Đẩy mạnh phát triển công nghiệp văn hóa, triển khai hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035

Trong Báo cáo trình bày tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nêu 11 nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025. Trong đó, Thủ tướng yêu cầu phát triển văn hóa, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần và sức khỏe Nhân dân; Tổ chức tốt các hoạt động kỷ niệm các ngày lễ lớn, sự kiện trọng đại của đất nước; Quan tâm hơn nữa đến việc bảo tồn, tôn tạo và phát huy các giá trị văn hoá dân tộc; Đẩy mạnh phát triển công nghiệp văn hóa; triển khai hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035.

thu-tuong-1729495592.jpg
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trình bày Báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội tại Phiên khai mạc Kỳ họp thứ Tám, Quốc hội khóa XV. Ảnh: quochoi.vn

Thủ tướng Chính phủ nêu rõ, năm 2025 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, kỷ niệm 95 năm thành lập Đảng, 50 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, 135 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, 80 năm thành lập Nước và là năm tiến hành Đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIV với kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Tình hình thế giới, khu vực dự báo tiếp tục phức tạp, khó lường; khó khăn, thách thức và thời cơ, thuận lợi đan xen nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn.

Về mục tiêu tổng quát , Thủ tướng chỉ rõ: Tiếp tục ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; hoàn thiện thể chế, pháp luật; phát triển hạ tầng; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo; chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn; phát triển văn hóa, đảm bảo an sinh xã hội, cải thiện đời sống Nhân dân; đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí; củng cố, tăng cường quốc phòng, an ninh, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền; giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội; đẩy mạnh đối ngoại, hội nhập quốc tế; nâng cao uy tín, vị thế nước ta trên trường quốc tế.

Các chỉ tiêu chủ yếu: Tăng trưởng GDP khoảng 6,5-7% và phấn đẩu đạt tốc độ tăng trưởng cao hơn (7-7,5%) để đến hết năm 2025 xếp hạng 31-33 thế giới về quy mô GDP. GDP bình quân đầu người đạt khoáng 4.900 USD. Tỉ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP đạt khoảng 24,1%. Tốc độ tăng chỉ sổ giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng 4,5%. Tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân 5,3-5,4%. Tỉ lệ lao động qua đào tạo đạt khoảng 70%, trong đó có bằng cấp, chứng chỉ đạt khoảng 29-29,5%. Tỉ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị dưới 4%. Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều giảm khoảng 0,8-1%...

Mười một nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu năm 2025

1. Ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng, tiếp tục làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống, thúc đẩy mạnh mẽ các động lực tăng trưởng mới.

Đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công ngay từ đầu năm, nhất là các chương trình, dự án, công trình quan trọng quốc gia, các Chương trình mục tiêu quốc gia, các công trình mang tính kết nối liên tỉnh, liên vùng, liên quốc gia, quốc tế. Thu hút vốn đầu tư nước ngoài có chọn lọc. Phát triển mạnh thị trường vốn, thị trường trong nước, kích cầu tiêu dùng, , đẩy mạnh cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, thương mại điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt... Kiểm soát tốt nguồn cung, giá cả hàng hóa, nhất là các mặt hàng thiết yếu. Tăng cường xúc tiến thương mại; mở rộng, khai thác hiệu quả thị trường mới; mở rộng, đa dạng hóa chuỗi cung ứng, chuỗi sản xuất và thị trường xuất, nhập khẩu; khai thác hiệu quả thị trường Halal… 

Thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới, nhất là chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, kinh tế tri thức; kinh tế vùng, liên kết vùng, đô thị; xây dựng các trung tâm tài chính, khu thương mại tự do và các ngành, lĩnh vực mới, công nghệ cao (như chíp bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, điện toán đám mây, internet vạn vật…). Triển khai hiệu quả Chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn.

2. Giữ vững ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả, đồng bộ phối hợp hài hòa, chặt chẽ với chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm và các chính sách khác. Nâng cao chất lượng tín dụng, tập trung cho sản xuất kinh doanh, các động lực tăng trưởng, lĩnh vực ưu tiên. Đồng thời bảo đảm thủ tục thông thoáng, tăng khả năng hấp thụ và tiếp cận vốn tín dụng; phấn đấu tăng trưởng tín dụng trên 15%. Tập trung cơ cấu lại các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu, xử lý các ngân hàng thương mại được kiểm soát đặc biệt.

