Triển lãm dự kiến diễn ra vào trung tuần tháng 11/2023. tại thành phố Ninh Bình - tỉnh Ninh Bình với nhiều hoạt động đặc sắc, mang dấu ấn nổi bật của các địa phương.
Sự kiện nhằm giới thiệu, quảng bá, tôn vinh những giá trị văn hóa, các di tích, danh lam thắng cảnh của Việt Nam với nhân dân cả nước, bạn bè quốc tế; khẳng định tiềm năng phát triển văn hóa, du lịch giữa các địa phương trong cả nước, tạo động lực thu hút mạnh mẽ các nguồn lực phát triển du lịch, nâng cao vị thế hình ảnh đất nước, con người Việt Nam.
Trưng bày và giới thiệu các sản phẩm của nghề thủ công truyền thống, động viên, khích lệ tinh thần lao động sáng tạo của các nghệ nhân, là dịp để các nghệ nhân giao lưu, học hỏi kinh nghiệm; quảng bá về tiềm năng du lịch làng nghề, mở rộng mối quan hệ giữa các làng nghề, giữa người sản xuất với du khách.
Các hoạt động triển lãm, giao lưu văn hóa nghệ thuật nhằm mang lại những trải nghiệm giàu cảm xúc cho khán giả; khơi dậy tình yêu quê hương, đất nước, niềm tự hào về nền văn hóa, đậm đà bản sắc được kết tinh và tiếp nối qua nhiều thế hệ, từ đó góp phần giữ gìn và phát triển truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc, phấn đấu xây dựng đất nước Việt Nam ngày càng giàu đẹp. Đồng thời góp phần tăng cường giao lưu, trao đổi kinh nghiệm giữa các địa phương trong việc tổ chức các sự kiện văn hóa nghệ thuật, quảng bá về du lịch.
Khu triển lãm chung sẽ có Không gian Di sản văn hóa và sản phẩm thủ công truyền thống. Khu trưng bày sẽ giới thiệu các di sản được UNESCO vinh danh, di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh tiêu biểu của Việt Nam; Triển lãm hình ảnh về di sản đã được UNESCO vinh danh gồm: các di sản thiên nhiên thế giới, di sản văn hóa thế giới; di sản hỗn hợp văn hóa và thiên nhiên thế giới; di sản văn hóa phi vật thể; di sản tư liệu; Giới thiệu hình ảnh các di tích quốc gia đặc biệt, di sản văn hóa vật thể, phi vật thể, các danh lam thắng cảnh nổi tiếng và cuộc sống sinh hoạt văn hóa đặc trưng của các vùng miền trên cả nước.
Triển lãm “Đặc trưng văn hoá các dân tộc trong di sản văn hoá Việt Nam” sẽ giới thiệu về văn hóa các dân tộc Vùng Trung du, miền núi phía Bắc: Trung du, miền núi phía Bắc là địa bàn cư trú chủ yếu của đồng bào các dân tộc Mường, Tày, Nùng,… với nét văn hóa lâu đời, nhiều lễ hội truyền thống, điệu múa đặc sắc cùng nhiều trò chơi dân gian độc đáo; Trưng bày thể hiện những nét đẹp trong đời sống văn hóa, tinh thần của đồng bào các dân tộc vùng Trung du, miền núi phía Bắc.
Những danh lam thắng cảnh, các di sản văn hóa, di tích, lịch sử, lễ hội của vùng Trung du và miền núi phía Bắc; Một số nét đẹp về đời sống lao động của vùng trung du và miền núi phía Bắc như: Phiên chợ vùng cao, múa khèn Mông, Lễ lẩu Then của người Tày...
Văn hóa các dân tộc Vùng đồng bằng Sông Hồng: Trưng bày một số đặc trưng của văn hóa vùng đồng bằng sông Hồng như: Trang phục áo dài truyền thống Việt Nam; nghệ thuật múa rối nước; hát quan họ; vẻ đẹp thiên nhiên, danh lam thắng cảnh, di sản văn hóa và cuộc sống sinh hoạt đời thường thông qua tài liệu hình ảnh và hiện vật tiêu biểu.
Văn hóa các dân tộc Bắc Trung bộ và Duyên hải Trung bộ: Trưng bày giới thiệu danh lam thắng cảnh, văn hóa, lễ hội truyền thống, vùng ven biển miền trung: Trang phục, nhạc cụ truyền thống; nghề gốm, nghề dệt dân tộc Chăm; lễ hội Ka Tê; nhã nhạc cung đình Huế, thông qua tài liệu hình ảnh và hiện vật tiêu biểu.
Văn hóa các dân tộc Vùng Tây Nguyên: Vùng Tây Nguyên: Không gian trưng bày giới thiệu về đồng bào các dân tộc vùng Tây Nguyên trong cuộc sống sinh hoạt hàng ngày, trong việc giữ gìn bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa dân tộc, các lễ hội truyền thống và đặc biệt là Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên đã được UNESCO ghi danh là di sản văn hóa của nhân loại.
