Công nghiệp Văn hóa thúc đẩy phát triển kinh tế, quảng bá hình ảnh Việt Nam với thế giới

Thời gian qua, tại thành phố Hồ Chí Minh, các dịch vụ văn hóa ngày càng được định hình, tạo thành những sản phẩm văn hóa mang tính đặc thù, tạo ra giá trị kinh tế, giá trị tư tưởng và giá trị thẩm mỹ để công chúng tiếp nhận và tiêu thụ.

dau-cau-tphcm-1704281435-1704285801.jpg
Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao thành phố Hồ Chí Minh Trần Thế Thuận tham luận từ đầu cầu thành phố Hồ Chí Minh. Nguồn: Sở VHTT TP.HCM

Đề cao vai trò, vị trí đặc biệt của văn hóa và thể thao

Tham luận tại Hội nghị Tổng kết công tác văn hóa, thể thao và du lịch năm 2023, triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm 2024, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao thành phố Hồ Chí Minh Trần Thế Thuận cho biết: Thực hiện chỉ đạo của đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021, thành phố Hồ Chí Minh luôn đề cao vai trò, vị trí đặc biệt của văn hóa và thể thao; tập trung quán triệt, lãnh đạo, chỉ đạo toàn thành phố phát triển văn hóa và thể thao trở thành nguồn động lực nội sinh thúc đẩy sự phát triển kinh tế xã hội. Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng con người thành phố phát triển toàn diện; hoàn thiện việc xây dựng hệ giá trị văn hóa và chuẩn mực con người Việt Nam với giá trị đặc trưng riêng của thành phố trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.

Quán triệt và vận dụng sáng tạo các quan điểm của Đảng, quan điểm chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại buổi làm việc giữa Bộ Chính trị với Thành phố chuẩn bị cho Đại hội đại biểu Đảng bộ Thành phố lần thứ XI: Thành phố Hồ Chí Minh cần phát triển xứng đáng với niềm vinh dự là địa phương duy nhất của cả nước được mang tên Người. Sở Văn hóa và Thể thao đã chủ động tham mưu các cơ chế, chính sách đặc thù để phát triển ngành, trong đó, đã tham mưu Ủy ban Nhân dân thành phố phê duyệt đề án phát triển ngành Công nghiệp Văn hóa thành phố Hồ Chí Minh, đây là cơ hội để ngành Công nghiệp Văn hóa thành phố xây dựng các sản phẩm văn hóa chủ lực, khai thác hiệu quả tiềm năng kinh tế của văn hóa, thúc đẩy sự sáng tạo, đổi mới và gia tăng sức cạnh tranh trong hội nhập kinh tế quốc tế. 

Sở Văn hóa và Thể thao đang hoàn thiện Tờ trình về Nghị quyết thực hiện chính sách khuyến khích đối với tập thể, cá nhân đạt danh hiệu vinh dự nhà nước và hình thức khen thưởng do lập thành tích xuất sắc trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật chuyên nghiệp. Về cơ bản ngành Văn hóa và Thể thao hành phố đã có một số cơ chế đặc thù để phát triển văn hóa và thể thao. Đề án phát triển ngành Văn hóa; Đề án phát triển ngành Thể dục thể thao, Đề án tiêu chí đánh giá gia đình hạnh phúc, Đề án tổ chức Lễ hội và sự kiện

Hiện nay Sở Văn hóa và Thể thao đang tham mưu thành lập Trung tâm Phát triển Công nghiệp Văn hóa, đây là nhân tố quan trọng tham gia dẫn dắt thị trường văn hóa, các loại hình dịch vụ văn hóa còn đang bỏ ngỏ, thúc đẩy sự phát triển kinh tế, quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam với thế giới. 

