Chưa có bằng chứng độc lực của SARS-CoV-2 đã giảm

Số ca mắc COVID-19 vẫn đang có xu hướng gia tăng và chưa có bằng chứng độc lực của SARS-CoV-2 đã giảm. Trong dịp nghỉ lễ kéo dài sắp tới, nhu cầu đi lại tăng cao, khi tham gia các hoạt động tại nơi công cộng, người dân cần thực hiện thông điệp 2K (khẩu trang, khử khuẩn)...

3401-1682562599.jpg
Hiện tại vaccine COVID-19 vẫn có hiệu quả với một số biến chủng của virus SASR-CoV-2. Ảnh: VGP

Theo báo cáo của Bộ Y tế, ngày 25/4, cả nước ghi nhận 2.501 ca mắc COVID-19. Đây là ngày có số mắc cao nhất trong hơn nửa năm qua. Số bệnh nhân thở oxy cũng tăng lên 145 ca, cũng là ngày có số trường hợp thở oxy cao nhất trong vài tháng qua.

Cả nước ghi nhận 1 bệnh nhân COVID-19 tại Nam Định tử vong. Đây là lần thứ 2 trong 4 tháng nước ta ghi nhận ca tử vong do COVID-19 (trước đó, gần 4 tháng liên tiếp, nước ta không ghi nhận ca tử vong liên quan đến COVID-19).

Riêng tại Hà Nội, Sở Y tế cho biết, trong 7 ngày gần đây (từ 18-24/4) Thành phố ghi nhận 1.857 trường hợp mắc COVID-19, số mắc tăng so với 7 ngày trước đó (720 mắc). Ngày 24/4, ghi nhận số mắc cao nhất với 411 trường hợp. Các biến chủng qua giải trình tự gene cho thấy tương đồng với thế giới (biến chủng XBB1.5 và XBB1.9.1), chưa có bằng chứng về sự gia tăng độc lực, nhưng khả năng lây nhiễm cao hơn các biến chủng cũ, các triệu chứng biểu hiện chủ yếu là nhẹ hoặc không triệu chứng.

Tại TPHCM đã xuất hiện các biến thể phụ mới của biến thể Omicron như XBB.1.5, XBB.1.9.1, XBB.1.16 và XBB.1.16.1. Theo Sở Y tế TPHCM, miễn dịch cộng đồng bắt đầu giảm, nhưng vẫn đang ở mức cao (94%). Tuy nhiên, với xu hướng số ca mắc mới tăng nhanh, không tránh khỏi tình trạng số ca nhập viện bắt đầu tăng cao trở lại, trong đó, đa số là người thuộc nhóm nguy cơ và những người chưa tiêm đủ vaccine COVID-19 theo quy định của Bộ Y tế.

Đảm bảo thông điệp 2K trong kỳ nghỉ lễ

Tại buổi giao lưu trực tuyến "Cảnh giác cao với COVID-19, vui lễ an toàn" do Báo Người lao động tổ chức mới đây, TS.BS. Ngũ Duy Nghĩa, Trưởng Khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm (Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương) nhấn mạnh, hiện nay đang có sự gia tăng số ca mắc COVID-19, tuy nhiên với nền tảng miễn dịch trong cộng đồng do tiêm vaccine phòng COVID-19 với tỉ lệ rất cao nên khả năng bùng phát dịch lớn rất khó xảy ra và thực tế chúng ta đang kiểm soát được dịch.

Riêng nhóm người mắc bệnh nền, theo khuyến cáo của WHO, cũng như tại Việt Nam, cần tiêm tổng số 4 mũi. Trong đó, mũi 4 nên cách mũi cuối cùng từ 6-12 tháng.

Theo BSCKII. Nguyễn Thanh Phong, Trưởng Khoa Nhiễm D (Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TPHCM), hiện tại vaccine COVID-19 vẫn có hiệu quả với một số biến chủng. Tuy nhiên, thông thường sau 6 tháng tiêm vaccine, nồng độ kháng thể sẽ bắt đầu suy giảm, vì vậy nên tiêm mũi nhắc lại kế tiếp sau 6 tháng tiêm mũi trước đó, để đảm bảo đủ kháng thể bảo vệ.

BS. Nguyễn Thanh Phong cũng nhấn mạnh, mức độ lây nhiễm bệnh của mọi người như nhau, nên ai cũng có nguy cơ tái nhiễm COVID-19. Vì vậy, để đảm bảo không bị tái nhiễm, người dân cần luôn tuân thủ thông điệp 2K và tiêm đủ các mũi 3, 4 vaccine COVID-19.

Đặc biệt, trong dịp nghỉ lễ kéo dài sắp tới, nhu cầu đi lại tăng cao, khi tham gia các phương tiện công cộng hoặc những nơi công cộng, người dân cần thực hiện đảm bảo thông điệp 2K và hạn chế tiếp xúc gần dưới 1 m để tránh lây nhiễm bệnh.