Văn hóa các dân tộc vùng Đông Nam Bộ: Trưng bày các di sản văn hóa, di tích lịch sử, lễ hội truyền thống, danh lam thắng cảnh... của đồng bào Nam Bộ.
Văn hóa các dân tộc vùng đồng bằng Sông Cửu Long: Trưng bày giới thiệu đặc trưng văn hóa của vùng sông nước, những nét đẹp trong đời sống văn hóa, nghệ thuật: đờn ca tài tử,... của đồng bào các dân tộc vùng đồng bằng Sông Cửu Long; Các di sản văn hóa, di tích lịch sử, lễ hội truyền thống, danh lam thắng cảnh... vùng đồng bằng sông Cửu Long.
Triển lãm với các chủ đề “Tinh hoa nghề Việt” sẽ trưng bày ảnh “Du lịch qua các làng nghề truyền thống Việt Nam: Giới thiệu nghề truyền thống, làng nghề truyền thống tiêu biểu của các địa phương trong cả nước từ Bắc vào Nam: khăn xếp Giáp Nhất, hương Cao Thôn, miền Cự Đà (Hà Nội); tranh dân gian Đông Hồ (Bắc Ninh); làm hương ở Nam Điền (Nam Định); đan đó (Hưng Yên); cói Kim Sơn (Ninh Bình); nồi đất ờ Trù Sơn (Nghệ An); đan nón, làm bánh tráng (Bình Định); nhuộm cói Phú Yên; đèn lồng Hội An, gốm Thanh Hà (Quảng Nam); dệt thổ cẩm Tây Nguyên; thổ cẩm của dân tộc Chăm (An Giang); làng hoa Tân Quy Đông, chiếu Định Yên (Đồng Tháp); đan đát ở Phước Long (Bạc Liêu); nắn nồi ở Hòn Đất (Kiên Giang),…
Tạo dựng mô hình một số di sản được UNESCO vinh danh từ các nguyên liệu, chất liệu làm sản phẩm thủ công mỹ nghệ như Hoàng thành Thăng Long, Vịnh Hạ Long, Phố cổ Hội An...; Trưng bày các tác phẩm đạt giải tại “Hội thi sản phẩm thủ công mỹ nghệ Việt Nam năm 2023: Đây là những tác phẩm mang giá trị truyền thống, phù hợp với cuộc sống hiện nay của các nghệ nhân, tác giả sản xuất sản phẩm thủ công mỹ nghệ trong cả nước tham gia và đạt giải tại Hội thi, bao gồm các nhóm nghề: gốm sứ và thủy tinh; dệt, thêu đan, móc; mây, tre, lá; sơn mài, khảm trai, gỗ mỹ nghệ; sừng, trai ốc, chạm khắc đá, kim khí.
Không gian của một số làng nghề sẽ mang đến cho người xem những trải nghiệm thú vị như: Gỗ mỹ nghệ Sơn Đồng, nón làng Chuông, lụa Vạn Phúc, mây tre đan Phú Vinh, gốm Bát Tràng, bánh kẹo truyền thống (Hà Nội); tranh Đông Hồ (Bắc Ninh); gốm Chu Đậu (Hải Dương); gốm Phù Điêu (Hải Phòng); Không gian trưng bày “Nghe lụa là gấm vóc kể chuyện”; Không gian trưng bày “Áo dài Phú Xuân - cổ phục Việt”; Không gian trưng bày “Sản phẩm thay lời nói”; Không gian trưng bày “Sáng tạo từ đôi bàn tay”; Không gian văn hóa Trà; Khu giới thiệu “Không gian du lịch văn hóa cộng đồng”; Trình diễn tay nghề của nghệ nhân, thợ thủ công giỏi: đan tre, chằm nón, xe tơ, dệt lụa, chần bông ghép vải,..; khách tham quan được trải nghiệm làm sản phẩm tại các không gian trưng bày.
Khu Triển lãm Không gian sắc màu di sản văn hoá và danh thắng các tỉnh/thành phố sẽ tập trung giới thiệu các di sản văn hóa, thiên nhiên, các danh thắng tiêu biểu của địa phương, những điểm đến được du khách yêu thích; giới thiệu nét đặc sắc về sinh hoạt cộng đồng; quảng bá tiềm năng du lịch sinh thái, du lịch bền vững tại địa phương. Giới thiệu các di sản văn hoá, các di tích lịch sử, lễ hội đặc sắc của địa phương mình; các sản phẩm thủ công truyền thống tiêu biểu, nghệ thuật ẩm thực, sản vật của địa phương…
Sư kiện cho Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, UBND tỉnh Ninh Bình chỉ đạo, phối hợp cùng UBND các tỉnh/thành phố: Yên Bái, Tuyên Quang, Phú Thọ, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Bắc Giang, Bắc Ninh, Hải Dương, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Quảng Nam, Khánh Hòa, Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng, Bình Phước, Bà Rịa - Vũng Tàu, Cần Thơ, An Giang; Hội Di sản văn hóa Việt Nam.