Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng: Ngành Du lịch phải có tư duy mới, cách tiếp cận mới

Chiều 28/6, Tổng cục Du lịch, Bộ VHTTDL tổ chức Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm 2023 và công bố Quyết định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cục Du lịch quốc gia Việt Nam. Uỷ viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng và Thứ trưởng Bộ VHTTDL Đoàn Văn Việt dự Hội nghị.

Tại Hội nghị, ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ VHTTDL đã công bố Quyết định số 1536/QĐ-BVHTTDL ngày 15/6 của Bộ trưởng Bộ VHTTDL quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cục Du lịch quốc gia Việt Nam và các quyết định về công tác cán bộ.

anh-1-1688031342.jpg
Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng, Thứ trưởng Đoàn Văn Việt trao quyết định và tặng hoa chúc mừng các cán bộ lãnh đạo Cục Du lịch quốc gia Việt Nam.

Theo đó, Cục Du lịch quốc gia Việt Nam là tổ chức hành chính thuộc Bộ VHTTDL, thực hiện chức năng tham mưu, giúp Bộ trưởng quản lý nhà nước về du lịch và tổ chức thực thi pháp luật về du lịch trên phạm vi cả nước, quản lý các dịch vụ công về du lịch theo quy định của pháp luật.

Cục Du lịch quốc gia Việt Nam có tư cách pháp nhân, có con dấu hình Quốc huy và trụ sở tại Hà Nội, tên tiếng Anh là Viet Nam National Authority of Tourism (VNAT).

Theo cơ cấu tổ chức mới, Cục Du lịch quốc gia Việt Nam sẽ có cục trưởng và các phó cục trưởng. 7 phòng chuyên môn, nghiệp vụ và 2 đơn vị sự nghiệp công lập.

Về quy định chuyển tiếp, Cục Du lịch quốc gia Việt Nam sẽ kế thừa các nhiệm vụ, quyền hạn của Tổng cục Du lịch theo quy định. Quyết định có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2023.

Theo các quyết định về công tác cán bộ, ông Nguyễn Trùng Khánh, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch giữ chức Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam. Các Phó Tổng cục trưởng Hà Văn Siêu, Phạm Văn Thuỷ, Nguyễn Lê Phúc giữ chức Phó Cục trưởng Cục Du lịch quốc gia Việt Nam kể từ ngày 1/7/2023.

Phải có tư duy mới cách tiếp cận mới

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyên Văn Hùng nêu rõ, các chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức mới của Cục Du lịch quốc gia đã được ban hành. Bộ trưởng đề nghị cấp uỷ, lãnh đạo Cục phải quán triệt cho cán bộ, công chức của Cục nắm chắc thẩm quyền, nhiệm vụ được xác định.

anh-2-1688031342.jpg
Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng phát biểu tại hội nghị.

Bộ trưởng cũng yêu cầu phải sắp xếp lại các đơn vị của Cục Du lịch quốc gia theo mô hình mới, gắn liền với việc xây dựng vị trí việc làm, rà soát để tính toán công việc cho từng bộ phận. Bên cạnh đó, phải chủ động tìm kiếm nhân lực chất lượng thông qua nhiều nguồn khác nhau. Các đơn vị cũng phải xây dựng tinh thần đoàn kết nội bộ, triển khai thực hiện nghiêm túc việc xây dựng môi trường văn hóa trong đơn vị.

Bộ trưởng đề nghị lãnh đạo Cục Du lịch quốc gia và các đơn vị phải phát huy vai trò lãnh đạo của tập thể, đồng thời đề cao trách nhiệm cá nhân, không để xảy ra tình trạng né tránh, đùn đẩy, sợ sai, sợ trách nhiệm, không dám làm. Việc của cấp nào cấp đó phải giải quyết "Phòng không được đẩy lên Cục, Cục không được đẩy lên Bộ".

Bộ trưởng nhấn mạnh, chức năng của đơn vị là quản lý nhà nước vì vậy nhiệm vụ quản lý phải được đặt lên hàng đầu.

"Ngay từ đầu nhiệm kỳ, Bộ đã nhấn mạnh việc chuyển tư duy từ làm văn hóa sang quản lý nhà nước về văn hoá, từ làm thể thao sang quản lý nhà nước về thể thao, từ làm du lịch sang quản lý nhà nước về du lịch", Bộ trưởng nói và cho biết chúng ta đang đi đúng hướng và đã đạt được một số kết quả nhất định.