"Khi đi chung chuyến bay, ô tô, tàu hỏa, hay ở cùng phòng họp... nếu đeo khẩu trang thường xuyên, sát khuẩn đúng, thì nguy cơ lây bệnh rất khó xảy ra. Đối với người lớn tuổi, có bệnh nền, cơ địa đặc biệt, khi mắc COVID-19 thì bệnh dễ diễn biến nặng hơn. Do đó, nếu có triệu chứng hô hấp thì nên đến cơ sở y tế gần nhất để thăm khám và điều trị kịp thời", BSCKII. Nguyễn Thanh Phong khuyến cáo.

Đối với trẻ em, khi mắc COVID-19, các chuyên gia cho biết, triệu chứng sẽ nhẹ và tự khỏi. Tuy nhiên, trẻ bị mắc nhiều lần thì các bậc phụ huynh nên tăng cường sức đề kháng cho trẻ bằng cách ăn uống đầy đủ dinh dưỡng, tập luyện (bơi lội), ngủ đủ giấc và luôn đảm bảo 2K, đồng thời cho trẻ tiêm vaccine theo khuyến cáo.

3402-1682562599.jpg
Trong dịp nghỉ lễ, người dân cần thực hiện thông điệp 2K và hạn chế tiếp xúc gần dưới 1 m để tránh lây nhiễm bệnh. Ảnh: VGP

Chưa có bằng chứng độc lực của SARS-CoV-2 đã giảm

Theo BS. Nguyễn Thanh Phong, cho tới thời điểm hiện tại, chưa có bằng chứng độc lực của SARS-CoV-2 đã giảm, mà có thể đã có các biến chủng phụ, vì vậy, có những thời điểm, số ca mắc tăng, và mức độ diễn biến bệnh tùy thuộc vào cơ địa mỗi người, cũng như độ bao phủ tiêm vaccine.

Ths.BS. Nguyễn Công Khanh, Khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm (Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương) cũng chia sẻ, hiện nay có nhiều biến chủng đang lưu hành trên thế giới. Các biến chủng được quan tâm là các biến chủng được WHO theo dõi và giám sát.

Trong đó, biến chủng XBB.1.16 được phát hiện lây lan nhanh trên toàn thế giới và có khả năng thay thế cho các biến chủng SARS-CoV-2 trước đây. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, chưa có bằng chứng cho thấy các biến chủng này gây bệnh nặng hoặc làm thay đổi triệu chứng lâm sàng của bệnh.

Một số quốc gia có báo cáo tỉ lệ mắc biến chủng mới ở trẻ em cao có thể do miễn dịch tự nhiên sau mắc COVID-19 suy giảm, hoặc tỉ lệ tiêm vaccine COVID-19 mũi tăng cường còn thấp.

Tại sao khi nhiễm COVID-19, người có triệu chứng, người không?

Ths.BS. Nguyễn Đình Qui, Quyền Trưởng Khoa Nhiễm (Bệnh viện Nhi đồng 2 TPHCM) cho biết, việc mắc COVID-19 có triệu chứng hay không có triệu chứng tùy thuộc vào cơ địa từng người, bao gồm tình trạng miễn dịch do tiêm vaccine COVID-19, hoặc đã từng mắc COVID-19 trước đó, do chủng lây nhiễm...

Trường hợp người dân vô tình làm xét nghiệm COVID-19 mà dương tính, dù không có triệu chứng thì vẫn phải tuân thủ việc cách ly tại nhà từ 5-7 ngày, thực hiện lại xét nghiệm sau khoảng thời gian đó để đánh giá tình trạng lây nhiễm, vì dù không có triệu chứng, nhưng người bệnh vẫn có thể lây bệnh cho người khác.

Đối với các biến chủng XBB.1.5, XBB.1.16, XBB.1.9.1 phổ biến hiện nay, chưa ghi nhận các biến chủng này ở bệnh nhi trong nước. Tuy nhiên, theo quan sát từ các quốc gia khác, triệu chứng của các chủng này cũng nhẹ nhàng hơn so với các chủng trước đây.

Thời điểm hiện tại, đa phần trẻ bị COVID-19 đều có các triệu chứng nhẹ, có thể điều trị tại nhà, rất ít trẻ phải nhập viện.

Về việc trẻ có dễ bệnh nặng hay không, BS. Nguyễn Đình Qui cho biết, việc này phụ thuộc trẻ có bệnh nền hay không (ví dụ bệnh lý tim mạch, bệnh lý phổi như hen suyễn; các bệnh lý mạn tính, như hội chứng thận hư; nhóm bệnh ung bướu...), mức độ bệnh nặng hay nhẹ không phụ thuộc vào độ tuổi của trẻ. Thời điểm hiện tại, việc phòng ngừa chủ yếu tập trung vào nhóm có yếu tố nguy cơ cao mắc các bệnh nền này.

Hiền Minh