn học sử dụng ngân sách nhà nước; điểm d mục 16 Điều 2 Nghị định số 01/2023/NĐ-CP ngày 16/01/2023 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định hướng dẫn và tổ chức thực hiện các cuộc thi về văn học cấp quốc gia nhưng chưa có quy định việc tổ chức cuộc thi về văn học.
Các giải thưởng về văn học của các Hội chuyên ngành tương đối toàn diện dành cho các đối tượng khác nhau và đã thực hiện đúng quy định. Tuy nhiên, hiện nay, chưa có quy định về giải thưởng văn học cấp quốc gia do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức. Thực tế trong lĩnh vực nghệ thuật định kỳ đều tổ chức cuộc thi, liên hoan chuyên nghiệp, các nghệ sĩ, diễn viên tham gia có thành tích xuất sắc đều được tặng Giải Vàng, Giải A, Giải Nhất do các cơ quan quản lý nhà nước trao tặng, còn đối với lĩnh vực sáng tác văn học thì chưa có các cuộc thi, giải thưởng của cơ quan quản lý nhà nước trao tặng cho các nhà văn, tác giả sáng tác văn học gây sự bất bình đẳng giữa các nhà văn hay tác giả sáng tác tác phẩm văn học, thiệt thòi cho các nhà văn khi tham gia xét tặng giải thưởng Nhà nước và Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học, nghệ thuật "Có giá trị đặc biệt xuất sắc về văn học, nghệ thuật, về nội dung tư tưởng và hình thức nghệ thuật".
Giới thiệu và quảng bá văn học Việt Nam ra nước ngoài là một phần quan trọng trong xu thế hội nhập quốc tế. Tuy nhiên, hiện nay việc giới thiệu quảng bá và xúc tiến phát triển văn học chưa có sự phối hợp chặt chẽ giữa các đơn vị tổ chức giới thiệu, quảng bá với các tác giả sáng tác văn học dẫn đến đạt hiệu quả chưa cao, nhiều cá nhân, tổ chức tự lựa chọn tác phẩm văn học để quảng bá ra nước ngoài, dẫn đến chưa phản ánh toàn diện văn học Việt Nam trong giai đoạn hiện nay ở nước ngoài. Nhà nước cần ban hành các đề án, chương trình để quảng bá và xúc tiến phát triển văn học; tiêu chí lựa chọn tác phẩm đại diện cho văn học Việt Nam tham gia hội chợ triển lãm, cuộc thi, giải thưởng uy tín tại nước ngoài; Quyết định số 645/QĐ-TTg ngày 29/11/2011 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án Xây dựng chính sách thẩm định, quảng bá, thuế ưu đãi… đối với các tác phẩm văn học, nghệ thuật trong nước; văn hóa phẩm của Việt Nam đưa ra nước ngoài và giới thiệu tinh hoa văn học, nghệ thuật của thế giới vào Việt Nam; chính sách sưu tầm, chỉnh lý, phát huy, quảng bá di sản văn học, nghệ thuật dân tộc và phát triển văn học, nghệ thuật quần chúng đã hết hiệu lực từ năm 2021.
Dịch văn học Việt Nam ra nước ngoài và văn học nước ngoài vào Việt Nam đang bị mất cân bằng, có hiện tượng "nhập siêu văn học", hầu như các đầu sách bán chạy trên thế giới đều đã có mặt ở Việt Nam ngược lại sách văn học Việt Nam xuất hiện còn khá khiêm tốn trên thị trường sách thế giới, chưa tương xứng với những giá trị của văn học Việt Nam. Theo Hội Nhà văn Việt Nam chất lượng dịch các tác phẩm nước ngoài vào Việt Nam vẫn chưa tương xứng với nhu cầu của độc giả, nhà nước cần có cơ chế để thúc đẩy nhiều các tác phẩm văn học dịch có chất lượng tại Việt Nam. Mặt khác, mặc dù chúng ta có những tác phẩm của dịch giả Việt Nam được giới thiệu ra nước ngoài nhưng đó mới chỉ là hiện tượng riêng lẻ, giới thiệu bằng các mối quan hệ cá nhân. Vấn đề dịch văn học còn lệ thuộc vào kế hoạch của đối tác nước ngoài, thiếu sự chủ động từ phía các cơ quan Việt Nam.
Việc phổ biến văn học trên môi trường không gian mạng là một xu thế tất yếu của sự phát triển, tại Việt Nam đã có nhiều nhà văn chủ yếu sử dụng không gian mạng để công bố trích đoạn, thu hút sự quan tâm của công chúng và từ đó, quảng bá cho ấn phẩm khi được xuất bản, tạo cơ hội để nhà văn đến gần với độc giả nhanh hơn, dễ dàng hơn. Tuy nhiên, thực tế văn học trên không gian mạng vẫn có nhiều tác phẩm kém chất lượng về tư tưởng nghệ thuật, đạo đức, trái thuần phong mỹ tục văn hóa con người Việt Nam.
