Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng tiếp xúc cử tri theo chuyên đề lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch

Tại Hội nghị tiếp xúc, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng đã thông báo đến cử tri tỉnh Kon Tum về dự thảo Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035. Bộ trưởng ghi nhận và trả lời kiến nghị của các cử tri.

quang-canh-buoi-tiep-1706007390.jpg
Quang cảnh buổi tiếp xúc của tri.  Ảnh: H.T

Ngày 22/1, tại thành phố Kon Tum, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cùng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Kon Tum đã có buổi tiếp xúc cử tri theo chuyên đề lĩnh vực văn hoá, thể thao và du lịch.

Bộ trưởng cho biết, trong thời gian qua, lĩnh vực văn hóa nhận được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, nhận thức về vị trí, vai trò của văn hóa đối với sự phát triển bền vững trong các Cấp ủy, chính quyền được nâng lên. 

"Sau thành công của Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và các hoạt động kỷ niệm 80 năm ra đời Đề cương về văn hóa Việt Nam. Nguồn lực đầu tư cho văn hóa từng bước được khơi thông, phù hợp với định hướng phát triển Nghị quyết Đại hội XIII đã đề ra: Tăng đầu tư cho sự nghiệp phát triển văn hóa" - Bộ trưởng chia sẻ.

Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng, cụ thể hoá nội dung này, Kết luận 42-KL/TW tại Hội nghị Trung ương 6 khóa XIII về kinh tế xã hội năm 2022-2023, Nghị quyết của Quốc hội về phát triển kinh tế - xã hội 2023 đặt ra nhiệm vụ: Xây dựng, triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa.

Trên cơ sở đó, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 31/NQ-CP ngày 7/3/2023, Thủ tướng Chính phủ ban hành Công văn số 4040/VPCP-KGVX ngày 2/6/2023 giao Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xây dựng Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hoá trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã chủ trì, phối hợp chặt chẽ với các Ban, Bộ, ngành, địa phương, xây dựng và hoàn thiện Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hoá giai đoạn 2025-2035 theo đúng trình tự, thủ tục quy định của Luật Đầu tư công.

Bộ trưởng thông tin thêm, ngày 22/12/2023, Hội đồng thẩm định do Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT là Chủ tịch Hội đồng đã chủ trì họp thẩm định Chương trình. Hiện nay, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang tích cực tiếp thu, giải trình ý kiến góp ý của các thành viên Hội đồng thẩm định để hoàn thiện, báo cáo Chính phủ trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại Kỳ họp gần nhất.

Theo đó, quan điểm xuyên suốt chương trình đó là: “Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, là mục tiêu, động lực, nguồn lực nội sinh quan trọng của sự phát triển nhanh và bền vững đất nước. Đầu tư cho văn hóa, xây dựng con người là đầu tư cơ bản cho phát triển, tạo ra động lực, nguồn lực để thực hiện khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, dân tộc trường tồn. Chương trình lấy con người là trung tâm, phải tạo ra được bước đột phá trong xây dựng con người và môi trường văn hóa lành mạnh, nâng cao chất lượng cuộc sống, năng lực thụ hưởng và tham gia chủ động vào hoạt động sáng tạo văn hóa của Nhân dân, xây dựng tư tưởng, đạo đức và lối sống lành mạnh, văn minh, góp phần giữ vững trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ môi trường hòa bình, ổn định cho sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước”.

bo-truong-phat-bieu-1706007423.jpg
Bộ trưởng cho biết sẽ kiến nghị với các cấp có thẩm quyền bố trí ngân sách thực hiện chế độ trợ cấp cho các Nghệ nhân ưu tú, Nghệ sĩ Nhân dân.  Ảnh: H.T

Bộ trưởng nhấn mạnh: “Chương trình phải đảm bảo đầu tư phát triển toàn diện, hài hòa giữa các lĩnh vực hoạt động văn hóa; giữa bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống dân tộc và phát triển các giá trị hiện đại; giữa bảo vệ bản sắc dân tộc với tiếp thu có chọn lọc tinh hoa văn hóa nhân loại; Đấu tranh bảo vệ có hiệu quả nền tảng tư tưởng của Đảng trên lĩnh vực văn hóa, văn học nghệ thuật; Phát triển văn hóa phải được tiến hành đồng bộ, thống nhất, có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với điều kiện thực tiễn và theo từng giai đoạn, là trách nhiệm của các cấp, các ngành, từ Trung ương đến địa phương, trong toàn bộ các lĩnh vực, các hoạt động của văn hóa, trong đầu tư, phát triển và hưởng thụ văn hóa”.

Cũng theo Bộ trưởng, chương trình mục tiêu quốc gia về văn hoá gồm 7 mục tiêu tổng quát và 9 nhóm mục tiêu cụ thể. Chương trình có 10 nội dung thành phần, được chia thành 160 chỉ tiêu chi tiết, 41 nhiệm vụ cụ thể, 184 hoạt động chi tiết. Phấn đấu đến 2035 đạt 9 mục tiêu cụ thể: 100% các lĩnh vực của văn hóa được luật hóa với các chính sách lớn về văn hóa; 100% thư viện bảo đảm điều kiện hoạt động; 85% người dân được nghe, xem các kênh phát thanh, kênh truyền hình của quốc gia và địa phương, tiếp cận thông tin qua các xuất bản phẩm và trên internet; Ít nhất 30 di sản văn hóa được UNESCO ghi danh và di tích quốc gia đặc biệt có tiềm năng phát triển du lịch được ưu tiên đẩy mạnh đầu tư phát huy giá trị di sản văn hóa; Hàng năm có khoảng 11-15 tác phẩm, công trình văn hóa, văn học nghệ thuật tầm quốc gia về lịch sử dân tộc, lịch sử đấu tranh cách mạng và công cuộc đổi mới của đất nước; Ít nhất 10 khu, tổ hợp công nghiệp văn hóa, sáng tạo được triển khai; 100% thư viện cấp tỉnh, huyện có khả năng kết nối, tích hợp, liên thông dữ liệu với Thư viện Quốc gia; 100% các cơ sở đào tạo văn hóa, nghệ thuật được trang bị đầy đủ, đồng bộ cơ sở vật chất; Ít nhất 8 sự kiện văn hóa, nghệ thuật tầm quốc tế được tổ chức.

