Bóng đá Việt Nam: Cử U20 Việt Nam dự ASIAD 19 để mơ World Cup

ASIAD 19 dự định tổ chức vào năm ngoái tại Hàng Châu, Trung Quốc nhưng do tình hình dịch bệnh COVID-19 đã phải lùi lại 1 năm. Thay vì cử đội tuyển Olympic như thông lệ, Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) lại “phá cách” với việc để các cầu thủ U20 tham dự sân chơi này.

Trước đó, Liên đoàn Bóng đá châu Á (AFC) đã quyết định điều chỉnh độ tuổi các cầu thủ đăng ký tham dự Á vận hội lần thứ 19 tại Hàng Châu, Trung Quốc vào tháng 9 tới từ 23+3 lên 24+3 với lý do, lứa cầu thủ được chuẩn bị cho ASIAD lẽ ra đã tranh tài từ năm ngoái, nhưng vì lùi lại 1 năm nên độ tuổi tham dự cũng tăng lên tương ứng để tránh gây xáo trộn.

5 năm trước, tại ASIAD 18 tổ chức ở Indonesia, đội tuyển Olympic Việt Nam với lứa cầu thủ vừa giành danh hiệu á quân giải Bóng đá U23 châu Á 2028 có sự tăng cường đầy đủ 3 gương mặt xuất sắc từ đội tuyển quốc gia đã từng gây tiếng vang khi lọt vào bán kết và để thua Hàn Quốc 1-3. Trong trận tranh huy chương đồng, đội tuyển Olympic Việt Nam đã thủ hòa UAE 1-1 trong thời gian thi đấu chính thức và để thua 3-4 ở loạt sút luân lưu 11m.

doi-tuyen-u20-viet-nam-chua-du-tam-tham-du-asiad-19-1682564657.jpg
Đội tuyển U20 Việt Nam chưa đủ tầm tham dự ASIAD 19

Bóng đá Á vận hội tổ chức theo chu kỳ 4 năm 1 lần là cơ hội để các đội tuyển Olympic tranh tài. Việc cử đội tuyển U20 Việt Nam tham dự ASIAD 19 nói là để tính ngược cho SEA Games 33 hay xa hơn là World Cup không thực sự thuyết phục, nếu không muốn nói là quá tầm khi các cầu thủ trẻ phải đối đầu với các đội bóng đàn anh hơn cả về tuổi tác và đẳng cấp. Nếu tạo điều kiện cho các cầu thủ trẻ rèn luyện và học hỏi thì cũng phải tìm đối tượng, sân chơi phù hợp chứ không thể “đốt cháy giai đoạn”, đẩy các cầu thủ U20 ra đá với những cầu thủ U24+ hơn cả về đẳng cấp, trình độ và kinh nghiệm. Thua nhiều có khi còn bị khớp, thậm chí ám ảnh, nói chi tới chuyện nâng tầm để “đại nhảy vọt”.

Cử U20 đi đá giải Bóng đá U23 Đông Nam Á 2023, tranh tài với các đội bóng trong khu vực, chuẩn bị lực lượng cho SEA Games 33 còn có thể chấp nhận. Còn thi đấu tại Á Vận hội, sao không nhân cơ hội trẻ hóa đội tuyển, chọn ra những tuyển thủ trong độ tuổi tham dự và tăng cường thêm những trụ cột theo đúng quy định U24+ 3? Đội tuyển Việt Nam từ sau AFF Cup 2022 chỉ tập trung vài ngày để điểm danh với huấn luyện viên mới rồi quay về câu lạc bộ, dịp FIFA Days tháng 3 cũng không thi đấu giao hữu. Phải đợi tới tháng 6 tới, huấn luyện viên Troussier mới có dịp hội quân cùng đội tuyển. Nghỉ dài tới nửa năm thì nói gì tới chuyện “văn ôn võ luyện”.

lua-cau-thu-u20-viet-nam-co-nhieu-tiem-nang-la-cua-de-danh-can-duoc-thu-suc-va-ren-luyen-o-san-choi-phu-hop-voi-lua-tuoi-1682565109.jpg
Lứa cầu thủ U20 Việt Nam có nhiều tiềm năng, là "của để dành" cần được thử sức và rèn luyện ở sân chơi phù hợp với lứa tuổi

ASIAD chính là cơ hội để trẻ hóa đội tuyển với thành phần 24+ thi đấu, rèn luyện để chuẩn bị lực lượng cho Vòng loại World Cup 2026 sẽ khởi tranh vào cuối năm nay. Bóng đá Việt Nam đâu có thiếu cầu thủ tới mức không tập hợp được đội bóng Olympic có đủ thực lực, để có thể cạnh tranh sòng phẳng tại Á Vận hội khi đã từng vào tới bán kết tại ASIAD 18. Ngay cả khi phải ưu tiên để huấn luyện viên “hai trong một” Troussier dẫn dắt U23 Việt Nam đá Vòng loại giải Bóng đá U23 châu Á 2024 thì giao đội Olympic cho một huấn luyện viên khác cũng đâu phải là việc khó.

Lứa cầu thủ U20 hay U17, U23 đều là lực lượng kế cận, là "của để dành" của bóng đá Việt Nam. Muốn các cầu thủ trẻ phát triển tốt, phục vụ cho những mục tiêu lâu dài thì phải sử dụng hợp lý và rèn luyện trong môi trường phù hợp với lứa tuổi của các em chứ đá lộn sân như thế có khi lợi bất cập hại.

Việt Hưng