Trong thời gian qua, các dịch vụ văn hóa ngày càng được định hình, tạo thành những sản phẩm văn hóa mang tính đặc thù, tạo ra giá trị kinh tế, giá trị tư tưởng và giá trị thẩm mỹ để công chúng tiếp nhận và tiêu thụ. Tuy nhiên, việc làm này là mô hình mới, đòi hỏi sự chặt chẽ nhưng không quá thận trọng để mất đi những “cơ hội vàng” trong lĩnh vực công nghiệp giải trí, sáng tạo. 

Ngoài ra, Nghị quyết 98 cho phép thành phố Hồ Chí Minh được áp dụng đầu tư theo phương thức đối tác công tư trong lĩnh vực văn hóa và Thể thao. Hiện nay, Hội đồng Nhân dân thành phố đã ban hành Nghị quyết số 181/NQ-HĐND ngày 8/12/2023 về danh mục dự án để kêu gọi đầu tư theo phương thức đối tác công tư, ngành Văn hóa và Thể thao có 23 dự án kêu gọi đầu tư theo phương thức đối tác công tư, trong đó có 20 dự án do Sở Văn hóa và Thể thao quản lý, tổng mức đầu tư tối thiểu cho các dự án là 45 tỷ đồng; 3 dự án do quận, huyện quản lý với tổng mức đầu tư tối thiểu là 10 tỷ đồng. 

le-hoi-am-nhac-tphcm-1704281544.jpg
Một trong những Lễ hội âm nhạc tại thành phố Hồ Chí Minh thu hút sự quan tâm của đông đảo công chúng

Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao thành phố Hồ Chí Minh Trần Thế Thuận cho biết: Trong định hướng phát triển ngành Văn hóa và Thể thao đến năm 2035, Sở Văn hóa và Thể thao tiếp tục nghiên cứu, vận dụng những kết quả đã đạt được vào trong các giải pháp để thực hiện hiệu quả các chỉ tiêu, mục tiêu đề ra. Để triển khai có hiệu quả các chủ trương của Đảng, Nhà nước về phát triển văn hóa và thể thao, Sở Văn hóa và Thể thao thành phố Hồ Chí Minh triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2024:

Thứ nhất: Thực hiện chỉ tiêu “Mỗi người dân thành phố Hồ Chí Minh được hỗ trợ hướng dẫn tập luyện miễn phí chương trình cơ bản ít nhất 1 môn thể dục thể thao, 1 loại hình nghệ thuật; được miễn phí vào tham quan các bảo tàng công lập trực thuộc Sở Văn hóa và Thể thao thành phố; được miễn phí xem các chương trình nghệ thuật do các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Sở Văn hóa và Thể thao thành phố tổ chức nhân các ngày kỷ niệm, sự kiện của thành phố và đất nước”. 

Thứ hai: Tham mưu xây dựng và hoàn thiện các thể chế phát triển ngành Văn hóa và Thể thao trên địa bàn thành phố; Tập trung nghiên cứu tham mưu các chương trình, dự án khuyến khích hoạt động khởi nghiệp sáng tạo trên lĩnh vực văn hóa nghệ thuật, thể dục thể thao, quan tâm đầu tư công tác phát triển nguồn nhân lực tại các đơn vị, góp phần nâng cao chất lượng hoạt động và đóng góp hiệu quả vào sự phát triển chung của ngành Văn hóa thành phố.

Thứ ba: Khởi công cải tạo sửa chữa, nâng cấp 6 công trình thể thao phục vụ Đại hội Thể thao toàn quốc vào năm 2026; đẩy nhanh tiến độ dự án xây dựng Rạp Xiếc và Biểu diễn Đa năng Phú Thọ để đảm bảo tiến độ chào mừng 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025). 

Thứ tư: Thành lập Trung tâm Phát triển Công nghiệp Văn hóa để tạo nên thị trường văn hóa, các loại hình dịch vụ văn hóa, thúc đẩy sự phát triển kinh tế, quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam nói chung và thành phố Hồ Chí Minh nói riêng với thế giới.

T.H