Bộ VHTTDL tăng bậc xếp hạng chỉ số chuyển đổi số

Kết quả đánh giá chỉ số chuyển đổi số (DTI) năm 2022 của các tỉnh, thành phố và các bộ, ngành, cơ quan thuộc Chính phủ vừa được Bộ TTTT công bố cho thấy, Bộ VHTTDL tăng 1 bậc so với năm 2021, đứng vị trí thứ 7/17 ở khối bộ, ngành có cung cấp dịch vụ công.

Kết quả đánh giá, xếp hạng về chỉ số chuyển đổi số cấp bộ, cấp tỉnh - DTI năm 2022 vừa được Bộ TTTT công bố tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết 6 tháng đầu năm 2023 về chuyển đổi số quốc gia và Đề án 06 diễn ra chiều ngày 12/7, do Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì. Đây là năm thứ ba Bộ TTTT tổ chức đánh giá và công bố xếp hạng về chuyển đổi số của các bộ, ngành, địa phương.

Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ TTTT Nguyễn Huy Dũng, Ủy viên Ủy ban quốc gia về chuyển đổi số cho biết, chỉ số chuyển đổi số quốc gia năm 2022 là 0,71.

So với năm 2021, tốc độ tăng trưởng chỉ số chuyển đổi số quốc gia năm 2022 có chậm lại. Tuy nhiên, các chỉ số thành phần về chính phủ số, kinh tế số và xã hội số vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng cao, từ 45 đến 55%. Điều này có nghĩa là khi chúng ta càng phát triển lên mức độ cao, việc tăng điểm sẽ càng khó khăn hơn, cần nhiều nỗ lực hơn.

dti-2022-1689217212536685920617-1689234857947-1689234858099390939189-1689302494.jpg
Thông tin xếp hạng đánh giá chuyển đổi số ở khố bộ, ngành cung cấp dịch vụ công

Đánh giá khái quát, chỉ số tổng hợp của cấp tỉnh có mức tăng trưởng mạnh hơn cấp bộ. Điều này phản ánh một cách tương đối trên bình diện tổng thể rằng, trong năm 2022 các địa phương đã nỗ lực lớn hơn các bộ, ngành trung ương.

Năm 2022, 100% các bộ, tỉnh đều có chỉ số tăng so với năm 2021. Qua đó, cho thấy trong năm ngoái, cả hệ thống chính quyền các cấp đều nỗ lực, song do mức độ nỗ lực nhiều, ít khác nhau nên đã dẫn đến những kết quả khác nhau.

Cụ thể, ở khối bộ, ngành có cung cấp dịch vụ công, sau 2 lần dẫn đầu vào các năm 2020 và 2021, trong năm 2022 Bộ Tài chính giảm 1 bậc, xếp thứ 2; Bộ KHĐT sau 2 năm xếp thứ 2 và thứ 3, năm 2022 đã vươn lên dẫn đầu. Bộ VHTTDL tăng 1 bậc so với năm 2021, đứng vị trí thứ 7/17.

Ở khối bộ, ngành không cung cấp dịch vụ công, dẫn đầu vẫn là Viện Hàn lâm KHCN Việt Nam. Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp có sự bứt phá mạnh mẽ nhất, tăng 6 bậc, từ xếp cuối vào năm 2021 đã vươn lên xếp thứ 2 vào năm 2022.

Với khối địa phương, Đà Nẵng có năm thứ ba liên tiếp xếp ở vị trí số 1 về chỉ số chuyển đổi số. Thành phố Cần Thơ lần đầu tiên vào nhóm 5 địa phương dẫn đầu. Quảng Ngãi tăng hạng mạnh nhất, tăng tới 34 bậc. Đồng Nai và Hà Giang cùng giảm hạng mạnh, giảm 24 bậc.

Bộ TTTT cũng diểm ra các địa phương dẫn đầu về nhận thức số, thể chế số, hạ tầng số và nhân lực số. Trong đó, 9 địa phương dẫn đầu về nhận thức số gồm: Đà Nẵng, Lạng Sơn, Yên Bái, Thanh Hóa, Ninh Bình, Ninh Thuận, Bình Dương, Quảng Ngãi, Lào Cai.

14 địa phương dẫn đầu về thể chế số gồm: Đà Nẵng, TP.HCM, Quảng Ninh, Thừa Thiên - Huế, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Phòng, Vĩnh Phúc, Ninh Bình, Quảng Ngãi, Bình Định, Hưng Yên, Long An, Bà Rịa - Vũng Tàu.

10 địa phương dẫn đầu về hạ tầng số là: TP.HCM, Đà Nẵng, Bà Rịa - Vũng Tàu, Quảng Ninh, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Phú Thọ, Vĩnh Long, Bình Dương, Hậu Giang.

10 địa phương dẫn đầu về nhân lực số: Đà Nẵng, Hà Nam, Long An, Tiền GIang, Cần Thơ, Điện Biên, Trà Vinh, Lạng Sơn, Bình Dương, Yên Bái.

Trong đánh giá Cổng dịch vụ công khối bộ, ngành: Bộ Giao thông vận tải đứng đầu, Bộ Tài nguyên và Môi trường xếp thứ 20/20 đơn vị.

Thành phố Cần Thơ dẫn đầu trong đánh giá Cổng dịch vụ công khối tỉnh; Bạc Liêu xếp thứ 63/63 tỉnh, thành phố...

Bộ VHTTDL