Phát biểu khai mạc Hội nghị - Hội thảo, ông Trần Hoàng - Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả - cho biết: Ngày 16/6/2022, Quốc hội đã thông qua Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi tại kỳ họp thứ ba, khóa XV. Theo đó, Luật đã sửa đổi bổ sung 102/222 điều, trong đó, nội dung Quyền tác giả, quyền liên quan sửa đổi 27 điều, bổ sung 5 điều, thay thế, bỏ một số từ, cụm từ, bỏ khoản 3 điều 51 đồng thời sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật khác liên quan như Luật Hải quan; Luật Khoa học và Công nghệ; Luật Quản lý, sử dụng tài sản công; Luật Giá.
Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả cũng cho biết, để thực hiện hành lang pháp lý về bảo vệ quyền tác giả, quyền liên quan trong môi trường số cùng với việc sửa đổi bổ sung một số điều Luật Sở hữu trí tuệ, Bộ VHTTDL đã tham mưu trình các cấp có thẩm quyền đề xuất gia nhập hai hiệp ước về quyền tác giả, quyền liên quan trên không gian mạng: Hiệp ước về quyền tác giả (WCT) và hiệp ước bản ghi âm (WPPT) và Việt Nam đã là thành viên của hiệp ước WCT từ ngày 17/02/2022 và thành viên của hiệp ước WPPT từ ngày 1/10/2022. "Đây là hành động cụ thể góp phần thực hiện chủ trương chủ động, tích cực tham gia chuyển đổi số cũng như gia nhập hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam. Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ sẽ chính thức có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2023", ông Trần Hoàng cho biết.
Tại Hội nghị - Hội thảo, bà Phạm Thị Kim Oanh + Phó Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả - đã thông tin đến các đại biểu về những điểm mới, sửa đổi của Luật Sở hữu trí tuệ về quyền tác giả, quyền liên quan; các điều ước quốc tế về quyền tác giả, quyền liên quan; Dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Sở hữu trí tuệ về quyền tác giả, quyền liên quan.
Theo đó, Luật Sở hữu trí tuệ bổ sung nội dung về tác giả, đồng tác giả; bổ sung quyền nhân thân của tác giả. Điểm mới là tác giả có quyền chuyển quyền sử dụng quyền đặt tên tác phẩm cho tổ chức, cá nhân nhận chuyển giao quyền tài sản quy định tại khoản 1 Điều 20 Luật Sở hữu trí tuệ 2005; bổ sung các trường hợp ngoại lệ không xâm phạm quyền tác giả; Thay đổi trong hồ sơ đăng ký quyền tác giả, đăng ký quyền liên quan; Bổ sung hình thức nộp hồ sơ đăng ký quyền tác giả; Bổ sung quyền đăng ký là kết quả của nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước…
Đặc biệt, phần nội dung Dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Sở hữu trí tuệ về quyền tác giả, quyền liên quan được các đại biểu tham dự Hội nghị- Hội thảo quan tâm.
Theo bà Phạm Thị Kim Oanh, Dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Sở hữu trí tuệ về quyền tác giả, quyền liên quan gồm 7 chương, 80 điều.
Chương I: Quy định chung (5 điều); Chương II: Quyền tác giả, quyền liên quan (20 điều); Chương III: Giới hạn, ngoại lệ Quyền tác giả, quyền liên quan (13 điều); Chương IV: Đăng ký Quyền tác giả, quyền liên quan (7 điều); Chương V: Tổ chức đại diện tập thể, tổ chức tư vấn, dịch vụ Quyền tác giả, quyền liên quan (11 điều); Chương VI: Bảo vệ Quyền tác giả, quyền liên quan (22 điệu); Chương VII: Điều khoản thi hành (2 điều).
Trong đó, Quyền tác giả, quyền liên quan (QTG, QLQ) quy định các loại hình tác phẩm được bảo hộ QTG; đối tượng không thuộc phạm vi bảo hộ QTG; QTG đối với một số loại hình tác phẩm, quyền thân nhân, quyền biểu diễn, QLQ của người biểu diễn; Quyền của đồng tác giả, thời hạn bảo hộ đối với tác phẩm di cảo…
Theo Dự thảo Nghị định, Giới hạn, ngoại lệ QTG, QLQ quy định: sao chép hợp lý một phần tác phẩm bằng thiết bị sao chép: tỉ lệ 10%; sử dụng hợp lý tác phẩm; trích dẫn hợp lý tác phẩm; sử dụng tác phẩm trong hoạt động công vụ của cơ quan nhà nước; ngoại lệ không xâm phạm QTG dành cho người khuyết tật…
Tại Hội nghị- Hội thảo, các đại biểu đều cho rằng, việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ, trong đó có nội dung quyền tác giả, quyền liên quan là bước đột phá nhằm quản lý hiệu quả hơn nữa vấn đề bản quyền.
Các đại biểu cũng đã sôi nổi, thẳng thắn góp ý cho Dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Sở hữu trí tuệ về quyền tác giả, quyền liên quan như vấn đề quản lý các trang web vi phạm nhưng máy chủ ở nước ngoài; tỉ lệ sao chép 10%; ngoại lệ không xâm phạm QTG dành cho người khuyết tật...