Hội thảo được tổ chức tại Hà Nội và kết nối trực tuyến với thành phố Huế. Đây là hội thảo thứ 2 trong khuôn khổ dự án được thực hiện theo thỏa thuận đã ký kết giữa UNESCO và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vào tháng 9/2021.
Hội thảo nhằm mục đích trình bày và xác nhận các kết quả của dự án cũng như giới thiệu những phát hiện chính thu được từ quá trình thu thập và phân tích các chỉ số dựa trên phương pháp của bộ Chỉ số Văn hóa|2030. Các đại biểu tham dự được mời đóng góp ý kiến phản hồi về các kết quả của dự án cũng như những khuyến nghị chính sách được phát hiện dựa trên các kết quả này.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, PGS.TS Nguyễn Thị Thu Phương - Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam - cho biết, từ thời điểm hội thảo khởi động dự án được tổ chức vào tháng 11/2021 đến nay là khoảng thời gian nỗ lực và cố gắng không ngừng nghỉ của nhóm triển khai dự án ở cả cấp quốc gia và tại thành phố Huế, cùng với sự hợp tác, hỗ trợ tích cực của rất nhiều cơ quan, tổ chức và cá nhân các chuyên gia trong nước và quốc tế.
Theo PGS.TS Nguyễn Thị Thu Phương, Chỉ số Văn hóa|2030 của UNESCO là một khung chỉ số chuyên đề nhằm đo lường và giám sát tiến độ đóng góp của văn hóa trong việc triển khai các Mục tiêu thuộc Chương trình Nghị sự 2030 vì Sự Phát triển Bền vững tại cấp quốc gia và địa phương.
Với 22 chỉ số được chia thành 4 nhóm bao quát các phương diện quan trọng nhất của phát triển bền vững, từ môi trường đến kinh tế và xã hội, bộ chỉ trong số Văn hóa|2030 giúp đánh giá vai trò của văn hóa, vừa như một lĩnh vực độc lập và vừa như một thành tố xuyên suốt trong các lĩnh vực khác. Việc triển khai dự án được thực hiện theo các phương pháp và nguyên tắc mà UNESCO đề ra, đặc biệt là việc đảm bảo sự liên kết các nguồn dữ liệu do các cơ quan, đơn vị khác nhau nắm giữ.
PGS.TS Nguyễn Thị Thu Phương cho biết, để đảm bảo nguyên tắc này, nhóm triển khai dự án của Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam đã phối hợp với các đơn vị liên quan để thu thập và xử lý các dữ liệu định lượng và định tính cần thiết cho 22 chỉ số, bao gồm: đầu tư cho di sản, quản lý di sản bền vững, thích nghi và ứng phó với biến đổi khi hậu, thiết chế văn hóa, đóng góp của văn hóa vào GDP, việc làm trong lĩnh vực văn hóa các doanh nghiệp văn hóa, chi tiêu của hộ gia đình cho văn hóa, kinh doanh hàng hóa và dịch vụ văn hóa, đầu tư công cho văn hóa, quản trị văn hóa, giáo dục văn hóa-nghệ thuật, giáo dục vì phát triển bền vững, giáo dục đa ngôn ngữ, đào tạo văn hóa, văn hóa vì sự gắn kết xã hội, tự do nghệ thuật, tiếp cận văn hóa, tham gia văn hóa và các quá trình tham gia.
Với nguyên tắc và phương pháp xuyên suốt của Bộ chỉ số Văn hóa|2030, các kết quả của dự án có được là nhờ sự đóng góp, chia sẻ về tri thức và chuyên môn của rất nhiều tổ chức, cơ quan, và cá nhân các chuyên gia thống kê, chuyên gia văn hóa.
"Chúng tôi một lần nữa mong muốn có được sự ủng hộ của quý vị đại biểu thông qua việc phản hồi và đóng góp ý kiến về các kết quả của dự án cũng như những khuyến nghị chính sách được phát triển dựa trên các kết quả này.
