Cờ Tướng - thú chơi tao nhã đầu Xuân

Đã thành thông lệ, mỗi dịp Tết đến, Xuân về hoặc trong các dịp lễ hội, người Việt Nam thường tổ chức các trò chơi truyền thống. Trong đó, cờ Tướng là thú chơi tao nhã, thu hút nhiều người tham gia, ai cũng bình đẳng trước những ván cờ.

Bản chất của môn cờ Tướng buộc người chơi phải tính toán, thấu hiểu từng nước cờ để vận dụng, nên càng chơi, càng thấy lôi cuốn, hấp dẫn. Không gì thú vị bằng cảm giác thi triển các nước cờ trong thế trận giằng co, phân tranh để đi đến chiến thắng đối phương một cách thuyết phục.

Trong những ngày Tết cổ truyền của dân tộc, cả gia đình quây quần chơi cờ Tướng làm không khí họp mặt đoàn viên trở nên sôi nổi, vui vẻ hơn. Mỗi ván cờ không chỉ tăng tính kết nối các thế hệ trong gia đình, mà còn trở thành một nét đẹp văn hóa truyền thống của người Việt. 

co-tuong1-1737683669.jpg

Chơi cờ Tướng là một cuộc chơi lành mạnh, là cuộc đấu trí bình đẳng giữa 2 bên, khi bắt đầu chơi, mỗi bên đều có 16 quân, thể hiện sự ngang bằng về thế lực. Việc phân thắng, bại đều do tài trí, trình độ của người chơi, chứ không có yếu tố đỏ đen, may rủi. Theo luật chơi, 2 bên bình đẳng về số quân nhưng ngoại lệ cũng có những trường hợp người nọ “chấp” người kia bằng cách tự bỏ bớt quân của mình (thường là xe, pháo hoặc mã), cũng có thể là “chấp” nước đi ngay từ lúc bắt đầu khai cuộc. Như vậy là họ tự thể hiện đẳng cấp của mình về tài trí trên bàn cờ nếu như kết thúc giành được phần thắng.

Những người sành cờ và có đầu óc quan sát tinh tế sẽ nhìn nhận, phán đoán được tính cách người chơi như nhìn chữ viết để đoán nết người. Thông thường, người nóng nảy thì hay hiếu thắng, vội vàng hấp tấp, thích tấn công ngay từ khi khai cuộc. Người linh hoạt thì tính toán kỹ lưỡng, xử lý tình huống nhanh gọn, quyết đoán, luôn có những nước cờ hay, sáng tạo, đôi khi còn dùng mẹo để dụ đối phương hoặc tấn công khi họ có sơ hở... Với người quân tử thì không bao giờ chiếu tướng quá 3 lần và không dùng quân xe để chiếu hậu vì như vậy là đánh sau lưng, chẳng hay ho gì.

co-tuong-2-1737683701.jpg

Trong thế giới hiện đại, sức hút của bộ môn cờ Tướng vẫn không hề suy giảm mà trở thành phương tiện kết nối đam mê, rèn luyện trí óc rất hiệu quả. Đối với những người yêu thích bộ môn này, chơi cờ Tướng là một phần không thể thiếu trong cuộc sống hằng ngày.

Dịp đầu Xuân, cờ Tướng là một trong những trò chơi yêu thích thu hút người chơi, người xem trong các lễ hội. Nói đến lễ hội dành riêng cho cờ Tướng thì Lễ hội chùa Vua (phường Phố Huế - quận Hai Bà Trưng - Hà Nội) thuộc dạng độc đáo và duy nhất, quy tụ nhiều cao thủ chơi cờ. Chẳng thế mà người chơi cờ Tướng có câu: “Phi chùa Vua bất thành danh thủ”.

23453-1737684823.jpg
Lễ hội chùa Vua thu hút nhiều cao thủ đấu cờ và bà con hâm mộ cờ Tướng về dự hội cờ

Chùa Vua thờ Vua cờ Đế Thích - người được xem là chơi cờ giỏi nhất ở cõi người và cõi trời. Tương truyền, thời nhà Lê (1428-1527), chùa Vua là một trong Tứ quán, cũng là trung tâm đấu cờ Tướng của Thăng Long. Từ đó, chùa trở thành đấu trường cờ Tướng danh tiếng, nơi tìm ra các cao thủ đấu cờ của nước Đại Việt. Để tưởng nhớ đến công lao của người xưa, Lễ hội chùa Vua được tổ chức từ mồng 6 đến mồng 9 tháng Giêng hằng năm đã trở thành sân chơi hấp dẫn cho những người đam mê cờ Tướng. Trải qua hàng trăm năm, sức hút của Lễ hội chùa Vua vẫn còn vẹn nguyên, là một điểm đến độc đáo thu hút du khách mỗi khi Tết đến, Xuân về.

Lê Minh