Tại hội nghị, các đại biểu đã thống nhất tiếp tục tăng cường đẩy mạnh và nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động liên kết hợp tác phát triển du lịch giữa các tỉnh nhằm phát huy, khai thác hiệu quả, tiềm năng, lợi thế du lịch của mỗi địa phương.
Chương trình hợp tác phát triển du lịch của 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng (Lào Cai, Lai Châu, Sơn La, Điện Biên, Phú Thọ, Hòa Bình, Hà Giang, Yên Bái) và Thành phố Hồ Chí Minh trong những năm qua phù hợp với xu hướng liên kết phát triển du lịch trong giai đoạn mới và đang thể hiện là mô hình hiệu quả để hình thành các sản phẩm du lịch liên tuyến, liên vùng, góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa - lịch sử, tài nguyên du lịch của từng địa phương.
Sau khi Chính phủ chính thức mở cửa lại hoạt động du lịch các tỉnh, thành phố trong nhóm hợp tác đã tích cực triển khai các hoạt động liên kết và tham gia đầy đủ, hiệu quả vào các sự kiện du lịch nổi bật do các tỉnh thành viên tổ chức. Thông qua đó, các doanh nghiệp lữ hành của các tỉnh Tây Bắc mở rộng và Thành phố Hồ Chí Minh đã tích cực hợp tác, liên kết trao đổi nguồn khách.
6 tháng đầu năm 2022, 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng và Thành phố Hồ Chí Minh đã đón 20 triệu lượt khách du lịch, trong đó, riêng khách du lịch đến từ các địa phương trong nhóm hợp tác đạt khoảng 10 triệu lượt. Số lượng doanh nghiệp lữ hành của Thành phố Hồ Chí Minh đến khảo sát và liên kết với doanh nghiệp lữ hành, cơ sở kinh doanh du lịch tại khu vực Tây Bắc mở rộng ngày càng tăng; lượng khách Thành phố Hồ Chí Minh đến tham quan du lịch tại các tỉnh Tây Bắc mở rộng tăng mạnh so với cùng kỳ nhiều năm trước.
Tại Hội nghị, đại diện các tỉnh đã nêu bật một số hạn chế trong hợp tác phát triển du lịch giữa các địa phương thời gian qua. Phó Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Lào Cai Trần Sơn Bình chỉ rõ, cơ sở hạ tầng dịch vụ du lịch và nguồn nhân lực làm du lịch tại các tỉnh Tây Bắc mở rộng sau hơn 2 năm chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19 chưa được nâng cấp, bổ sung kịp thời nên có thời điểm chưa đáp ứng được nhu cầu của thị trường khách cao cấp đến từ Thành phố Hồ Chí Minh. Hầu hết các tỉnh chưa chú trọng nhiều đến việc ứng dụng nền tảng mạng xã hội trong các hoạt động quảng bá chung của nhóm, thể hiện qua số lượng tin, bài, hình ảnh của các tỉnh đăng trên trang Fanpage “Sắc màu Tây Bắc – Tp. Hồ Chí Minh” chưa nhiều và chưa thường xuyên.
Đặc biệt, nguồn ngân sách của các địa phương dành cho các hoạt động trong khuôn khổ hợp tác còn khác nhau và đa số đều chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế của mỗi tỉnh cũng đã ảnh hưởng đến hiệu quả triển khai thực hiện các nội dung trong chương trình hợp tác.
Các đại biểu đã thảo luận đóng góp ý kiến nhằm cụ thể hóa và triển khai đầy đủ, hiệu quả các nội dung thảo luận liên kết hợp tác phát triển du lịch giữa Thành phố Hồ Chí Minh và 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng năm 2023. Các ý kiến tập trung thảo luận xây dựng mối liên kết vùng trong hoạt động du lịch với những hoạt động, sự kiện liên kết hợp tác phát triển du lịch mang tầm cỡ khu vực, thu hút sự quan chú ý của khách du lịch trong và ngoài nước; thúc đẩy hoạt động kết nối, trao đổi thị trường khách du lịch giữa các tỉnh, thành phố trong nhóm hợp tác góp phần phát triển kinh tế - xã hội của các tỉnh, thành phố trong nhóm hợp tác.
Theo đó, đối với nội dung hợp tác phát triển sản phẩm du lịch, đại biểu tỉnh Hà Giang đề xuất xây dựng: “Hành trình Kết nối 3 vùng di sản ruộng bậc thang Việt Nam” nhằm tăng cường quảng bá hình ảnh xây dựng thương hiệu và liên kết hình thành sản phẩm du lịch chuyên đề về di sản danh lam thắng cảnh ruộng bậc thang đã được công nhận gồm: Di sản danh thắng quốc gia đặc biệt ruộng bậc thang Mù Cang Chải (Yên Bái), di sản danh thắng quốc gia ruộng bậc thang Sa Pa, Bát Xát (Lào Cai), di sản danh thắng quốc gia ruộng bậc thang Hoàng Su Phì (Hà Giang);
Tỉnh Lai Châu đề xuất xây dựng Chương trình khảo sát và xây dựng, phát triển tour du lịch “Hùng vĩ Tây Bắc"; các chương trình trải nghiệm văn hóa, ẩm thực, làng nghề truyền thống,... tại các tỉnh Tây Bắc mở rộng để liên kết hợp tác đầu tư phát triển các sản phẩm du lịch, tour du lịch đưa khách đến các địa phương.
Nhằm tăng cường liên kết tiêu thụ sản phẩm hàng hóa phục vụ du lịch, năm 2023, Thành phố Hồ Chí Minh thường xuyên hỗ trợ liên kết trưng bày giới thiệu các sản phẩm hàng hóa đặc trưng, sản phẩm OCOP 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng đến thị trường Thành phố Hồ Chí Minh thông qua các chuỗi cung ứng bán sỉ, bán lẻ, hệ thống các siêu thị, khu, điểm du lịch.
Đối với hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch, trong năm 2023, theo kế hoạch, các tỉnh sẽ tham gia Hội chợ Du lịch quốc tế VITM - Hà Nội năm 2023; tham gia Hội chợ Du lịch quốc tế tại Thành phố Cần Thơ; hội chợ Du lịch quốc tế ITE Thành phố Hồ Chí Minh 2023; liên hoan các Làng du lịch cộng đồng tiêu biểu Việt Nam; hội chợ Du lịch Tây Bắc năm 2023 tại tỉnh Lào Cai; liên hoan Ẩm thực quốc tế; tổ chức chương trình Tuần Văn hóa du lịch Tây Bắc tại tỉnh Luông Pha Băng (Lào)...
Để hoàn thành có hiệu quả các mục tiêu kế hoạch trên, tại Hội nghị, tỉnh Lào Cai - đơn vị trưởng nhóm chương trình hợp tác năm 2023 đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quan tâm chỉ đạo Tổng cục Du lịch, Cục Văn hóa cơ sở và các đơn vị trực thuộc như Hiệp hội Du lịch Việt Nam, Hiệp hội Lữ hành Việt Nam hỗ trợ các hoạt động của nhóm hợp tác, nhất là công tác xây dựng sản phẩm, quảng bá, xúc tiến trong và ngoài nước, đào tạo nguồn nhân lực du lịch; tham gia và phối hợp tổ chức các hoạt động xúc tiến du lịch do nhóm hợp tác tổ chức.