Đó là khẳng định của Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng tại Hội nghị giao ban về kết quả triển khai các nhiệm vụ của Ban Chỉ đạo triển khai dự án bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Khu di sản Hoàng thành Thăng Long và Khu di tích Cổ Loa đến hết quý I/2023, phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm năm 2023 do Thành ủy Hà Nội tổ chức ngày 18/4.
Về việc cam kết thực hiện 8 khuyến nghị của ICOMOS (Hội đồng Di tích và Di chỉ quốc tế) đối với di sản Khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội, đến nay, 6/8 cam kết đã được Việt Nam cơ bản hoàn thành, 2 cam kết vẫn tiếp tục triển khai thực hiện. Một trong hai cam kết chưa hoàn thành là bảo đảm sự thống nhất quản lý khu di sản. Cam kết này bao gồm chuyển giao toàn bộ vùng đất thuộc khu di sản cho thành phố Hà Nội quản lý (đại diện là Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội) và di chuyển các hộ dân hiện đang sinh sống trong khu di sản (trên cơ sở vận động tự nguyện và có chính sách đền bù thỏa đáng).
Thành phố Hà Nội đã tiếp nhận, quản lý được 16,654 ha/18,353 ha diện tích di sản (91%); diện tích đất còn lại chưa tiếp nhận (1,729 ha), gồm: 1,579 ha do Bộ Quốc phòng đang quản lý (Bảo tàng lịch sử quân sự Việt Nam và Trạm xăng dầu tại đường Nguyễn Tri Phương) và 0,15 ha (do gia đình các con, cháu đồng chí Song Hào đang sử dụng). UBND quận Ba Đình, Sở Xây dựng đang thực hiện phương án hỗ trợ di chuyển và bồi thường, giải phóng mặt bằng các gia đình. Đến nay, 1/7 hộ đã nhận tiền bồi thường, bàn giao mặt bằng; còn 6 hộ chưa nhận đền bù.
Công tác thống nhất quản lý di vật, hiện vật khảo cổ học cũng chưa hoàn thành. Đến nay, số lượng di vật còn lại phải thực hiện tiếp nhận, bàn giao là trên 50.000 két các loại hình. Viện Khảo cổ học và Viện Nghiên cứu Kinh Thành đã thống nhất phấn đấu hoàn thành bàn giao trong năm 2024, rút ngắn 1 năm so với kế hoạch.
Như vậy, việc thực hiện cam kết của Thủ tướng Chính phủ với Ủy ban Di sản thế giới về việc thống nhất quản lý di sản sau 13 năm vẫn chưa hoàn thành, đặc biệt là quản lý về mặt diện tích di sản (9% diện tích di sản chưa được bàn giao cho thành phố Hà Nội quản lý). Nguyên nhân là do tiến độ xây dựng Bảo tàng lịch sử quân sự Việt Nam (mới) tại phường Đại Mỗ (quận Nam Từ Liêm) chậm, khó đảm bảo hoàn thành trong năm 2023 để di chuyển, bàn giao di sản cho thành phố Hà Nội. Công tác giải phóng mặt bằng tại khu vực mới bàn giao cho Bộ Quốc phòng xây dựng các công trình để di dời khỏi diện tích khu di sản và công tác giải phóng mặt bằng đối với các hộ gia đình nói trên còn chậm.
Bên cạnh đó, công tác chuẩn bị các điều kiện để tái hiện Điện Kính Thiên cũng nhận được sự quan tâm của lãnh đạo thành phố cũng như các cơ quan chức năng, nhà khoa học. Ban Chỉ đạo tham vấn Trung tâm di sản Thế giới và các cơ quan liên quan của UNESCO về nội dung hoàn trả không gian chính Điện Kính Thiên (Nhà Con Rồng và Nhà Cục tác chiến). Hiện công tác khảo cổ khu vực Điện Kính Thiên sẽ phải tiếp tục để tìm ra kết cấu xây dựng Điện theo hình chữ “Công” hay chữ “Nhất”.
Ông Nguyễn Thanh Quang, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội, đơn vị thường trực của Ban Chỉ đạo đã đề xuất nhiệm vụ trọng tâm năm 2023; trong đó, tập trung mọi nguồn lực để hoàn thiện hồ sơ khoa học, tạo sự đồng thuận cao đối với các tổ chức quốc tế, các nhà khoa học trong và ngoài nước nhằm đủ điều kiện đề xuất chủ trương đầu tư Dự án tái hiện không gian và chính Điện Kính Thiên. Cụ thể: Tổ chức đón tiếp các đoàn công tác liên ngành của Trung tâm Di sản thế giới, Hội đồng Di tích và Di chỉ quốc tế (ICOMOS) đánh giá thực trạng và hồ sơ đã trình; tổ chức mời 2 chuyên gia độc lập do Trung tâm Di sản thế giới tiến cử để viết hồ sơ đánh giá tác động. Đồng thời, hoàn chỉnh hồ sơ kèm theo báo cáo đánh giá tác động của chuyên gia độc lập, vận động để nộp Trung tâm Di sản thế giới; vận động để hồ sơ được thông qua tại Kỳ họp Ủy ban Di sản thế giới.
Tại hội nghị, các đại biểu đã đồng thuận với những vấn đề bảo tồn, phát huy giá trị di sản của Khu di sản Hoàng thành Thăng Long và Khu di tích Cổ Loa; đồng thời, cùng đưa ra hướng tháo gỡ những khó khăn, bất cập để sớm triển khai các dự án bảo tồn di sản.
Với các đề xuất của Ban Chỉ đạo trong thời gian tới trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị trị Khu di sản Hoàng thành Thăng Long và Khu di tích Cổ Loa, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nhất trí thông qua. Trong đó, tập trung vào việc tái hiện Điện Kính Thiên, xây dựng Nhà trưng bày Hoàng cung Thăng Long, đẩy nhanh công tác khảo cổ học… Bí thư Thành ủy giao các sở, ngành, địa phương triển khai nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng để di chuyển các công trình của Bộ Quốc phòng và thu hồi diện tích đất của các gia đình trong khuôn viên Khu di sản để sớm bàn giao diện tích đất, thống nhất quản lý. Thành phố sẽ tạo điều kiện tối đã về nguồn lực, nhân lực để triển khai các dự án liên quan đến bảo tồn, phát huy giá trị Khu di sản Hoàng thành Thăng Long.