Trên cơ sở chính trị, pháp lý và cơ sở thực tiễn việc ban hành Nghị định quy định về khuyến khích phát triển văn học theo quy định tại khoản 2 Điều 19 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật là cần thiết nhằm hoàn thiện khung khổ pháp lý đáp ứng yêu cầu phát triển, nhiệm vụ quản lý nhà nước và phù hợp với thực tiễn.
Mục đích cụ thể: Từng bước hoàn thiện hệ thống quy định pháp luật trong lĩnh vực văn học trong thời kỳ mới, bảo đảm sự nghiệp “phát triển văn học, nghệ thuật đáp ứng nhu cầu tinh thần đa dạng và lành mạnh của nhân dân” được quy định tại khoản 2 Điều 60 Hiến pháp năm 2013: Nhà nước, xã hội phát triển văn học nhằm đáp ứng nhu cầu tinh thần đa dạng và lành mạnh của nhân dân. Hoàn thiện cơ chế quản lý để vừa bảo đảm quyền sáng tạo của công dân trong lĩnh vực văn học. Tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân tham gia sáng tạo văn học phù hợp với thuần phong mỹ tục, truyền thống văn hóa dân tộc, bảo đảm môi trường lành mạnh, đúng quy định pháp luật, phát triển hoạt động sáng tạo tác phẩm văn học.
Tăng cường vai trò của cơ quan quản lý nhà nước trong việc chủ trì, phối hợp và giám sát triển khai các chương trình, đề án cấp quốc gia về hỗ trợ, đầu tư khuyến khích phát triển văn học để có tác phẩm văn học, lý luận, phê bình văn học chất lượng và giá trị tư tưởng cao. Nâng cao hiệu quả hoạt động Trại sáng tác văn học và lý luận, phê bình văn học theo quy định của Nhà nước sử dụng ngân sách nhà nước và khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia tổ chức trại sáng tác.
Hoàn thiện cơ chế chính sách quản lý tổ chức các cuộc thi sáng tác văn học, sáng tác lý luận, phê bình văn học cấp quốc gia, quốc tế và giải thưởng văn học. Xây dựng khung pháp lý về các chương trình quốc gia hỗ trợ giới thiệu, quảng bá văn học Việt Nam trong và ngoài nước; dịch văn học và phổ biến, đổi mới sáng tạo văn học trên không gian mạng.
Thông qua Nghị định để góp phần thực hiện mục tiêu Chiến lược phát triển văn hóa Việt Nam đến năm 2030, đó là: Hằng năm, có từ 10 - 15 công trình nghiên cứu lý luận, phê bình văn hóa, nghệ thuật chất lượng được công bố; có 02 tác giả đạt giải thưởng văn học ASEAN và khoảng 20 - 30 tác phẩm, công trình văn hóa, văn học, nghệ thuật về lịch sử dân tộc, lịch sử đấu tranh cách mạng và công cuộc đổi mới của đất nước. Xây dựng chương trình sáng tác, nghiên cứu văn hóa - nghệ thuật Việt Nam trong 100 năm (1930-2030) dưới sự lãnh đạo của Đảng.
Quan điểm xây dựng dự thảo Nghị định: Thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng về văn học thành những quy định, chính sách cụ thể trong lĩnh vực văn học. Cụ thể hóa đầy đủ tinh thần và nội dung về công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền con người, quyền cơ bản của công dân về quyền sáng tạo trong lĩnh vực văn học; tạo sự đồng bộ trong hệ thống pháp luật của nhà nước và phù hợp với các điều ước quốc tế mà Việt Nam đã ký kết hoặc gia nhập.
Phát huy tiềm năng sáng tạo của công dân Việt Nam trong lĩnh vực văn học; xây dựng chính sách hỗ trợ của Nhà nước phù hợp để hiện thực hóa Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030 trong đó có lĩnh vực văn học. Xây dựng khung pháp lý phù hợp với tính đặc thù của phát triển văn học.
Kế thừa, phát huy những kết quả đã đạt được trên cơ sở tổng hợp đánh giá, rút kinh nghiệm thực tiễn hoạt động văn học, giải quyết những bất cập để đáp ứng yêu cầu hiện tại và xu hướng phát triển trong tương lai. Tham khảo, chọn lọc trao đổi kinh nghiệm quản lý để phát triển văn học của một số nước có nền văn học phát triển và vận dụng phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội ở Việt Nam.
