Đây là kỳ Đại hội được tổ chức quy mô lớn nhất từ trước tới nay với số người tham dự lên tới 17.109 người. Trong đó có 5.715 vận động viên nam, 3.939 vận động viên nữ cùng 2.109 huấn luyện viên, 2.503 trọng tài của 65 đoàn vận động viên đến từ các tỉnh, thành, ngành trên toàn quốc, tranh tài ở 43 môn thể thao gồm: Nhảy cầu, Bóng đá nam, Bóng đá nữ, Bắn cung, Teakwondo, Wushu, Đấu kiếm, Cầu lông, Bóng chuyền, Bóng rổ, Bóng ném bãi biển, Golf, Vovinam, Cờ, Pencak Silat, Khiêu vũ thể thao, 3 môn phối hợp, Lân sư rồng, Đá cầu, Điền kinh, Bơi, Lặn, Futsal nam, Vật tự do, Vật cổ điển, Bắn súng, Judo, Billiards&snooker, Bi sắt, Kurash, Bowling, Thể dục, Đua thuyền, Kickboxing, Thể hình, Võ cổ truyền, Vật dân tộc, Đẩy gậy, Kéo co, Boxing, Quần vợt, Bóng ném trong nhà, Cử tạ, Cầu mây, Muay, Karate, Ju-jitsu, Xe đạp địa hình, Xe đạp đường trường, Bóng bàn.
Phát biểu tại buổi họp báo, Tổng cục trưởng Tổng cục Thể dục thể thao, Phó Trưởng Ban Tổ chức Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ IX - 2022 Đặng Hà Việt cho biết: "Đại hội tổ chức 4 năm/lần nhằm đánh giá phong trào thể thao trên toàn quốc và phát hiện tài năng cho Thể thao Việt Nam, chuẩn bị cho các đấu trường quốc tế mà trước mắt sẽ là SEA Games 2023, Olympic 2024. Đây cũng là lần đầu tiên, Đại hội tổ chức với quy mô lớn ở 11 tỉnh, thành.
Thuận lợi là chúng ta vừa tổ chức SEA Games 31 nên có hệ thống cơ sở vật chất và đội ngũ nhân lực tổ chức, phục vụ Đại hội đã có kinh nghiệm. Dù còn nhiều khó khăn sau đại dịch COVID-19 nhưng toàn ngành đã nỗ lực để hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao trong đó có việc tổ chức thành công Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ IX”.
Ông Đặng Hà Việt hy vọng các cơ quan báo chí sẽ góp phần lan toả tinh thần cao đẹp của Đại hội, vì mục tiêu "dân cường, quốc thịnh" như mong muốn của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Ông Trần Đức Phấn - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thể dục thể thao, Trưởng Tiểu ban Chuyên môn Kỹ thuật (Đại hội Thể thao toàn quốc lần IX - 2022) cho biết: "Tính đến thời điểm này mọi công tác về cơ sở vật chất, trang thiết bị cơ sở vật chất thi đấu của 11 địa phương tổ chức các môn thi đấu tại Đại hội lần này đã sẵn sàng. Một số môn đã thi đấu sớm và 15 môn kết thúc trước ngày khai mạc (9/12) do các môn có kế hoạch thi đấu giải quốc tế trong tháng 12.
Theo Ban Tổ chức, môn Thể dục nghệ thuật chính thức không tổ chức ở kỳ Đại hội thể thao toàn quốc lần này do không đủ số đơn vị đăng ký theo Điều lệ. Hai đơn vị Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh là đoàn vận động viên đăng ký đông đảo nhất trong khi Ninh Thuận, Điện Biên và Bắc Kạn là địa phương có số vận động viên thấp nhất (Bắc Kạn chỉ có 10 vận động viên). Môn đăng ký số lượng vận động viên nhiều nhất là Bóng đá gồm nội dung bóng đá nam, bóng đá nữ, futsal nam; tiếp tới là Điền kinh và Karate. Những môn có số lượng ít nhất là Golf: 58 vận động viên, Thể dục dụng cụ có 47 vận động viên, nhảy cầu có 40 vận động viên.
