
PV: Nhìn lại chặng đường 30 năm đồng hành cùng thể thao người khuyết tật, xin ông cho biết, Ủy ban Paralympic Việt Nam đã có những đóng góp gì trong việc xây dựng phong trào thể thao cho người khuyết tật?
Ông Huỳnh Vĩnh Ái - Chủ tịch Ủy ban Paralympic Việt Nam: Với tên gọi ban đầu là Hiệp hội Thể thao người khuyết tật Việt Nam được thành lập từ năm 1995, trong suốt 30 năm qua, Ủy ban Paralympic Việt Nam đã góp phần xây dựng phong trào thể dục, thể thao của người khuyết tật phát triển mạnh ở nhiều địa phương. Hiện nay, 45/63 tỉnh, thành có quan tâm chỉ đạo phát triển phong trào; 33-35 tỉnh, thành thường xuyên có vận động viên tham dự các Hội thi, giải đấu thể thao toàn quốc, thu hút 1.300 vận động viên tham gia ở mỗi năm. Số người khuyết tật tham gia tập luyện thể dục, thể thao năm sau cao hơn năm trước, số lượng câu lạc bộ Thể thao người khuyết tật, cơ sở dân lập, Trung tâm Phục hồi Chức năng, Trung tâm Giáo dục Trẻ em thiệt thòi được kiện toàn và chất lượng ngày càng nâng cao. Hiện tại, trên toàn quốc có 94 cơ sở và 12 Trung tâm Giáo dục chuyên biệt.
- Xin ông cho biết, những khó khăn của Ủy ban Paralympic Việt Nam hiện nay?
Dân số Việt Nam hiện nay trên 100 triệu người, có đến hơn 7 triệu người khuyết tật nhưng chỉ có khoảng 30.000 người thường xuyên tham gia tập thể dục, thể thao, trong đó có từ 1.000-2.000 người thi đấu các cấp từ trong nước đến quốc tế. Đây là con số mà chúng tôi rất lo lắng, làm sao tạo điều kiện tốt nhất để cho nhiều người khuyết tật tham gia tập luyện thể dục, thể thao, từ đó có thể phát hiện những nhân tố mới, huấn luyện, đào tạo trở thành vận động viên thi đấu các giải trong nước và quốc tế.
Các vận động viên khuyết tật Việt Nam có tuổi đời trung bình cao so với các vận động viên trong khu vực Đông Nam Á, châu Á và thế giới. Tuy nhiên, chúng ta lại chưa có nguồn vận động viên trẻ kế cận. Các vận động viên gặp nhiều chấn thương trong quá trình tập luyện và thi đấu, chưa điều trị được dứt điểm nên ảnh hưởng đến thành tích trong thi đấu của các vận động viên... Ngoài ra, khó nhất hiện nay là phân loại loại thương tật, bởi thể thao người khuyết tật có rất nhiều hạng. Bên cạnh đó, công tác truyền thông cũng gặp khó khăn khi đưa hình ảnh của người khuyết tật lên các phương tiện truyền thông đại chúng…

- Trên thực tế, đời sống của các vận động viên khuyết tật còn khó khăn, nhiều vận động viên vẫn chưa được hỗ trợ kinh phí tập luyện và sinh hoạt nên vẫn chưa “toàn tâm” theo tập luyện và thi đấu thể thao, vậy Ủy ban Paralympic Việt Nam có giải pháp gì trong thời gian tới?
Đây là bài toán rất khó và là rào cản lớn nhất của chúng tôi nhiều năm qua trong việc tìm nhân tố trẻ để bồi dưỡng, đào tạo trở thành vận động viên. Trên thực tế, nhiều người khuyết tật có khả năng tập thể thao nhưng do hoàn cảnh gia đình còn khó khăn nên không tham gia được, trong khi chúng ta vẫn chưa có kinh phí để bồi dưỡng cho họ theo tập luyện thể thao. Chúng tôi đã kiến nghị Cục Thể dục thể thao Việt Nam đề xuất Chính phủ có cơ chế đặc biệt cho vận động viên khuyết tật. Bên cạnh đó, Ủy ban Paralympic Việt Nam sẽ cố gắng vận động các nguồn lực xã hội hoá từ các tổ chức, doanh nghiệp…
- Vừa qua, Chủ tịch Ủy ban Paralympic Quốc tế đã đến thăm và làm việc với Ủy ban Paralympic Việt Nam. Xin ông cho biết, kết quả của cuộc làm việc này!
