Cầu thủ nước ngoài nhập tịch khoác áo đội tuyển: Lợi thì có lợi, nhưng…

Indonesia chắc chắn không phải là đội tuyển đầu tiên ở Đông Nam Á theo đuổi việc nhập tịch cầu thủ ồ ạt để “đi tắt đón đầu”. Tuy trước mắt đã gặt hái được đôi chút thành tích, nhưng về lâu dài cũng chưa phải là cách làm căn cơ, bền vững…

419318381-694609072873009-2187661245724455728-n-1708478286.jpg
Tiền đạo nhập tịch Rafael Struick đem về quả phạt 11m giúp Indonesia giành thắng lợi 1-0 trước đội tuyển Việt Nam tại ASIAN Cup 2023

Tại Vòng chung kết ASIAN Cup 2023, huấn luyện viên Shin Tae-yong đã sử dụng tới 7-8 cầu thủ nhập tịch, giữ những vị trí trụ cột trong đội hình chính và ít nhiều đã tạo ra được sức mạnh, giúp đội tuyển Indonesia có lần đầu tiên lọt vào Vòng 1/8. Tuy phải đợi đến phút chót mới may mắn có được tấm vé vớt, nhưng đấy cũng là thành tích đáng kể nhất mà ông thầy người Hàn Quốc giành được sau 5 năm dẫn dắt đội bóng xứ Vạn đảo. Góp công lớn trong chiến quả tại ASIAN Cup 2023 và tạo ra sự "thay da đổi thịt" cho đội tuyển Indonesia chính là những cầu thủ nhập tịch, chủ yếu từ châu Âu như: Jordi Amat, Elkan Bagott, Sandy Walsh, Justin Hubner, Marc Klok, Ivar Jenner, Rafael Struick… 

Với thể hình, thể lực tốt và trình độ, tư duy chơi bóng hơn hẳn các cầu thủ Đông Nam Á, đội tuyển Indonesia từ chỗ thường xuyên thua thiệt khi đối đầu với đội tuyển Việt Nam đã tạo ra không ít khó khăn trong trận đấu ở Vòng bảng ASIAN Cup 2023 và lần đầu tiên sau gần chục năm, có được chiến thắng sát nút 1-0 nhờ bàn thắng từ quả đá phạt 11m. Điểm mạnh của các cầu thủ nhập tịch Indonesia là khả năng chơi bóng bổng rất tốt và chiếm ưu thế nổi trội trong những pha tranh chấp 1-1 nhờ sức vóc. Chính huấn luyện viên Troussier cũng phải thừa nhận, những cầu thủ trẻ, còn non kinh nghiệm và bản lĩnh như: Thái Sơn, Đình Bắc, Minh Trọng, Văn Khang… rất dễ bị ngợp và không đủ tự tin khi đối mặt với những cầu thủ nhập tịch có thể hình to, cao và lối chơi áp sát mạnh mẽ.

untitled-3680-1684357750-1708478528.jpg
Trung vệ Jonathan Khemdee của đội tuyển U22 Thái Lan ném huy chương và cả linh vật lên khán đài để trút giận sau thất bại trong trận chung kết SEA Games 32

Trên thực tế, Indonesia không phải là đội tuyển đầu tiên ở Đông Nam Á theo đuổi việc nhập tịch cầu thủ ồ ạt để “đi tắt đón đầu” và có ngay thành tích. Từ nhiều năm trước, bóng đá Đông Nam Á cũng đã chứng kiến những làn sóng nhập tịch cầu thủ ngoại, điển hình là màn “thoát xác” ngoạn mục của đội tuyển Philippines khi trình làng dàn cầu thủ “lê dương” hầu hết đang khoác áo các câu lạc bộ tên tuổi ở Anh, Hà Lan, Mỹ… trở về thi đấu tại AFF Cup. Thậm chí, Liên doàn Bóng đá Philippines còn mạnh tay mời cả huấn luyện viên Sven Goran Eriksson, từng dẫn dắt đội tuyển Anh về chèo lái đội tuyển Philippines tại AFF Cup 2018, nhưng vẫn không thành công như mong đợi.