Bộ trưởng lấy ví dụ, từ việc phát hiện điểm nghẽn trong vấn đề xuất nhập cảnh, chúng ta đã tham mưu Chính phủ đề xuất Quốc hội sửa đổi các quy định liên quan đến việc cấp visa và tăng thời gian lưu trú của khách du lịch quốc tế. Đề xuất này được Quốc hội thông qua chỉ trong 1 kỳ họp, điều này cho thấy vai trò tham mưu tốt của Bộ VHTTDL cũng như Tổng cục Du lịch. Bên cạnh đó, chúng ta cũng làm tốt công tác tham mưu để Chính phủ ban hành Nghị quyết số 82 về phát triển du lịch.

anh-3-1688031342.jpg
Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng phát biểu tại hội nghị.

Trong thời gian tới, Bộ trưởng yêu cầu Cục Du lịch quốc gia phải xây dựng một số hoạt động sự nghiệp ở tầm quốc gia, làm tốt công tác quảng bá, xúc tiến du lịch Việt Nam ở nước ngoài và phải làm với tư duy mới. Đồng thời phải biết cách gắn du lịch với điện ảnh, mỹ thuật, triển lãm…

"Tôi yêu cầu phải có tư duy mới và cách tiếp cận mới, không thể làm theo các cách không có hiệu quả. Các đồng chí phải nỗ lực, có mô hình mới thì phải hành động mới, có cách tổ chức khác và chính chúng ta phải làm mới chúng ta", Bộ trưởng nói và nhấn mạnh phải quyết tâm cao nhất đề đưa ngành du lịch phát triển.

Nhiều khả năng vượt mục tiêu đón 8 triệu khách du lịch quốc tế

Tại Hội nghị, báo cáo tình hình thực hiện nhiệm vụ 6 tháng đầu năm 2023 và triển khai nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2023, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Hà Văn Siêu cho biết, với tinh thần "Quyết liệt, hiệu quả, nêu gương, kỷ cương, trách nhiệm", toàn ngành du lịch đã chủ động tìm giải pháp, triển khai thực hiện nhiều nhiệm vụ quan trọng nhằm phục hồi, thúc đẩy phát triển du lịch và đạt được những thành quả nhất định.

6 tháng đầu năm 2023, du lịch Việt Nam đón hơn 5,5 triệu lượt khách quốc tế, gấp hơn 13 lần so với cùng kỳ năm 2022, đạt 69% so với kế hoạch năm 2023; phục vụ trên 64 triệu lượt khách nội địa, tăng 5,3% so với cùng kỳ năm 2022 và đạt 63% so với kế hoạch năm 2023; tổng thu từ khách du lịch đạt 343,1 nghìn tỷ đồng, tăng 29,4% so với cùng kỳ năm 2022 và đạt 52,7% so với kế hoạch năm 2023.

anh-4-1688031342.jpg
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Hà Văn Siêu báo cáo tại hội nghị.

Theo ông Hà Văn Siêu, nhìn chung, việc tổ chức triển khai thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước trên các lĩnh vực của ngành tiếp tục đi vào nền nếp. Trong 6 tháng đầu năm 2023, tập thể lãnh đạo Tổng cục đã đoàn kết, chủ động nghiên cứu, tham mưu đúng, trúng và kịp thời cho lãnh đạo Bộ trong triển khai các vấn đề trọng tâm của ngành, nhờ đó đã thực hiện tốt các nhiệm vụ chính trị thường xuyên cũng như nhiệm vụ đột xuất theo sự chỉ đạo của Chính phủ, của Bộ đảm bảo chất lượng và đúng tiến độ.

Công tác chỉ đạo định hướng các địa phương tổ chức các sự kiện, hoạt động quảng bá điểm đến, triển khai các mô hình liên kết và đảm bảo chất lượng dịch vụ nhằm thu hút khách du lịch trong giai đoạn phục hồi được chú trọng, triển khai kịp thời và có hiệu quả. Sự chủ động, vào cuộc quyết liệt của địa phương cùng với sự đồng hành, sát cánh của doanh nghiệp đã tạo ra nhiều sản phẩm du lịch hấp dẫn, thúc đẩy nhu cầu vui chơi giải trí, mua sắm, tham quan của du khách trong cao điểm du lịch hè 2023.

