Chuyển nhượng giữa mùa giải: Khó tìm ngoại binh chất lượng

V-League bước vào kỳ chuyển nhượng giữa mùa giải khi các câu lạc bộ đang nỗ lực bổ sung lực lượng để tăng cường sức mạnh và cải thiện thành tích. Trong bối cảnh “cung không đủ cầu” việc tìm kiếm những bản hợp đồng mới, đặc biệt là với các ngoại binh rất hạn chế, thậm chí nhiều đội bóng buộc phải dùng lại các cựu binh theo kiểu “cũ người mới ta”…

Lịch thi đấu không thuận lợi khiến các đội bóng ở V-League luôn gặp khó khăn, khi thị trường chuyển nhượng mở cửa không đúng thời điểm và chu kỳ chung của bóng đá thế giới. Không ít đội bóng ở V-League có tiềm lực tài chính, sẵn sàng theo đuổi những bản hợp đồng lớn, nhưng để tìm được những cầu thủ chất lượng, đặc biệt là các ngoại binh trong thời điểm “thóc cao, gạo kém” giữa mùa bóng không phải chuyện cứ có nhiều tiền là được việc. Thời gian gấp gáp, trong khi nguồn cung khan hiếm khiến nhiều đội bóng đành phải chấp nhận sử dụng lại các ngoại binh đã từng thi đấu cho các câu lạc bộ khác như giải pháp tình thế. 

thi-dau-mo-nhat-ngoai-binh-tro-thanh-ganh-nang-cua-shb-da-nang-sau-8-vong-dau-1658464639.jpg
Thi đấu mờ nhạt, ngoại binh trở thành gánh nặng của SHB Đà Nẵng sau 8 vòng đấu

Ở thời điểm hiện tại, khi thị trường chuyển nhượng giữa mùa giải đã mở cửa, không ít đội bóng vẫn đang loay hoay với bài toán ngoại binh. SHB Đà Nẵng là một điển hình khi huấn luyện viên Phan Thanh Hùng muốn “thay máu” toàn bộ 3 ngoại binh, nhưng để tìm được những bản hợp đồng mới là không dễ trong khi chất lượng cũng chẳng có gì đảm bảo. Tìm được một cầu thủ ngoại có tên tuổi, đẳng cấp đã khó, nhưng để thi đấu tốt và có thể bắt nhịp ngay với đội bóng mới lại còn tùy thuộc vào mỗi cá nhân cầu thủ. Chất lượng ngoại binh vẫn luôn là vấn đề khiến nhiều câu lạc bộ đắn đo khi quyết định ký hợp đồng mới.

Theo quy định mùa giải 2022, các câu lạc bộ thi đấu ở V-League được đăng ký bổ sung tối đa 5 cầu thủ, trong đó đảm bảo trong đội hình có tối đa 3 cầu thủ ngoại và không vượt quá 35 cầu thủ. Riêng câu lạc bộ Viettel tham dự AFC Cup 2022 được đăng ký thêm một ngoại binh châu Á. Do thời gian gấp rút, chỉ kéo dài 1 tháng nên chủ yếu các câu lạc bộ vẫn phải phụ thuộc rất nhiều vào nguồn cung tại chỗ. Những bản hợp đồng đáng chú ý đều nhắm đến những cầu thủ ngoại đang thi đấu ở V-League như Hoàng Anh Gia Lai ký hợp đồng với tiền đạo Bruno Henrique de Sousa từng đá cho Hồng Lĩnh Hà Tĩnh, Sông Lam Nghệ An hay Thanh Hóa bổ sung Gustavo Santos, từng khoác áo câu lạc bộ Viettel, Sài Gòn FC, Sông Lam Nghệ An và Than Quảng Ninh và Nam Định cũng bổ sung Diego Fagan, tiền đạo người Jamaica từng thi đấu cho Hải Phòng, Quảng Ninh…

hnfc-1658464541.jpg
Hà Nội FC đang thử việc các ngoại binh đến từ Đông Âu để tăng cường lực lượng

Rất ít đội bóng tìm được tân binh đúng nghĩa như Hà Nội FC, đang thử việc tới 3 ngoại binh đến từ Đông Âu gồm: Tonci Mujan, Nelson Bonilla và Uros Djeric hay Hoàng Anh Gia Lai sớm ký hợp đồng với trung vệ Ahn Sae-hee để đá thay vị trí Kim Dong-su để lại. Câu lạc bộ Thành phố Hồ Chí Minh cũng ký hợp đồng với tiền đạo Atapharoy Bygrave, từng thi đấu cho đội tuyển Jamaica, nhưng huấn luyện viên Trần Minh Chiến vẫn muốn có thêm nhiều gương mặt mới để tăng cường sức chiến đấu cho đội bóng đang bị tụt lại cuối bảng xếp hạng. Sài Gòn FC chờ đợi viện binh từ đối tác Nhật Bản, câu lạc bộ Tokyo FC, trong đó có tiền vệ Daisuke Matsui trong khi Viettel, Topenland Bình Định, Hải Phòng, Sông Lam Nghệ An... cũng đang nỗ lực để bổ sung các tân binh trước khi thị trường đóng cửa vào cuối tháng 8.

Trong quá khứ, V-League từng được coi là mảnh đất màu mỡ cho các ngoại binh với hàng trăm cầu thủ từ khắp nơi đổ về thử việc ở các câu lạc bộ trước mỗi mùa giải. Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại thị trường chuyển nhượng ngoại binh đã trở nên khan hiếm hơn, chủ yếu là những bản hợp đồng theo kiểu “cũ người mới ta” qua lại giữa các đội bóng trong nước. Chỉ có số ít các tân binh ngoại được nhập cảnh vào thử việc ở các câu lạc bộ, nhưng chất lượng và khả năng hòa nhập vẫn cần phải có thời gian kiểm chứng. Tìm kiếm tân binh ngoại vào thời điểm này cũng đồng nghĩa với việc phải chấp nhận rủi ro cao, trong khi các ngoại binh chất lượng có thâm niên thi đấu V-League lại quá hiếm. 

Nhìn chung, thị trường chuyển nhượng giữa mùa giải 2022 sẽ không có nhiều điểm nhấn với những bản hợp đồng lớn khi hầu hết các câu lạc bộ đều ít nhiều gặp khó khăn về tài chính sau mùa giải 2021 dang dở. Khác với các giải đấu trên thế giới, V-League thi đấu theo khung thời gian không ổn định, với những quãng nghỉ có khi kéo dài gần 4 tháng rồi liên tục “dồn toa” như cuối lượt đi khiến các đội bóng càng khó xoay xở khi ký hợp đồng với các ngoại binh để rồi lại phải “ngồi chơi xơi nước” mấy tháng trời để chờ đội tuyển. 

Đan Phượng