Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng: Xây dựng văn hóa doanh nghiệp trên hai trụ cột chính là chấp hành quy định pháp luật và trách nhiệm với xã hội

Sáng ngày 7/9, tại Hà Nội, Ban Cán sự Đảng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có buổi làm việc với Đoàn công tác của Ban chỉ đạo Trung ương khảo sát việc thực hiện Nghị quyết 09-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.

2e720-1662618753.jpg
Toàn cảnh buổi làm việc. Ảnh: Nam Nguyễn

Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Ban Cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng cùng các Thứ trưởng: Tạ Quang Đông; Đoàn Văn Việt; Trịnh Thị Thủy và lãnh đạo các Tổng cục, Cục, Vụ thuộc Bộ dự buổi làm việc.

Về phía Đoàn công tác của Ban chỉ đạo Trung ương có các ông: Phạm Tấn Công, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) - Phó trưởng Ban Thường trực Ban chỉ đạo; Đỗ Ngọc An - Phó trưởng ban Kinh tế Trung ương, Phó trưởng Ban chỉ đạo; Triệu Tài Vinh - Phó Trưởng ban Dân vận Trung ương, Phó trưởng Ban chỉ đạo.

Văn hóa kinh doanh có vai trò quyết định việc cạnh tranh

Phát biểu mở đầu buổi làm việc, ông Phạm Tấn Công - Chủ tịch VCCI nhấn mạnh, việc Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 09 đã thể hiện sự ghi nhận vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong công cuộc xây dựng và phát triển nhanh, bền vững, đảm bảo độc lập tự chủ của kinh tế nước nhà.

2e721-1662618752.jpg
Ông Phạm Tấn Công - Chủ tịch VCCI phát biểu mở đầu buổi làm việc. Ảnh: Nam Nguyễn

Trong những năm qua, Ðảng và Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách khuyến khích phát triển doanh nghiệp, phát huy vai trò của doanh nhân trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước. Nhờ đó, nhận thức về vai trò của đội ngũ doanh nhân có chuyển biến tích cực, nhiều cấp ủy đảng, chính quyền thường xuyên quan tâm đến sự phát triển của doanh nghiệp, đội ngũ doanh nhân, hướng hoạt động của doanh nghiệp, doanh nhân vào mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đất nước.

"Các yếu tố hình thành nên văn hóa kinh doanh cũng như văn hóa xã hội, dân tộc, giá trị doanh nghiệp ngày càng trở nên quan trọng và có vai trò quyết định trong môi trường cạnh tranh toàn cầu" - ông Phạm Tấn Công khẳng định.

Tại buổi làm việc này, Chủ tịch VCCI mong muốn phía Bộ VHTTDL chia sẻ về hai khía cạnh, thứ nhất là công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Nghị quyết 09, giải pháp, định hướng giai đoạn sắp tới. Thứ hai là chia sẻ những thách thức, cơ hội trong việc xây dựng văn hóa doanh nhân trong tổng thể nhiệm vụ xây dựng văn hóa của đất nước.

Nhiều kết quả nổi bật

Báo cáo tóm tắt do Thứ trưởng Đoàn Văn Việt trình bày nêu rõ, về công tác lãnh đạo, chỉ đạo, Ban Cán sự Đảng Bộ VHTTDL đã chỉ đạo Đảng ủy Bộ phối hợp với cấp ủy các cấp và Thủ trưởng cơ quan, đơn vị thông qua sinh hoạt Chi bộ, hội nghị sinh hoạt tập thể tiến hành phổ biến, quán triệt, tuyên truyền sâu rộng đến cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và người lao động trong cơ quan, đơn vị về toàn văn Nghị quyết 09-NQ/TW.

2e722-1662618752.jpg
Thứ trưởng Đoàn Văn Việt báo cáo kết quả thực hiện Nghị quyết 09 của Bộ VHTTDL. Ảnh: Nam Nguyễn

Chỉ đạo các báo, tạp chí, trung tâm thông tin của Bộ, định hướng nội dung phổ biến, tuyên truyền Nghị quyết 09-NQ/TW và các văn bản hướng dẫn về việc phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế đến cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động thuộc Bộ VHTTDL và nhân dân.