Buổi làm việc với Chủ tịch Ủy ban Paralympic Quốc tế tại Hà Nội hôm 15/5 vừa qua đã thành công rất tốt đẹp. Ủy ban Paralympic Việt Nam đã trao đổi và được Ủy ban Paralympic Quốc tế hỗ trợ về chuyên môn cho bác sĩ khám bệnh thương tật được tập huấn quốc tế để về phục vụ khám thương tật trong nước; Hỗ trợ cơ sở vật chất, thiết bị dụng cụ thể dục thể thao để phát triển thể thao cộng đồng; Hỗ trợ kinh phí hoạt động hằng năm duy trì bộ máy; Hỗ trợ hoạt động phong trào Paralympic thông qua các dự án; Hỗ trợ các vận động viên tham dự các giải quốc tế để lấy chuẩn hướng đến Paralympic 2028 tại Mỹ.
Theo đó, 2 bên đã có sự đồng thuận cao trong quá trình trao đổi, Ủy ban Paralympic Quốc tế có thể hỗ trợ triển khai một số dự án cho các nhóm vận động viên đi thi đấu quốc tế, hỗ trợ phân loại vận động viên... Ủy ban Paralympic Quốc tế cũng có một số gói tài trợ không hoàn lại cho các quốc gia thành viên. Chủ tịch Andrew Parsons bày tỏ mong muốn, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Cục Thể dục thể thao Việt Nam sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho công tác triển khai các dự án trong thời gian tới, từ đó, mở ra một chương mới trong hợp tác giữa Ủy ban Paralympic Quốc tế và Việt Nam không chỉ riêng trong các sự kiện thể thao, mà còn ở các hoạt động phong trào.

- Mục tiêu của Ủy ban Paralympic Việt Nam trong thời gian tới là gì thưa ông?
Thời gian tới, Ủy ban Paralympic Việt Nam có rất nhiều việc cần phải làm, trong đó quan trọng nhất là tạo phong trào rộng rãi trong cộng đồng để cho người khuyết tật tham gia tập luyện. Thông qua phong trào sẽ là cơ hội tìm kiếm vận động viên tham gia thi đấu. Để làm được điều này, chúng tôi cần kiện toàn Văn phòng Ủy ban Paralympic Việt Nam, tạo mối liên hệ với các cấp các, các ngành Trung ương và địa phương như: Cục Thể dục thể thao Việt Nam, Ủy ban Olympic Việt Nam…, và làm công tác truyền thông tốt để vận động toàn xã hội chăm lo, các doanh nghiệp hỗ trợ kinh phí cho người khuyết tật tham gia tập luyện thể thao.
Cùng với đó là việc thành lập đội tuyển thể thao tham dự Đại hội Thể thao Đông Nam Á lần thứ 13 tại Thái Lan và chuẩn bị tham dự Đại hội Thể thao châu Á tại Nhật Bản năm 2026, tham gia các giải thế giới lấy điểm chuẩn tham dự Paralympic 2028. Phấn đấu có từ 5-7 vận động viên đạt chuẩn tham dự Paralympic tại Los Angeles năm 2028, ở 3 môn trọng điểm: Điền kinh, Bơi và Cử tạ (mục tiêu có huy chương).
Bên cạnh đó, Ủy ban Paralympic Việt Nam sẽ tiếp tục phối hợp với Nhà nước, tổ chức hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp nhằm tuyên truyền tới các tỉnh, thành phố có câu lạc bộ thể thao dành cho người khuyết tật và có công trình thể dục thể thao bảo đảm điều kiện tiếp cận đối với người khuyết tật. Tư vấn, kiến nghị với cơ quan Nhà nước về chính sách thể thao nhất là chế độ chính sách cho vận động viên người khuyết tật cần bổ sung, sửa đổi, trước mắt là Luật Thể dục, thể thao.
Chúng tôi sẽ mở rộng, phổ biến và phát triển 15 môn thể thao trở lên cho người khuyết tật tập luyện trong năm 2024-2030 gồm: Điền kinh, Bơi, Cử tạ, cờ Vua, Bóng bàn, Cầu lông, Judo khiếm thị, Taekwondo, Bắn cung, Quần vợt xe lăn, Khiêu vũ thể thao, Yoga, Bóng đá người khiếm thị (5 người), Thể thao điện tử, Pickleball và Boccia, Golf công viên... thu hút từ 35.000-40.000 người tham gia mỗi năm, phấn đấu đến năm 2030 có 1 triệu người khuyết tật đến với thể thao; Phối hợp với Cục Thể dục thể thao Việt Nam các Liên đoàn, Hiệp hội Thể thao quốc gia tổ chức thành công giải vô địch toàn quốc hằng năm với các môn: Cầu lông, Bóng bàn, Cử tạ, Điền kinh, Bơi và cờ Vua, Pickleball thu hút 1.300 vận động viên trở lên tham gia/năm. Duy trì 55-60 vận động viên thường xuyên được tập luyện tại các Trung tâm Huấn luyện Thể thao Quốc gia và các địa phương để sẵn sàng tham gia các giải quốc tế (bổ sung từ 10-15 vận động viên trẻ mỗi năm).
- Xin cảm ơn ông và chúc Ủy ban Paralympic Việt Nam sẽ đạt được những kết quả tốt trong thời gian tới!