Tăng cường kỷ luật, kỷ cương tài chính - NSNN; quản lý chặt chẽ, bảo đảm thu đúng, thu đủ, thu kịp thời, phấn đấu thu NSNN năm 2025 cao hơn ít nhất khoảng 5% so với năm 2024; triệt để tiết kiệm chi, nhất là chi thường xuyên; kiểm soát bội chi, nợ công trong giới hạn an toàn, hợp lý, tận dụng dư địa để huy động thêm nguồn lực cho phát triển. Khẩn trương thực hiện Kết luận số 93-KL/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục đổi mới cơ chế phân cấp NSNN theo hướng tăng cường tính chủ đạo của ngân sách trung ương và nâng cao tính chủ động của ngân sách địa phương

3. Đột phá mạnh mẽ hơn về thể chế phát triển với tư duy đổi mới “vừa quản lý chặt chẽ, vừa kiến tạo phát triển, huy động tối đa các nguồn lực phát triển, tạo không gian phát triển mới” tạo khung khổ pháp lý để huy động, sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực cho phát triển. Thể chế hóa đầy đủ, kịp thời chủ trương của Đảng; bảo đảm tiến độ, chất lượng các dự án luật, pháp lệnh, nghị quyết; triển khai hiệu quả các luật, nghị quyết được Quốc hội thông qua. Khẩn trương rà soát, hoàn thiện các quy định pháp luật, tháo gỡ chồng chéo, bất cập; vướng mắc ở cấp nào thì cấp đó chủ động, tích cực sửa đổi; nghiên cứu ban hành nghị quyết thí điểm với những vấn đề mới phát sinh, chưa có quy định hoặc quy định không còn phù hợp.

Kiên quyết cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính. Tiếp tục xây dựng bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền đi đôi với phân bổ nguồn lực; phát huy tính chủ động, tự lực, tự cường của các cấp; kiên quyết xóa bỏ cơ chế “xin - cho”. Quyết liệt đổi mới, sắp xếp các đơn vị sự nghiệp công lập; đẩy nhanh sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã. Đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia, triển khai hiệu quả Đề án 06; đẩy mạnh số hóa toàn diện hoạt động quản lý nhà nước và hoạt động kinh tế, xã hội.

4. Tập trung hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng trọng điểm, quan trọng quốc gia, nhất là các dự án mang tính chiến lược về hạ tầng giao thông, năng lượng, thích ứng với biến đổi khí hậu...; nâng cấp, mở rộng một số tuyến đường cao tốc theo quy mô quy hoạch; đưa vào khai thác dự án nhà ga T3 Tân Sơn Nhất, T2 Nội Bài; hoàn thành các hạng mục chính của Cảng Hàng không quốc tế Long Thành... Tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng và đảm bảo nguồn cung nguyên vật liệu. Phấn đấu hoàn thành 3.000 km đường bộ cao tốc và phấn đấu khởi công tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng.

Thực hiện hiệu quả Quy hoạch điện VIII; xây dựng cơ chế, chính sách phát triển điện lực và năng lượng tái tạo, hydrogen. Đẩy mạnh đầu tư phát triển hạ tầng nông nghiệp, nông thôn, thích ứng với biến đổi khí hậu; hạ tầng số quốc gia, hạ tầng đổi mới sáng tạo...

5. Thúc đẩy cơ cấu lại các ngành, lĩnh vực gắn với chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, chuyển đổi năng lượng công bằng, bền vững; phát triển các mô hình kinh doanh mới, hiệu quả. Đẩy mạnh phát triển các ngành công nghiệp, dịch vụ phụ trợ; triển khai hiệu quả Chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn. Cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng hiệu quả, bền vững, tích hợp đa giá trị; khuyến khích phát triển nông nghiệp xanh, hữu cơ, tuần hoàn, sản xuất hàng hóa lớn, ứng dụng công nghệ cao; triển khai hiệu quả Đề án phát triển 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp. Phấn đấu năm 2025 đạt 20 triệu lượt khách quốc tế.

6. Chú trọng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao gắn với đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, phát triển và ứng dụng công nghệ, thúc đẩy khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo. Phấn đấu năm 2025 thuộc nhóm 3 nước dẫn đầu ASEAN về chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu. Tiếp tục đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo theo Kết luận số 91-KL/TW của Bộ Chính trị; xây dựng xã hội học tập và học tập suốt đời. Triển khai hiệu quả các đề án đào tạo 50 nghìn kỹ sư bán dẫn và nguồn nhân lực phục vụ phát triển công nghệ cao. Phát huy hiệu quả hệ sinh thái, Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia.

cac-dai-bieu-du-phien-khai-mac-1729495719.jpg
Quang cảnh tại Phiên khai mạc Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV. Ảnh: quochoi.vn

7. Phát triển văn hóa, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần và sức khỏe Nhân dân. Tổ chức tốt các hoạt động kỷ niệm các ngày lễ lớn, sự kiện trọng đại của đất nước. Quan tâm hơn nữa đến việc bảo tồn, tôn tạo và phát huy các giá trị văn hoá dân tộc. Đẩy mạnh phát triển công nghiệp văn hóa; triển khai hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035. Thực hiện tốt chính sách người có công với cách mạng, giảm nghèo bền vững, trợ giúp các đối tượng yếu thế. Phấn đấu đến hết năm 2025, xóa toàn bộ nhà tạm, nhà dột nát và hoàn thành trên 100 nghìn căn nhà ở xã hội. Mở rộng độ bao phủ và phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp. Tăng cường kết nối cung cầu, phát triển thị trường lao động toàn diện, bền vững, hiện đại, hội nhập; làm tốt công tác an toàn, vệ sinh lao động.