Đi sâu vào việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị của Nghị quyết 09, Thứ trưởng Đoàn Văn Việt cho biết, Bộ đã thường xuyên tổ chức cho doanh nhân và doanh nghiệp thực hiện tốt cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" và các cuộc vận động khác do Đảng, Nhà nước phát động; Chủ động phối hợp cùng các doanh nghiệp ứng phó với đại dịch Covid-19; Chỉ đạo, điều hành thực hiện cải cách hành chính tạo môi trường sản xuất, kinh doanh bình đẳng và thuận lợi cho doanh nhân; Đơn giản hóa thủ tục hành chính thuộc phạm vi chức năng quản lý nhà nước của Bộ VHTTDL…

Trong công tác hoàn thiện thể chế, theo Thứ trưởng, Từ khi triển khai thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TW đến nay, hệ thống pháp luật ngành văn hóa, thể thao và du lịch đã từng bước được hoàn thiện: Có 02 pháp lệnh được nâng lên thành luật; một số luật được sửa đổi, bổ sung để phù hợp với thực tiễn và các cam kết quốc tế; 02 Luật được ban hành thay thế; 01 dự án Luật đang trong giai đoạn xây dựng, trình thay thế. Hầu hết các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của Bộ đã có văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh…

Đáng chú ý, Bộ đã tham gia xây dựng Bộ tiêu chí văn hóa kinh doanh Việt Nam và phối hợp với Hiệp hội Phát triển Văn hóa doanh nghiệp Việt Nam tổ chức Hội nghị triển khai Bộ tiêu chí Văn hóa kinh doanh Việt Nam khu vực Đông Nam Bộ tại tỉnh Đồng Tháp, Đồng bằng Sông Hồng tại Thành phố Hải Phòng.

Phối hợp với Hiệp hội Phát triển Văn hóa doanh nghiệp Việt Nam lồng ghép các nội dung tuyên truyền nâng cao nhận thức về xây dựng và phát triển văn hóa doanh nghiệp, văn hóa kinh doanh, Cuộc vận động "Xây dựng văn hóa doanh nghiệp Việt Nam", Ngày Văn hóa doanh nghiệp Việt Nam (10/11) và Bộ tiêu chí Văn hóa kinh doanh Việt Nam vào các chương trình, kế hoạch hoạt động của Bộ. Tổ chức diễn đàn, hội thảo, tọa đàm, tập huấn, đào tạo... Phối hợp tham gia Ban Tổ chức Diễn đàn quốc gia thường niên "Văn hóa với Doanh nghiệp" được tổ chức hằng năm vào Ngày Văn hóa doanh nghiệp Việt Nam (10/11); tham gia Hội đồng quốc gia xét và công nhận "Doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa kinh doanh Việt Nam" và Lễ tôn vinh "Doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa kinh doanh Việt Nam".

Xây dựng văn hóa doanh nghiệp, doanh nhân trên hai trụ cột chính

Sau khi nghe các ý kiến thảo luận, trên tinh thần nghiêm túc, cầu thị, làm đến đâu báo cáo đến đấy, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng khẳng định, dù không phải là Bộ chủ quan liên quan đến vấn đề doanh nghiệp, doanh nhân, nhưng Bộ VHTTDL luôn đứng bên cạnh các Bộ ngành, địa phương trong việc xây dựng đạo đức kinh doanh. Trong đó, Bộ đóng vai trò lớn trong việc làm rõ nội hàm, xây dựng tiêu chí đạo đức kinh doanh. Tổ chức các cuộc hội thảo, ký cam kết, quy tụ, tạo sân chơi cho các doanh nghiệp trong vấn đề đạo đức kinh doanh.

2e723-1662618752.jpg
Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: Nam Nguyễn

Theo Bộ trưởng, đối với doanh nghiệp, chiến lược phát triển được xác định như là "linh hồn", văn hóa doanh nghiệp đóng vai trò làm phong phú bản sắc, thương hiệu, do đó đây là cuộc vận động lâu dài. Ý thức được điều này và với trăn trở phải làm thế nào, Bộ đã chủ động phối hợp theo chức năng nhiệm vụ của từng đơn vị. Tiêu biểu như Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, đây là cơ quan vận động giai cấp công nhân, rất gần gũi với doanh nghiệp. Trong chương trình phối hợp này có mục tiêu thông qua văn hóa tác động đến nhận thức, làm phong phú thêm đời sống tinh thần của doanh nghiệp, công nhân.

"Nhìn từ góc độ đại dịch COVID-19 chúng ta có thể thấy được sức mạnh của đại đoàn kết dân tộc, chia sẻ của cộng đồng doanh nghiệp trong nước" - Bộ trưởng nói và cho biết, khi Thủ tướng yêu cầu các cơ quan bàn về nguồn quỹ vắc xin thì các doanh nghiệp Việt Nam đã nhiệt tình tham gia. Đó chính là văn hóa, trách nhiệm của các doanh nghiệp Việt Nam đối với vận mệnh của dân tộc. Đây là lý do mà Bộ đã tham mưu xây dựng văn hóa doanh nghiệp, doanh nhân trên hai trụ cột chính là chấp hành quy định pháp luật và trách nhiệm với xã hội.