Đặc biệt, những phản hồi quý báu của quý vị sẽ giúp nâng cao chất lượng của các sản phẩm dự án, từ đó giúp Việt Nam có thể đóng góp hiệu quả hơn vào bức tranh chung về hiện trạng văn hóa toàn cầu được trình bày trong báo cáo toàn cầu của dự án Chỉ số Văn hóa|2030 sẽ được công bố tại Hội nghị Thế giới về Chính sách văn hóa và Phát triển Bền vững của UNESCO (Mondiucult 2022) diễn ra vào ngày 28 và 29/9 tại Mexico", PGS.TS Nguyễn Thị Thu Phương nói.
Phát biểu chào mừng Hội thảo, Phó Tổng Giám đốc phụ trách văn hóa của UNESCO Emesto Ottone R. nhấn mạnh ý nghĩa của những kết quả thực hiện Dự án. Đây sẽ là dữ liệu hình thành cái nhìn tổng quan toàn cầu về những đóng góp của văn hóa trong sự phát triển chung. Trong khi đó, Phó trưởng Ban Hợp tác, Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam Jesús Lavina khẳng định ý nghĩa của Bộ Chỉ số Văn hóa|2030 của UNESCO, đặc biệt trong việc cho biết sự tiến bộ của văn hóa, đóng góp của văn hóa đối với phát triển, hướng đến mục tiêu phát triển bền vững. Dự án thu thập được nhiều dữ liệu hữu ích cho bộ chỉ số này.
Phát biểu tại Hội thảo, bà Nguyễn Phương Hòa, Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho rằng, trong những nỗ lực của Việt Nam nhằm thực hiện các mục tiêu thiên niên kỷ, chúng ta đã phát hiện ra những thiếu sót về vai trò của văn hóa trong xây dựng các chỉ tiêu, đóng góp của các chỉ số văn hóa vào đời sống kinh tế. Dựa trên kết quả dự án thí điểm này, sẽ xây dựng bộ chỉ số văn hóa quốc gia vì sự phát triển bền vững.
Theo bà Nguyễn Phương Hòa, dự án đã cung cấp phương pháp luận, hiện trạng đóng góp của văn hóa ở cơ sở cũng như tăng cường năng lực cho đội ngũ chuyên gia để từ đó xây dựng bộ chỉ số quốc gia trong giai đoạn 2.
"Mong rằng sau dự án, không chỉ Huế mà các tỉnh, thành khác cũng sẽ tham gia, cùng đánh giá vị trí của văn hóa trong sự phát triển kinh tế xã hội của địa phương thông qua chính sách hỗ trợ vì mục tiêu phát triển bền vững", bà Nguyễn Phương Hòa bày tỏ.
Tại Hội thảo, TS Nguyễn Thị Thu Hà, chuyên gia khu vực của UNESCO đã trình bày tóm tắt các Báo cáo Quốc gia và TP Huế nhằm mục đích khuyến khích phản hồi từ các bên lên quan đến xác nhận kết quả của dự án; Tổng quan về những thách thức và cơ hội chính của việc thực hiện dự án.
TS Nguyễn Thị Thanh Hoa, điều phối viên Quốc gia trình bày Hồ sơ văn hóa của Việt Nam và những phát hiện chính theo từng khía cạnh và chỉ số; Các khuyến nghị chính sách trong Báo cáo Quốc gia để tìm kiếm sự xác nhận từ các bên liên quan.
TS Nguyễn Thị Tâm Hạnh, điều phối viên cấp thành phố đã trình bày Hồ sơ văn hóa của thành phố và những phát hiện chính theo từng khía cạnh và chỉ số và các khuyến nghị chính sách trong Báo cáo Thành phố để tìm kiếm sự xác nhận từ các bên liên quan.
Các chuyên gia cũng thảo luận về kết quả dự án cấp quốc gia và cấp thành phố và về triển vọng hợp tác về thống kê văn hóa giữa UNESCO và Việt Nam sau dự án thí điểm Bộ Chỉ số Văn hóa|2030.
Kết luận hội thảo, PGS.TS Nguyễn Thị Thu Phương tóm tắt những đóng góp của văn hóa vào phát triển bền vững và giá trị gia tăng từ việc thực hiện Bộ Chỉ số Văn hóa|2030 của UNESCO, thúc đẩy việc phổ biến kết quả để khuyến khích hành động chính sách và vận động các cam kết từ các bên liên quan để hỗ trợ việc thực hiện trong tương lai với trọng tâm là tăng cường thu thập, đo lường dữ liệu và giám sát cho lĩnh vực văn hoá.