Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ IX: Nhiều bộ môn của Hà Nội tích cực xã hội hóa nguồn thưởng cho vận động viên

Bên cạnh mức thưởng theo quy định, lãnh đạo các bộ môn thể thao ở Hà Nội cũng tích cực tìm nguồn thưởng từ xã hội hóa.

Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ IX năm 2022 có sự tham gia của 65 đơn vị, trong đó gồm 63 tỉnh/thành phố và 2 đơn vị Công An, Quân đội. Đây là kỳ Đại hội có quy mô lớn nhất trong lịch sử với số lượng người tham dự lên tới hơn 17.000 người gồm huấn luyện viên, vận động viên, chuyên gia, cán bộ, y bác sĩ... và cũng được đánh giá là kỳ Đại hội đặc biệt khi toàn ngành đã vượt qua không ít khó khăn trong bối cảnh nền kinh tế của đất nước còn phải đối mặt với nhiều thử thách do những hệ lụy của đại dịch COVID-19.

Do vậy, các địa phương, các môn thi đấu đều có kế hoạch chuẩn bị riêng của mình về chuyên môn với mục tiêu giành được thành tích tốt nhất.

7001-1669795710.jpg
Nhiều bộ môn của Hà Nội tích cực xã hội hóa nguồn thưởng cho vận động viên

Một trong những yếu tố quan trọng nằm trong kế hoạch chuẩn bị hướng tới Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ IX là các chế độ đãi ngộ, tiền thưởng cho các huấn luyện viên, vận động viên. Yếu tố này sẽ góp phần giúp các huấn luyện viên, vận động viên có được sự tự tin vững vàng nhất khi thi đấu Đại hội, tránh bị tác động tâm lý và các yếu tố ngoại lai.

Tại Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ IX tới đây, đoàn Hà Nội là một trong những địa phương tham dự với số lượng vận động viên lớn nhất lên tới 1.359 người. Các vận động viên Thủ đô tham gia tranh tài ở 42 trên tổng số 43 môn trong chương trình.

Với số lượng vận động viên đông đảo, công tác khen thưởng, động viên tinh thần của ngành Thể thao Hà Nội đã được lên kế hoạch từ rất sớm, đồng thời các nhà quản lý, Ban huấn luyện, các đội tuyển cũng tích cực đa dạng nguồn cho các vận động viên.

Từ năm 2016, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành quy định cụ thể mức thưởng đối với huấn luyện viên, vận động viên thể thao đạt thành tích cao trong các giải thi đấu quốc tế, khu vực, quốc gia của thành phố Hà Nội. Trong đó, dựa theo thành tích lần lượt các tấm huy chương vàng, huy chương bạc và huy chương đồng, các vận động viên sẽ nhận được số tiền thưởng là 30 triệu đồng, 15 triệu đồng và 10 triệu đồng. Ngoài ra, với mỗi thành tích phá kỷ lục Đại hội, vận động viên sẽ được nhận thêm 10 triệu đồng/kỷ lục được xác lập.

Bên cạnh mức thưởng theo quy định, lãnh đạo các bộ môn cũng tích cực tìm nguồn thưởng từ xã hội hóa. Theo kế hoạch đề ra, bộ môn Điền kinh Hà Nội đã liên hệ với một số doanh nghiệp để tăng mức thưởng cho các vận động viên điền kinh Hà Nội giành huy chương. Số tiền thưởng các vận động viên Thủ đô có thể nhận được tại kỳ Đại hội năm nay ít nhất nằm ở mức 3 triệu đồng/huy chương vàng.

Trong khi đó, cũng với hướng đi xã hội hóa tiền thưởng, bộ môn Kickboxing và Muay Hà Nội cũng mang về cho các vận động viên "nguồn động viên" lớn khi với mỗi tấm huy chương vàng, huy chương bạc, huy chương đồng, các vận động viên sẽ nhận các mức thưởng tương ứng là 10 triệu đồng, 5 triệu đồng và 3 triệu đồng.

Ở các bộ môn khác như Bi sắt, Billiards - Snooker, Cờ vua, Vật, Boxing… của Thể thao Hà Nội cũng đang tích cực tìm thêm nguồn lực từ doanh nghiệp để thưởng thêm cho vận động viên đạt thành tích.

Về mặt bằng chung, so với các địa phương khác, con số thưởng trên là không nhỏ. Đây sẽ là nguồn động viên lớn giúp các vận động viên, huấn luyện viên có thêm tinh thần thi đấu, hướng tới mục tiêu đạt các kết quả tốt.

Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ IX diễn ra từ ngày 9 đến 21/12 tại Quảng Ninh và 10 tỉnh, thành gồm: Hà Nội, Hải Phòng, Bắc Giang, Bắc Ninh, Hải Dương, Hòa Bình, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Vĩnh Phúc.

Trong đó, thành phố Hà Nội được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tiếp tục ủy nhiệm đăng cai 7 môn trong chương trình Đại hội gồm: Bóng đá Futsal nam; Bi sắt; Vật; Judo; Kurash; Bowling, Billiards & Snooker.

Ngành Thể thao Thủ đô đặt mục tiêu giành vị trí cao nhất tại Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ IX.

Bạch Dương