Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng: Bộ hướng dẫn, Sở đồng hành vì một sứ mệnh chung

Tại Hội nghị sơ kết công tác Văn hóa, Thể thao và Du lịch 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2025, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cho rằng, Hội nghị đã diễn ra trên tinh thần cầu thị, nghiêm túc để thấy được những mặt đã làm được và cùng bền gan, vững chí; thấy được và cùng nhau tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc.

z6814021667658-a1cec223af02fe7db453c0da1f1854ed-1752744339.jpg
Toàn cảnh Hội nghị

Tháo gỡ những nút thắt về cơ chế, chính sách

Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng ghi nhận những ý kiến phát biểu chất lượng của các đại biểu, tỉnh, thành, Bộ sẽ tiếp thu và tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện, bổ sung các nhóm nhiệm vụ trong thời gian tới.

Bộ trưởng cũng nhấn mạnh: Các sự kiện, hoạt động văn hóa, thể thao lớn đã góp phần nâng cao nhận thức của Đảng, Nhà nước và Nhân dân về vai trò của văn hóa. Văn hóa được xác định là một trong những trụ cột quan trọng của sự phát triển, được Đảng và Nhà nước đặc biệt coi trọng; cùng với đó, khẳng định được vai trò, vị trí trong sự phát triển của đất nước.

Đặc biệt, Hội nghị được tổ chức lần này càng có ý nghĩa hơn khi diễn ra trong bối cảnh đất nước vừa xác lập địa giới hành chính mới với 34 tỉnh/thành, nhiều Sở Văn hóa và Thể thao, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch trên cả nước cũng được kiện toàn, có nhiều cán bộ tiếp tục công tác trong Ngành nhưng cũng có nhiều đồng chí được điều động, phân công sang các lĩnh vực mới.

Nhìn vào bức tranh toàn cảnh của Ngành trong những năm qua, đặc biệt là trong 6 tháng đầu năm 2025, Bộ trưởng cho rằng, có nhiều niềm vui và phấn khởi. Thông qua các hoạt động thực tiễn, toàn Ngành đã giúp cho các cấp ủy, chính quyền, Nhân dân nhận thức ngày càng sâu sắc hơn, cụ thể hơn trên tinh thần văn hóa là nền tảng, thể thao là sức mạnh, thông tin là mạch dẫn và du lịch là nhịp cầu kết nối.

Để có được những kết quả đó là do toàn Ngành đã thay đổi tư duy, tiếp cận theo hướng từ làm văn hóa sang quản lý Nhà nước về văn hoá, kiến tạo chính sách thông qua công cụ quản lý Nhà nước.

Đánh giá cao các kết quả đã đạt được trong 6 tháng qua, Bộ trưởng nhấn vào những điểm sáng. Đó là công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế. Bộ đã tập trung rà soát để thấy được những khoảng trống, điểm nghẽn để kịp thời tháo gỡ về thể chế nhằm kiến tạo cho sự phát triển. Nêu dẫn chứng cụ thể, Bộ trưởng phân tích, chẳng hạn với lĩnh vực du lịch, nếu để lĩnh vực này phát triển thì chỉ tiền thôi là không đủ mà cần phải tháo gỡ những nút thắt về cơ chế, chính sách.

z6814021662914-9fcf467af8a45b508250a7710773f8f4-1752744339.jpg
Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho rằng, cần định vị thương hiệu văn hóa, thể thao và du lịch riêng cho từng tỉnh

Chẳng hạn trong việc sửa đổi Luật Đất đai, cần phải quy định cụ thể những gì thuộc về thiết chế văn hoá - thể thao để tạo dư địa cho du lịch phát triển. Việc sửa đổi Luật Điện ảnh, Luật Di sản văn hóa vừa qua cũng đã được sửa theo hướng phân cấp, phân quyền mạnh mẽ, đúng trọng tâm theo tinh thần địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm. Những việc này khẳng định được chức năng quản lý Nhà nước của Bộ và đảm bảo bộ máy quản lý vận hành thông suốt.

Bên cạnh đó, ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng đã biết chọn việc, chọn điểm để tham mưu và được Đảng, Nhà nước tin tưởng giao phó tổ chức nhiều sự kiện quy mô cấp quốc gia, khu vực để quảng bá hình ảnh của Việt Nam ra thế giới. Từ nghệ thuật và bằng nghệ thuật để truyền đi thông điệp về hình ảnh tươi đẹp của đất nước tới bạn bè thế giới.