Trước đó, những đội bóng khác trong khu vực Đông Nam Á như Singapore, Thái Lan cũng đã từng "trải thảm” mời gọi những cầu thủ từ nước ngoài về để tăng cường sức mạnh cho đội tuyển. Tuy nhiên, kết quả thu về không phải đều là màu hồng. Thậm chí, đôi khi cầu thủ ngoại còn gây ra những chuyện "dở khóc dở cười" như đứng nhìn đồng đội hát quốc ca hay tệ hại hơn là có những hành động phản cảm mà điển hình là việc trung vệ Jonathan Khemdee của đội tuyển U22 Thái Lan ném huy chương lên khán đài để trút giận sau thất bại trong trận chung kết SEA Games 32.

santoss-1708479090.jpg
Thủ môn Phan Văn Santos từng khoác áo đội tuyển Việt Nam

Ở góc độ chuyên môn, các chuyên gia bóng đá và không ít huấn luyện viên cũng rất dè dặt và thận trọng khi cân nhắc, sử dụng các cầu thủ nhập tịch sao cho hợp lý với tỷ lệ vừa đủ để không dẫn đến những xáo trộn cho đội tuyển và đặc biệt là không ảnh hưởng và làm mất đi cơ hội của những cầu thủ khác, đặc biệt là những tài năng trẻ được đào tạo trong nước. Đội tuyển Việt Nam thời huấn luyện viên Henrique Calisto dẫn tắt cũng từng gọi lên đội tuyển những cầu thủ nhập tịch như: thủ môn Phan Văn Santos, các tiền vệ Đinh Hoàng La, Đình Hoàng Max… nhưng không trụ lại được và phải chia tay sau vài trận đấu giao hữu.

Những xung đột về mặt văn hoá, ứng xử, tinh thần tự tôn dân tộc… đôi khi còn quan trọng hơn cả đẳng cấp chuyên môn. Kể từ năm 2010, Liên đoàn Bóng đá Việt Nam không còn mặn mà theo đuổi chủ trương nhập tịch cầu thủ ngoại mà thay vào đó, mở cửa cho những cầu thủ gốc Việt đang thi đấu ở nước ngoài trở về khoác áo các câu lạc bộ và đội tuyển Việt Nam. Mặc dù làn sóng nhập tịch cầu thủ vẫn diễn ra, nhưng chủ yếu từ các câu lạc bộ để “hợp pháp hoá” cho các ngoại binh đăng ký thi đấu ở V.League với tư cách cầu thủ nội. Một số cầu thủ ngoại nhập tịch như: Huỳnh Kesley Alves, Hoàng Vũ Samson, Trần Trung Hiếu… dù trình độ, sức vóc có phần nhỉnh hơn các cầu thủ nội, nhưng vẫn không có cơ hội được gọi lên tuyển. Trong khi đó, những cầu thủ Việt kiều được tạo điều kiện thuận lợi hơn khi Mạc Hồng Quân, Đặng Văn Lâm và mới nhất là Nguyễn Filip được trao cơ hội thi đấu cho đội tuyển Việt Nam.

img-7437-1708479172.jpeg
Đội tuyển Việt Nam ưu tiên sử dụng cầu thủ gốc Việt thay cho việc nhập tịch ngoại binh

Sau thất bại của đội tuyển Việt Nam tại Vòng chung kết ASIAN Cup 2023, đặc biệt là trận thua 0-1 trước đối thủ cạnh tranh nhiều duyên nợ Indonesia, có một số luồng ý kiến cho rằng, đã đến lúc Liên đoàn Bóng đá Việt Nam và huấn luyện viên Troussier phải cân nhắc việc mở cửa cho cầu thủ ngoại nhập tịch lên khoác áo đội tuyển thay vì chỉ sử dụng cầu thủ Việt kiều và học theo cách của Indonesia khi tận dụng tối đa nguồn lực từ những cầu thủ nhập tịch. Không chỉ có 8 cầu thủ nhập tịch trong đội hình, Indonesia còn đang hoàn tất thủ tục để đăng ký thêm từ 5-7 cầu thủ khác đang thi đấu ở nước ngoài để chuẩn bị cho các trận đấu tại Vòng loại thứ hai World Cup 2026 khu vực châu Á sẽ khỏi động lại vào cuối tháng 3 tới.

Thực tế, tuy mỗi nền bóng đá đều có những đặc điểm riêng và cách làm có thể khác nhau nhưng đều có chung mục tiêu phát triển bền vững. Bóng đá Việt Nam từng trải qua chu kỳ 5 năm bùng nổ dưới thời huấn luyện viên Park Hang-seo và giờ đến lượt huấn luyện viên Philippe Troussier được lựa chọn với hy vọng tiếp nối và nâng tầm để chinh phục những đỉnh cao mới. Dù không thể nói trước sẽ thành công hay thất bại, nhưng một khi đã chọn con đường cho riêng mình thì phải kiên định, không vì "thấy sóng cả mà vội ngã tay chèo" và càng không thể chạy theo đối thủ nhập tịch ồ ạt cầu thủ để mang tiếng “đẽo cày giữa đường”.

Việt Hưng