Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo 'khẩn' kiểm tra các cơ sở giáo dục mất an toàn thực phẩm

Tối 21/11, Bộ Giáo dục và Đào tạo có công văn gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc tăng cường chỉ đạo công tác bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm trong các cơ sở giáo dục.

ichool-1669087977.jpg
44 học sinh được đưa vào viện cấp cứu tại khoa nhi và khoa tổng hợp thần kinh, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa. Ảnh: TTXVN

Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, thời gian vừa qua, công tác bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm trong các cơ sở giáo dục đã được các địa phương quan tâm và kịp thời chỉ đạo, tạo sự chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, tại một số cơ sở giáo dục vẫn xảy ra tình trạng không bảo đảm an toàn thực phẩm khi tổ chức bữa ăn học đường cho trẻ em và học sinh, sinh viên, gây hậu quả nghiêm trọng.

Nhằm bảo đảm sức khỏe, tính mạng cho người học khi tổ chức bữa ăn học đường, Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở y tế, UBND các quận, huyện, thị xã, thành phố phối hợp với các cơ quan liên quan tại địa phương hướng dẫn, chỉ đạo các các cơ sở giáo dục trên địa bàn tăng cường các biện pháp bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm, cụ thể như sau:

Thực hiện nghiêm túc các quy định của Luật An toàn thực phẩm, Nghị định số 155/2018/NĐ-CP ngày 12/11/2018 của Bộ Y tế sửa đổi, bổ sung một số quy định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc phạm vi quản lý nhà nước của bộ Y tế (Lĩnh vực an toàn thực phẩm), Thông tư liên tịch số 08/2008/TTLT-BYT-BGDĐT ngày 08/7/2008 của Bộ Y tế và Bộ GD&ĐT hướng dẫn công tác bảo đảm vệ sinh an toàn tực phẩm trong các cơ sở giáo dục, Thông tư liên tịch số 13/2016/TTLT-BYT-BGDĐT ngày 12/5/2016 của Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Y tế quy định về công tác y tế trường học, Chỉ thị số 4316/CT-BGDĐT ngày 12/10/2018 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về tăng cường công tác bảo đảm an toàn thực phẩm trong các cơ sở giáo dục và các văn bản, tài liệu hướng dẫn hiện hành của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Y tế về bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm.

Các địa phương phải tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ quản lý giáo dục (nhấn mạnh vai trò, trách nhiệm người đứng đầu cơ sở giáo dục), giáo viên, nhân viên nhà trường, học sinh và cha mẹ học sinh về việc bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm, phòng chống các dịch bệnh lây truyền qua thực phẩm và ngộ độc thực phẩm.

Các cơ sở giáo dục phải kiểm soát chặt chẽ nguồn gốc thực phẩm và các khâu: chế biến, bảo quản, vận chuyển thực phẩm trong các cơ sở giáo dục; tuân thủ quy trình giao nhận, kiểm thực ba bước, lưu mẫu thực phẩm theo đúng quy định. Sử dụng thực phẩm đã được nấu chín và nước đã được đun sôi. Nghiêm cấm không để các cơ sở sản xuất, cung cấp thực phẩm không đảm bảo đầy đủ các quy định về an toàn thực phẩm, không có Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm cung cấp thực phẩm hoặc suất ăn cho các trường học.

Các cơ sở cũng cần tăng cường công tác y tế, vệ sinh môi trường trường học để phòng chống và ngăn chặn các bệnh lây truyền do nguồn nước không bảo đảm; huy động đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục, học sinh, sinh viên tham gia vệ sinh khuôn viên sân trường, khơi thông cống rãnh, thu gom rác thải xung quanh sân trường, vệ sinh khử khuẩn lớp học. Lập kế hoạch duy trì các hoạt động bảo hành, bảo dưỡng các công trình nước sạch, vệ sinh trong các cơ sở giáo dục.

Nhà trường tăng cường phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường, gia đình và chính quyền địa phương trong việc giáo dục, hướng dẫn trẻ em, học sinh thực hiện các quy định về an toàn thực phẩm, vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường. Bảo đảm dinh dưỡng hợp lý kết hợp với tăng cường hoạt động thể lực phù hợp với độ tuổi, thể trạng của trẻ em, học sinh và điều kiện của gia đình trẻ em, học sinh để nâng cao sức khỏe, phòng, chống dịch bệnh và các bệnh không lây nhiễm.

Các ban, ngành tăng cường thanh tra, kiểm tra liên ngành Giáo dục - Y tế, huy động sự tham gia của Ban đại diện cha mẹ học sinh nhà trường trong việc giám sát công tác chăm sóc sức khỏe học sinh, an toàn thực phẩm, vệ sinh trường học tại các cơ sở giáo dục; phát hiện và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm về an toàn thực phẩm, điều kiện vệ sinh trong trường học nhằm bảo đảm sức khỏe cho trẻ em, học sinh.

Trước đó, Trường Ischool Nha Trang tổ chức học bán trú cho hơn 800 học sinh và ký hợp đồng với hộ kinh doanh Bùi Phúc Lam ở đường Hai Bà Trưng cung cấp suất ăn cho học sinh. Ngày 17/11, học sinh của trường dùng bữa trưa với cơm, thịt gà luộc xé, rau, sốt làm từ trứng và dầu ăn. Khi trở về nhà, nhiều em có triệu chứng sốt, buồn nôn, đau bụng, tiêu chảy, phụ huynh phải đưa đi cấp cứu.

Đã có một học sinh chuyển biến xấu, tử vong sáng 20/11 trên đường chuyển viện từ Nha Trang đến Thành phố Hồ Chí Minh. 

Sau sự việc, Cục An toàn Thực phẩm, Bộ Y tế yêu cầu Sở Y tế Khánh Hòa tạm thời đình chỉ hoạt động bếp ăn của trường. Cục yêu cầu cơ quan chức năng tỉnh Khánh Hòa truy xuất nguồn gốc thực phẩm, lấy mẫu thực phẩm nghi ngờ để xét nghiệm các chỉ tiêu an toàn thực phẩm và xử lý nghiêm theo quy định pháp luật khi phát hiện vi phạm. UBND tỉnh Khánh Hòa chỉ đạo các đơn vị liên quan vào cuộc điều tra, sớm làm rõ nguyên nhân.

Cũng trong Ngày 21/11, Cục Quản lý Khám, Chữa bệnh (Bộ Y tế) đã có văn bản gửi Bệnh viện Bạch Mai, Viện Pasteur Nha Trang, Sở Y tế tỉnh Khánh Hòa đề nghị hỗ trợ tỉnh Khánh Hòa xử trí các trường hợp ngộ độc hàng loạt nêu trên.

Vân Lê