Điểm sáng nữa theo Bộ trưởng đó là sự tăng trưởng của ngành Du lịch với cách làm sáng tạo hơn đã tổ chức các tour, tuyến hấp dẫn du khách. “Chúng ta làm việc nhỏ bằng tình yêu lớn, từ đó đã giúp tổng lượng khách quốc tế trong 6 tháng đầu năm 2025 đạt hơn 10,6 triệu lượt, tăng 20,7% so với cùng kỳ, góp phần vào tăng trưởng của đất nước 6 tháng đầu năm”, Bộ trưởng đánh giá.

Trong bối cảnh đất nước xác lập địa giới hành chính mới và thực hiện chính quyền địa phương 02 cấp nên trong Hội nghị ngày hôm nay đã vắng mặt những cán bộ có thời gian cống hiến, đóng góp cho Ngành nhưng nay đã sang vị trí công tác mới. Điều này đã được Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng ghi nhận bằng văn hóa biết ơn: “Để có được kết quả ngày hôm nay là do sự nỗ lực, cố gắng của các thế hệ cán bộ ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch”.

z6814021684502-d721bcdef77c71070781e7ece9902340-1752744339.jpg
Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng tặng Cờ thi đua cho 11 đơn vị dẫn đầu trong phong trào thi đua

Bộ hướng dẫn, Sở đồng hành vì một sứ mệnh chung

Biểu dương những kết quả đã đạt được, Bộ trưởng cũng không quên lưu ý toàn Ngành về những khó khăn, thách thức khi không gian mới được mở ra. Vậy chúng ta phải làm thế nào để nhận diện cho đúng về sức mạnh nội sinh của văn hoá, về các giá trị cốt lõi, tiêu biểu?

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng đề nghị: Thời gian tới, các đơn vị tiếp tục phát huy tinh thần chủ động, đổi mới, linh hoạt, bám sát chỉ đạo của Trung ương, Chính phủ, UBND..., cùng hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ được giao. Trước hết, cần quán triệt rõ định hướng chung, tăng tốc, bứt phá, hoàn thành toàn diện Kế hoạch công tác năm 2025, phối hợp chặt chẽ với Bộ theo hướng: “Phân cấp rõ, phối hợp chặt, tăng tính tự chủ và trách nhiệm giải trình”.

Trong đó tập trung vào 5 nhóm nhiệm vụ trọng tâm như: Tái cấu trúc hệ thống quản lý Ngành sau sáp nhập; cần thống nhất mô hình tổ chức Sở theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; ổn định nhân sự theo đặc điểm vùng miền và thực tiễn phát triển; rà soát chức năng, nhiệm vụ phù hợp với mô hình 02 cấp chính quyền theo các Nghị định 137 và 138/NĐ-CP; kiến tạo bản sắc địa phương trên nền tảng văn hóa đa vùng miền. Mỗi địa phương cần có chiến lược tích hợp các giá trị di sản, điểm đến, lễ hội... sau sáp nhập, đồng thời xây dựng các mô hình điểm như: “Địa bàn văn hóa tiêu biểu”, “Gia đình hạnh phúc”, “Làng du lịch cộng đồng” để dẫn dắt chuyển đổi.

z6814021678277-fdbd1942f1c21e5c899af57820605f38-1752744339.jpg
Cục trưởng Cục Thể dục thể thao Việt Nam Nguyễn Danh Hoàng Việt phát biểu tại Hội nghị

Cùng với đó, định vị thương hiệu văn hóa, thể thao và du lịch riêng cho từng tỉnh. Cần xây dựng các khẩu hiệu, biểu trưng thể hiện bản sắc - hiện đại - hội nhập thể hiện tinh thần đổi mới sau sáp nhập; phấn đấu mỗi tỉnh có ít nhất một sản phẩm mang tính biểu tượng quốc gia và một sự kiện mang tầm khu vực vào năm 2026; đồng hành cùng Bộ để hoàn thành 10 nhóm nhiệm vụ trọng tâm toàn Ngành. 34 tỉnh, thành cần hành động theo tinh thần “Bộ dẫn hướng - Sở đồng hành - Một sứ mệnh chung”, đồng thời mạnh dạn đề xuất các mô hình, sáng kiến để Bộ xem xét, nhân rộng.

Đặc biệt, đổi mới tư duy điều hành, quản lý và truyền thông tại địa phương. Mỗi Giám đốc Sở cần thể hiện vai trò “nhạc trưởng” - hiểu vùng, dẫn dắt đội ngũ, tạo cảm hứng và để lại dấu ấn; áp dụng tư duy “Chính phủ kiến tạo, phục vụ” trong cải cách hành chính, dịch vụ công trong các lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch, và tăng cường truyền thông số để xây dựng hình ảnh địa phương như một “thương hiệu số” nổi bật trong hệ sinh thái văn hóa, thể thao và du lịch quốc gia.

Bùi Lượng