Tiếp tục nâng cao năng lực khám, chữa bệnh; kiểm soát tốt các dịch bệnh; mở rộng hoạt động khám chữa bệnh từ xa, tăng cường hỗ trợ, chuyển giao kỹ thuật cho tuyến dưới; sử dụng bảo hiểm y tế không bị giới hạn về địa giới hành chính; chú trọng bảo đảm an toàn thực phẩm. Thực hiện tốt chính sách dân tộc, tôn giáo, tín ngưỡng, công tác người cao tuổi, thanh niên, bình đẳng giới, vì sự tiến bộ của phụ nữ; tạo môi trường sống an toàn, thân thiện, lành mạnh cho trẻ em. Tăng cường phòng, chống tệ nạn xã hội. Tổng kết 5 năm thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia và xây dựng nội dung triển khai cho giai đoạn tới. Đẩy mạnh thông tin truyền thông, tạo đồng thuận xã hội.

8. Chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng, chống thiên tai, tăng cường quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, thúc đẩy phát triển xanh. Quyết liệt triển khai các Chiến lược, Kế hoạch, Chương trình hành động thực hiện các sáng kiến, cam kết tại COP26 để đưa mức phát thải ròng về “0” vào năm 2050.

Phát triển bền vững kinh tế biển và không gian biển quốc gia. Hoàn thiện, đưa vào vận hành cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai. Đẩy mạnh hợp tác trong bảo vệ và sử dụng có hiệu quả tài nguyên nước ở lưu vực các dòng sông xuyên biên giới. Triển khai thực hiện đề án cảnh báo sớm sạt lở đất, lũ quét khu vực miền núi, trung du. Tăng cường kiểm soát ô nhiễm môi trường không khí, nhất là tại các thành phố lớn.

9. Tiếp tục triển khai quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các Nghị quyết về phát triển KTXH, bảo đảm quốc phòng an ninh 6 vùng KTXH. Phát huy hơn nữa vai trò Hội đồng điều phối vùng; triển khai hiệu quả các Quy hoạch vùng. Nghiên cứu, xây dựng các cơ chế, chính sách đặc thù thúc đẩy phát triển vùng, liên kết vùng.

10. Đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí. Xây dựng Chính phủ trong sạch, liêm chính, hành động, vì Nhân dân phục vụ; tăng cường công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình; kiểm soát có hiệu quả tài sản, thu nhập. Đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra, tập trung vào những lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực; không hình sự hóa các quan hệ dân sự, hành chính, kinh tế. Tích cực tháo gỡ khó khăn, vướng mắc các dự án năng lượng tái tạo, các dự án chậm tiến độ, kéo dài theo Kết luận số 77-KL/TW của Bộ Chính trị về Đề án 153 và các dự án điện, năng lượng tái tạo, 2 dự án bệnh viện Bạch Mai và bệnh viện Việt Đức cơ sở 2 và một số dự án bất động sản khác. Quyết liệt gỡ thẻ vàng IUU.

11. Tăng cường tiềm lực quốc phòng, bảo vệ vững chắc, độc lập, chủ quyền, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ, không để bị động, bất ngờ; đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh, phòng thủ quân khu, phòng thủ khu vực, phòng thủ chiến lược; nâng cao chất lượng dự báo, tham mưu chiến lược; quản lý chặt chẽ vùng trời, vùng biển, biên giới, không gian mạng, bảo vệ các hoạt động kinh tế biển; nâng cao chất lượng, sức mạnh chiến đấu toàn quân; xây dựng Quân đội “tinh, gọn, mạnh”; phát triển công nghiệp quốc phòng. Tiếp tục hoàn thiện và thực hiện có hiệu quả chiến lược về quân sự, quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc…

Chú trọng bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Chủ động nắm chắc, sát tình hình, đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, phản động. Tăng cường kiềm chế tội phạm, phấn đấu kéo giảm 5% số vụ phạm tội về trật tự xã hội. Thực hiện hiệu quả các biện pháp bảo đảm trật tự an toàn giao thông và phòng, chống cháy, nổ. Ban hành Chiến lược tổng thể quốc gia phòng ngừa, ứng phó các mối đe dọa an ninh phi truyền thống đến năm 2030.

Triển khai đồng bộ, toàn diện, hiệu quả các hoạt động đối ngoại, hội nhập quốc tế; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định và tạo điều kiện thuận lợi, thu hút các nguồn lực để phục vụ phát triển đất nước, củng cố và nâng cao uy tín, vị thế quốc tế của Việt Nam. Đẩy mạnh công tác ngoại giao kinh tế gắn với phát huy các động lực tăng trưởng của nền kinh tế. Tổ chức tốt các sự kiện đa phương quan trọng.

T.H