Tại buổi gặp gỡ báo chí, ông Nguyễn Văn Phú - Giám đốc Trung tâm Doping và Y học Thể thao, Trưởng Tiểu ban Kiểm tra Doping của Đại hội cung cấp thông tin, có 4 khâu chuẩn bị liên quan đến công tác phòng, chống doping tại Đại hội đang được tiến hành. Trong đó Tiểu ban đã hoàn thành việc xây dựng Sổ tay hướng dẫn về công tác phòng, chống doping gửi tới các đoàn, các vận động viên tham dự Đại hội; Ban Tổ chức Đại hội đã có công văn gửi các Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Văn hóa và Thể thao, Cục Quân huấn (Bộ Tổng tham mưu - Bộ Quốc phòng), Cục Công tác Đảng và Công tác chính trị (Bộ Công an)… về việc thực hiện phòng, chống doping tại Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ IX - 2022.
Trong đó có những hướng dẫn cụ thể như các vận động viên tuyệt đối không sử dụng thuốc bổ, thuốc điều trị, thực phẩm chức năng nếu không có ý kiến chỉ định của bác sỹ có trách nhiệm. Trong trường hợp có sử dụng theo chỉ định, yêu cầu lưu giữ đủ thông tin về sản phẩm thuốc, thực phẩm chức năng, đơn có chữ ký của các bác sỹ và các giấy tờ y tế liên quan; Các vận động viên cũng phải khai báo đầy đủ các thuốc, thực phẩm chức năng (nếu có sử dụng) trong biên bản kiểm tra doping, lưu trữ các bản sao biên bản sau khi kiểm tra doping để đối chiếu khi cần thiết. Trong trường hợp bắt buộc sử dụng một số thuốc có trong danh mục chất cấm do yêu cầu điều trị chấn thương, chữa bệnh, vận động viên phải làm đơn xin miễn trừ do điều trị theo đúng quy định của Cơ quan phòng chống Doping thế giới (WADA)…
Ông Phú cũng cho biết, công tác phòng, chống doping tại Đại hội Thể thao toàn quốc sẽ được thực hiện nghiêm ngặt để đề cao tinh thần thi đấu trung thực, cao thượng và công bằng của thể thao. Tại các tỉnh, thành tổ chức Đại hội cũng sẽ có các trạm truyền thông cố định và di động để các huấn luyện viên, vận động viên tiếp cận các thông tin cần thiết và cũng sẽ có các trạm lấy mẫu kiểm tra doping trong suốt thời gian diễn ra Đại hội. Sẽ có hơn 100 mẫu kiểm tra doping tại Đại hội.
Năm 1985, tròn 10 năm sau khi thống nhất đất nước, Đại hội Thể dục thể thao toàn quốc lần đầu tiên được tổ chức tại Hà Nội. Sự kiện diễn ra nhằm mục đích tổng động viên lực lượng thể thao thành tích cao, qua đó cũng tạo nên động lực cho sự đầu tư, phát triển thể dục thể thao tại các tỉnh, thành, ngành trên toàn quốc.
Kể từ đó đến nay, Đại hội Thể thao toàn quốc (từ kỳ thứ VIII năm 2018 được đổi tên từ Đại hội Thể dục thể thao toàn quốc thành Đại hội Thể thao toàn quốc) đã diễn ra 8 kỳ vào các năm 1990 (tại Hà Nội), 1995 (Hà Nội), 2022 (Hà Nội), 2006 (thành phố Hồ Chí Minh), 2010 (Đà Nẵng), 2014 (Nam Định và các tỉnh lân cận), 2018 (Hà Nội). Trong đó, từ năm 2002 đã tổ chức định kỳ 4 năm/lần, ổn định theo mô hình của các Đại hội Thể thao quốc tế như Olympic và ASIAN Games.
Trong suốt tiến trình lịch sử, Đại hội Thể thao toàn quốc đã huy động sự tham gia của hàng vạn lượt vận động viên, huấn luyện viên, trọng tài thuộc hệ thống thể thao thành tích cao trên cả nước, tạo nên sự đua tranh thành tích giữa các đoàn (kèm theo đó là sự đầu tư cho thể thao thành tích cao), tạo bước chuyển mạnh mẽ về lực lượng của thể thao nước nhà. Bên cạnh đó, Đại hội Thể thao toàn quốc cũng giúp thúc đẩy sự phát triển về cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật cũng như trình độ tổ chức các sự kiện thể thao của các địa phương đăng cai và các tỉnh, thành khác.