Chia sẻ về những đặc thù của ngành kinh tế Du lịch, theo Bộ trưởng: "Các doanh nghiệp như Sun Group, Vin Group, Novaland, ngay từ đầu họ không đầu tư vào du lịch nhưng các doanh nhân đã tự rèn luyện, cập nhật vấn đề mới để đưa ngành Du lịch phát triển. Có thể thấy, các doanh nghiệp đã có bước trưởng thành kể từ sau khi Nghị quyết 09 ra đời, riêng doanh nghiệp lĩnh vực du lịch đóng góp 10% GDP. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp du lịch cũng có nhiều giải pháp giúp lan tỏa văn hóa Việt Nam đến du khách quốc tế, trong nước, đây là góc tiếp cận rất mới của ngành chúng tôi".

Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng, các doanh nghiệp không chỉ hướng đến việc tuân thủ các pháp luật trong nước mà phải thực hiện nghiêm túc các cam kết quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Do đó, việc Bộ VHTTDL xây dựng văn hóa doanh nghiệp trên hai trụ cột sẽ giúp đội ngũ doanh nhân của Việt Nam vững tin hơn với môi trường quốc tế. Bởi, suy cho cùng, chính văn hóa doanh nghiệp mới khẳng định thương hiệu của từng doanh nghiệp.

Về nhiệm vụ lâu dài, Bộ trưởng cho rằng, cần phải hoàn thiện thể chế chính sách để các doanh nghiệp tự tin hoạt động. Nếu không đồng bộ về pháp luật thì vô tình chúng ta sẽ làm nhụt chí, triệt tiêu động lực phát triển của doanh nhân, ảnh hưởng đến sự phát triển của đất nước.

Bộ VHTTDL đã chủ động làm nhiều việc, đạt hiệu ứng tốt

Phát biểu kết luận buổi làm việc, ông Đỗ Ngọc An - Phó trưởng ban Kinh tế Trung ương đánh giá cao những kết quả, vai trò của Bộ VHTTDL trong việc thực hiện Nghị quyết 09 của Bộ Chính trị trong thời gian qua.

2e724-1662618753.jpg
Ông Đỗ Ngọc An - Phó trưởng ban Kinh tế Trung ương đánh giá cao những kết quả, vai trò của Bộ VHTTDL trong việc thực hiện Nghị quyết 09. Ảnh: Nam Nguyễn

Theo ông Đỗ Ngọc An, Ban Cán sự Đảng Bộ VHTTDL đã thực hiện tốt nhiệm vụ trên cả hai vai, thứ nhất là tham mưu với Ban Cán sự Đảng Chính phủ ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 09. Thứ hai là tích cực chỉ đạo đội ngũ cán bộ, đảng viên, các đơn vị, các doanh nghiệp thuộc Bộ trong việc xây dựng kế hoạch thực hiện Nghị quyết 09.

Điều đáng ghi nhận là nhận thức của các thành viên Ban cán sự Đảng Bộ VHTTDL về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của Nghị quyết 09 được nâng lên. Qua đó, thấy được ý thức chủ động, tinh thần trách nhiệm của Ban Cán sự Đảng và cơ quan chuyên môn thuộc Bộ trong việc thực hiện có hiệu quả các nội dung của Nghị quyết 09.

"Trong Nghị quyết 09 có nhiệm vụ cụ thể đó là xây dựng các giá trị văn hóa, đạo đức, trách nhiệm xã hội và tinh thần dân tộc trong mỗi doanh nhân. Bộ đã chủ động làm nhiều việc, đạt hiệu ứng tốt như: Cuộc vận động xây dựng văn hóa doanh nghiệp; Ngày văn hóa doanh nhân; Tổ chức diễn đàn thường niên về Ngày văn hóa doanh nhân và Tôn vinh các doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa trong kinh doanh. Đây là những kết quả rất cụ thể và có giá trị" - ông Đỗ Ngọc An nhấn mạnh.

Thay mặt Đoàn công tác của Trung ương, Phó trưởng ban Kinh tế Trung ương cho biết sẽ ghi nhận các ý kiến, đề xuất, kiến nghị của các đại biểu của Bộ VHTTDL tại cuộc họp để hoàn thiện báo cáo của Ban Chỉ đạo Trung ương trong thời gian tới.

Thế Công