Tạo cơ chế khuyến khích các tác giả trong sáng tạo tác phẩm văn học đỉnh cao
Dự thảo Nghị định quy định những nội dung cơ bản bao gồm: phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng; giải thích từ ngữ; chính sách của nhà nước về khuyến khích phát triển văn học (trong đó, khẳng định Nhà nước hỗ trợ, đầu tư cho các hoạt động sáng tác tác phẩm văn học; tổ chức trại sáng tác văn học; tổ chức cuộc thi sáng tác văn học; giải thưởng văn học quốc gia; giới thiệu, quảng bá văn học; dịch văn học; phổ biến văn học); những nội dung cơ bản về quản lý nhà nước đối với văn học; dừng tổ chức các hoạt động văn học, thu hồi giải thưởng và kinh phí thực hiện đối vớicác hoạt động văn học.
Trong đó, về sáng tác tác phẩm văn học: Dự thảo Nghị định tập trung quy định cơ chế hỗ trợ, đầu tư, tiêu chí, quy trình lựa chọn tác giả để Nhà nước hỗ trợ, đầu tư sáng tác, nghiệm thu, các tác phẩm văn học sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước nhằm hỗ trợ và khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia các hoạt động sáng tác văn học, đồng thời thu hút nguồn lực xã hội hóa cho hoạt động sáng tác văn học tại Việt Nam.
Về tổ chức trại sáng tác văn học: Dự thảo Nghị định quy định cụ thể hoạt động trại sáng tác văn học, bao gồm: tiêu chí để tổ chức đáp ứng khi tổ chức một trại sáng tác văn học, trong đó khẳng định Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch là cơ quan có trách nhiệm tổ chức các trại sáng tác văn học theo định kỳ hàng năm nhằm tạo ra một cơ chế khuyến khích không chỉ về vật chất mà còn khuyến khích về tinh thần, tạo động lực đối với các tác giả tham gia trại nhiệt huyết sáng tạo tác phẩm văn học; quy định trình tự thông báo và cơ quan nhà nước có thẩm quyền tiếp nhận thông báo trước khi tổ chức trại sáng tác văn học; quy định cụ thể về nội dung của Quy chế trại sáng tác văn học, Hội đồng chuyên môn trại sáng tác văn học. Đồng thời, dự thảo Nghị định quy định cụ thể về tiêu chí trại viên trại sáng tác và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức khi tổ chức trại sáng tác tác phẩm văn học.
Về cuộc thi sáng tác tác phẩm văn học: Dự thảo Nghị định quy định tổ chức cuộc thi sáng tác văn học, trong đó khẳng định Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch là cơ quan có trách nhiệm tổ chức cuộc thi sáng tác tác phẩm văn học theo định kỳ từ 03 năm đến 05 năm một lần đối với từng thể loại văn học nhằm tạo ra một cơ chế khuyến khích không chỉ về vật chất mà còn khuyến khích về tinh thần, tạo động lực đối với các tác giả trong sáng tạo các tác phẩm văn học đỉnh cao; quy định cơ quan có thẩm quyền tiếp nhận thông báo cuộc thi, đề án tổ chức cuộc thi; ban giám khảo cuộc thi và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức khi tổ chức cuộc thi sáng tác tác phẩm văn học;
Giải thưởng văn học quốc gia: Dự thảo Nghị định quy định về giải thưởng văn học quốc gia trong đó khẳng định rõ vai trò của Bộ Văn hóa, Văn hóa và Du lịch trong việc lựa chọn các tác phẩm có giá trị nghệ thuật cao xứng đáng để tôn vinh giải thưởng quốc gia; quy định quyền lợi và nghĩa vụ của của tác giả có tác phẩm được tôn vinh.
Giới thiệu, quảng bá, phổ biến tác phẩm văn học: Dự thảo Nghị định quy định tiêu chí lựa chọn tác phẩm tiêu biểu cho văn học Việt Nam để giới thiệu quảng bá, hỗ trợ việc tham gia các hội chợ triển lãm tại nước ngoài; giới thiệu tác phẩm có chất lượng đại diện cho văn học Việt Nam tham gia các cuộc thi, giới thiệu tham gia giải thưởng văn học uy tín quốc tế; xây dựng trang thông tin điện tử về văn học Việt Nam nhằm phổ biến, giới thiệu, quảng bá các tác giả, tác phẩm văn học Việt Nam; xây dựng cơ sở dữ liệu, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số trong lĩnh vực văn học tại Việt Nam nhằm góp phần hoàn thiện hành lang pháp lý và cơ chế quản lý nhà nước đối với lĩnh vực có liên quan góp phần tập hợp các đầu mối và nguồn lực thúc đẩy hoạt động giới thiệu quảng bá và xúc tiến phát triển văn học có chiều sâu và hiệu quả.