Nối tiếp bầu không khí sôi nổi của một kỳ SEA Games 31 rất thành công, Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ IX sẽ diễn ra tại Quảng Ninh và 10 tỉnh, thành khác (Hà Nội, Hải Phòng, Hải Dương, Bắc Ninh, Bắc Giang, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hoá, Hoà Bình, Vĩnh Phúc). Đại hội dự kiến sẽ có sự tham gia của khoảng hơn 10.000 vận động viên, tranh tài ở 43 môn thể thao. Lễ khai mạc Đại hội sẽ diễn ra vào ngày 9/12 tại Quảng trường Sun Carnival Hạ Long (thành phố Hạ Long - tỉnh Quảng Ninh). Lễ bế mạc vào ngày 21/12 tại Nhà thi đấu đa năng tỉnh Quảng Ninh (phường Đại Yên - thành phố Hạ Long - tỉnh Quảng Ninh). Tuy nhiên, để đảm bảo tiến độ, một số môn diễn ra trước Lễ khai mạc, sớm nhất là Rowing đã tổ chức thi đấu từ ngày 18/11 tại Hải Phòng.
Việc Đại hội được tổ chức ở thời điểm này có những thuận lợi khi đa số các tỉnh, thành (ngoại trừ Thanh Hoá) vừa tham gia tổ chức các môn thi đấu tại SEA Games 31, nhiều cơ sở vật chất đã sẵn sàng, kinh nghiệm tổ chức lực lượng trên cơ sở tổng hợp sự tham gia, phối hợp của các Sở, ban, ngành đều rất tốt. Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng tiềm ẩn không ít khó khăn trong bối cảnh nền kinh tế của đất nước còn phải đối mặt với nhiều thử thách do những hệ luỵ của đại dịch COVID-19 trong thời gian qua; đặc biệt, nguồn kinh phí tổ chức từ Trung ương tới các đại phương đều rất hạn hẹp, bên cạnh đó là quỹ thời gian chuẩn bị không nhiều.
Tuy nhiên trong thời gian qua, tỉnh Quảng Ninh - địa phương đăng cai nhiều môn thi đấu nhất cũng như các tỉnh, thành khác tham gia tổ chức Đại hội lần này đều đã rất tích cực huy động mọi nguồn lực có thể để khắc phục khó khăn trong công tác chuẩn bị, tổ chức sự kiện. Để “chạy đua với thời gian”, các địa phương đều đã thành lập Ban Tổ chức mà trực tiếp do các lãnh đạo UBND tỉnh, thành phố đứng đầu, cũng như các Tiểu ban chức năng để cụ thể hoá nhiệm vụ trên tất cả các mảng công việc.
Ngoài bảng xếp hạng toàn đoàn, Ban Tổ chức sẽ đánh giá kết quả thi đấu tương tự như cách xếp hạng chung của Đại hội đối với 19 tỉnh miền núi gồm: Điện Biên, Lai Châu, Sơn La, Hòa Bình, Yên Bái, Lào Cai, Cao Bằng, Tuyên Quang, Lạng Sơn, Hà Giang, Bắc Kạn, Thái Nguyên, Bắc Giang, Phú Thọ, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng và Kon Tum.
Nối tiếp thành công trong việc tổ chức Đại hội Thể thao Đông Nam Á lần thứ 31 (SEA Games 31) không thuốc lá và để góp phần thúc đẩy phong trào thể thao không khói thuốc, nâng cao sức khỏe của vận động viên cũng như người dân, đồng thời tăng cường thực thi Luật Phòng chống tác hại thuốc lá, Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ IX cũng sẽ là một kỳ Đại hội “không khói thuốc”. Ban Tổ chức sẽ tăng cường các hoạt động truyền thông, vận động để đảm bảo: không xảy ra hiện tượng hút thuốc lá, quảng cáo, khuyến mại, tiếp thị thuốc lá dưới mọi hình thức tại các địa điểm tổ chức Đại hội; không sử dụng hình ảnh hút thuốc trên các ấn phẩm của Đại hội; mọi người tham gia Đại hội không bị phơi nhiễm với khói thuốc thụ động.
Lễ khai mạc của Đại hội Thể thao toàn quốc lần IX - 2022 tổ chức vào lúc 20 giờ ngày 9/12 tại Quảng trường Carnival. Chương trình của Lễ khai mạc sẽ có 3 chương chính gồm lễ và hội để gửi tới người hâm mộ cả nước một chương trình đặc sắc nhất. Lễ rước đuốc sẽ có 67 người tham dự là đại diện cho các đơn vị, ngành.