Dự báo tình hình thời gian tới, ông Hà Văn Siêu cho biết, nhìn chung thị trường khách du lịch quốc tế còn nhiều dư địa để tăng trưởng mạnh trong thời gian tới, nhất là mùa cao điểm cuối năm đang chờ đợi. Đặc biệt khi Việt Nam đã ban hành các chính sách tạo thuận lợi về thị thực và xuất nhập cảnh sẽ là động lực lớn để thu hút khách du lịch quốc tế. Nhiều khả năng ngành Du lịch sẽ đạt và vượt mục tiêu đón 8 triệu khách du lịch quốc tế năm nay.

Tại Hội nghị, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Hà Văn Siêu cũng báo cáo những khó khăn, tồn tại của ngành du lịch thời gian qua; phương hướng, nhiệm vụ trong thời gian sắp tới cũng như các đề xuất, kiến nghị đến lãnh đạo Bộ VHTTDL.

Đẩy mạnh xúc tiến, quảng bá du lịch Việt Nam đến các thị trường

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Đoàn Văn Việt cho biết, 6 tháng đầu năm 2023, lĩnh vực du lịch đã có nhiều cố gắng và thu được những kết quả nhất định. Trong đó, đã tham mưu có hiệu quả đối với Bộ, với Chính phủ để đề xuất Quốc hội thông qua việc thay đổi quy định về cấp visa và thời gian lưu trú với khách quốc tế, qua đó giúp tháo gỡ những điểm nghẽn trong thu hút khách quốc tế, lấy lại lợi thế cạnh tranh với các nước trong khu vực.

anh-5-1688031575.jpg
Thứ trưởng Đoàn Văn Việt phát biểu tại hội nghị.

Bên cạnh đó, chúng ta đã tham mưu để tổ chức hai hội nghị lớn liên tiếp là Hội nghị thúc đẩy thu hút khách du lịch quốc tế và Việt Nam và Hội nghị du lịch toàn quốc lần thứ ba. Kết quả của các hội nghị này là Nghị quyết số 82/NQ-CP của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch hiệu quả, bền vững và hiện chúng ta đang xây dựng kế hoạch triển khai nghị quyết này.

Ngoài ra, ngành du lịch đã tổ chức được nhiều sự kiện mang tầm quốc gia và tham gia nhiều hoạt động quốc tế về xúc tiến du lịch, các hội chợ lớn toàn cầu. Trong đó năm Du lịch quốc gia ở Bình Thuận nằm trong chuỗi các sự kiện của năm 2023 được đánh giá là một trong những năm du lịch quốc gia thành công với những kết quả rõ nét.

Theo Thứ trưởng Đoàn Văn Việt, bên cạnh những kết quả tích cực đã đạt được, ngành du lịch cũng còn một số hạn chế mà một trong hạn chế lớn nhất là công tác xúc tiến, quảng bá du lịch.

Thứ trưởng đề nghị trong thời gian tới, Cục Du lịch quốc gia sẽ phối hợp tốt với Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch để xây dựng các chương trình xúc tiến, quảng bá du lịch đến các thị trường, ngoài các thị trường truyền thống, cần tiếp cận các thị trường mới tiềm năng.

Bên cạnh công tác quản lý nhà nước về du lịch, Cục Du lịch quốc gia cũng cần tăng cường tổ chức các hoạt động quy mô quốc gia và quốc tế.

Cùng với đó, khẩn trương tham mưu để lãnh đạo Bộ ký ban hành kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 82 của Chính phủ, cũng như phát triển kinh tế đêm để thúc đẩy phát triển du lịch.

anh-6-1688031575.jpg
Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh phát biểu tại hội nghị.

Trân trọng tiếp thu các ý kiến chỉ đạo của Bộ trưởng và Thứ trưởng, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh cam kết sẽ triển khai thực hiện các nhiệm vụ theo đúng định hướng mà lãnh đạo Bộ giao cho đơn vị. Trong đó, khi có mô hình mới, phải thay đổi tư duy, cách làm để đạt hiệu quả.

"Trong thời gian tới Cục Du lịch quốc gia Việt Nam sẽ phát huy tất cả những kết quả, thành tựu đã đạt được, có giải pháp khắc phục những tồn tại, hạn chế và làm tốt công tác tham mưu cho lãnh đạo Bộ trong công tác quản lý nhà nước về du lịch, để ngành du lịch Việt Nam sẽ có được những kết quả tích cực hơn, tốt đẹp hơn nữa, đáp ứng sự kỳ vọng của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, lãnh đạo Bộ và toàn thể nhân dân", ông Nguyễn Trùng Khánh nói.

X.Trường