Tại Hội nghị, đã có 8 ý kiến cử tri tỉnh Kon Tum bày tỏ sự quan tâm đến lĩnh vực Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Trong đó, cử tri kiến nghị về việc khó khăn trong tuyển dụng, đào tạo nhân lực lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn; thiếu biên chế đối với công tác quản lý nhà nước về văn hóa cấp xã và công tác bảo vệ khu di tích lịch sử; nguồn kinh phí hoạt động trong lĩnh vực văn hóa còn hạn chế; việc quản lý, sử dụng tài sản công trong lĩnh vực văn hóa còn một số vướng mắc.

Cử tri cũng nêu một số khó khăn trong công tác tuyển dụng, đào tạo nhân lực đối với lĩnh vực nghệ thuật, biểu diễn; khó khăn khi thiếu biên chế đối với công tác quản lý nhà nước về văn hóa và công tác bảo vệ khu di tích lịch sử cấp quốc gia. 

Từ đó, cử tri Kom Tum mong muốn có chính sách ưu tiên cho nghệ nhân, nghệ sĩ và những người làm công tác văn hóa; mong tháo gỡ một số vướng mắc trong việc quản lý, sử dụng tài sản công trong lĩnh vực văn hóa.

Cùng với đó, cử tri kiến nghị đối với Dự án 6 về “Bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch”, được điều chỉnh hỗ trợ kinh phí để mua trang phục, đạo cụ để thực hiện các mô hình thay vì thuê; kiến nghị kéo dài thời gian thực hiện đến hết năm 2024 đối với Nghị định số 94/2021/NĐ-CP của Chính phủ về mức ký quỹ đối với doanh nghiệp lữ hành nhằm hỗ trợ doanh nghiệp phát triển, phục hồi sản xuất kinh doanh. 

"Chúng tôi mong muốn các cấp, ngành quan tâm, thực hiện chế độ đãi ngộ đối với nghệ nhân, nghệ nhân ưu tú, nghệ nhân dân gian; kiến nghị tách Thư viện và Bảo tàng tỉnh ra là hai cơ quan độc lập để thuận lợi trong quá trình hoạt động, nhất là phát triển văn hoá đọc; có giải pháp xử lý tình trạng ô nhiễm tiếng ồn" - cử tri tỉnh Kon Tum bày tỏ.

Ghi nhận các kiến nghị của cử tri, Bộ trưởng cho rằng, các ý kiến, kiến nghị của cử tri chủ yếu về 3 nhóm vấn đề chính: Nhân lực, điều hành hoạt động và vấn đề nguồn lực.

Về nguồn lực, Bộ trưởng cho biết, sẽ điều chỉnh, sớm có Thông tư, Nghị định hướng dẫn thực hiện về vấn đề quản lý, sử dụng tài sản công, Đồng thời, kiến nghị với Chính phủ, các Bộ, ngành liên quan quan tâm kéo dài thời gian thực hiện Nghị định số 94/2021/NĐ-CP; tăng thêm nguồn kinh phí để thực hiện công tác bảo tồn văn hóa truyền thống.

Về việc điều hành hoạt động, Bộ trưởng đề nghị địa phương không thực hiện việc sáp nhập các cơ quan, đơn vị một cách cơ học, xây dựng mô hình tổ chức hoạt động một cách phù hợp; theo thẩm quyền thực hiện xử lý ô nhiễm tiếng ồn theo đúng quy định để xây dựng môi trường văn hóa.

Về vấn đề nhân lực, Bộ trưởng khẳng định sẽ kiến nghị với các cấp có thẩm quyền bố trí ngân sách thực hiện chế độ trợ cấp cho các Nghệ nhân ưu tú, Nghệ sĩ Nhân dân.

tang-qua-1706007550.jpg
Ảnh: H.T
tang-qua-2-1706007569.jpg
Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng tặng quà văn nghệ sĩ là người đồng bào dân tộc thiểu số và trao dụng cụ thể dục thể thao và trang thiết bị điện tử cho các đơn vị lực lượng vũ trang và Công đoàn Văn phòng Tỉnh ủy.  Ảnh: H.T

Nhân dịp này, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng đã trao tặng 20 phần quà (mỗi phần quà trị giá 2 triệu đồng) cho 20 văn nghệ sĩ là người đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Kon Tum; trao 200 suất quà (mỗi suất quà trị giá 1 triệu đồng) cho 200 hộ nghèo trên địa bàn tỉnh Kon Tum; hỗ trợ xây dựng 2 nhà tình nghĩa cho 2 công chức văn hoá xã hội cấp xã có hoàn cảnh khó khăn về nhà ở (70 triệu đồng/1 căn)… Tổng giá trị phần quà là 380 triệu tiền mặt; trao tặng dụng cụ thể dục thể thao và trang thiết bị điện tử nghe, nhìn cho các đơn vị lực lượng vũ trang trên địa bàn tỉnh và Công đoàn văn phòng Tỉnh ủy Kon Tum.

Bảo Trân