Chiều 14/9, tại thành phố Hội An (tỉnh Quảng Nam), Cục Di sản Văn hóa phối hợp với Văn phòng UNESCO tại Việt Nam và Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An tổ chức hội thảo với chủ đề "Bảo tồn và phát huy giá trị các khu di sản thế giới tại Việt Nam trong bối cảnh hậu COVID-19 và quản lý di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới ở Việt Nam theo Công ước Di sản Thế giới".
Tham dự hội thảo có Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hoàng Đạo Cương; đại diện Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia, Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam, Văn phòng UNESCO tại Việt Nam, các Ban/Trung tâm quản lý di sản thế giới, các cơ quan nghiên cứu Trung ương và các chuyên gia, các nhà khoa học Trung ương và địa phương…
Hội thảo nhằm đánh giá thực trạng quản lý các khu di sản thế giới tại Việt Nam trong thời gian qua; đề xuất giải pháp bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới trong bối cảnh hậu COVID-19; đồng thời tiếp cận các xu thế mới của thế giới trong quản lý, bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới. Hội thảo cũng đặt ra những vấn đề trong hoạt động bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới ở Việt Nam trong bối cảnh hiện nay, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững.
Hội thảo cũng là hoạt động kỷ niệm 50 năm Công ước UNESCO năm 1972 về Bảo vệ Di sản Văn hóa và Thiên nhiên Thế giới ở Việt Nam, hướng tới mục tiêu Việt Nam ứng cử vào Ủy ban Di sản thế giới giai đoạn 2023-2027.
Đề xuất những giải pháp hữu hiệu, khả thi
Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hoàng Đạo Cương cho biết, Việt Nam tham gia Công ước Bảo vệ Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới vào năm 1987. Đến nay, chúng ta có 8 Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới được UNESCO công nhận.
Theo Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, có thể khẳng định, các di sản thế giới này đã được các địa phương quản lý, bảo vệ bền vững nhằm trao truyền lại cho thế hệ tương lai theo đúng tinh thần Công ước Di sản Thế giới, cũng như pháp luật về di sản văn hóa. Tuy nhiên, hoạt động quản lý, bảo vệ, phát huy giá trị di sản thế giới vẫn chưa thực sự tương xứng và đáp ứng yêu cầu của thực tiễn; di sản vẫn đang đối mặt với nhiều nguy cơ, thách thức, trong đó có ảnh hưởng đại dịch COVID-19…
Ở khía cạnh quốc tế, Việt Nam sẽ ứng cử vào Ủy ban Di sản thế giới nhiệm kỳ 2023-2027 nhằm tiếp tục khẳng định vai trò và uy tín trong việc quản lý, bảo vệ các di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới; đồng thời có cơ hội tham gia sâu rộng hơn vào mạng lưới các tổ chức chuyên môn, chuyên gia trên thế giới để học hỏi, chia sẻ các tri thức, kinh nghiệm trong lĩnh vực bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa.
"Để từng bước giải quyết những tồn tại, hạn chế trong hoạt động quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị các di sản thế giới tại Việt Nam, đòi hỏi công tác này phải được tiếp cận liên ngành và giải quyết từ nhiều góc độ khác nhau. Do đó, tôi đánh giá cao mục tiêu của hội thảo khoa học lần này với nội dung chính là đề xuất các giải pháp cũng như xu thế mới trong công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di sản thế giới tại Việt Nam trong bối cảnh hậu COVID-19, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững…", Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương nhấn mạnh.
Ông Trần Văn Tân - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam - cho biết, tỉnh Quảng Nam có 3 di sản văn hóa thế giới được UNESCO vinh danh, gồm: Đô thị cổ Hội An, Khu đền tháp Mỹ Sơn và Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm - Hội An. Ngoài ra, còn có Nghệ thuật Bài chòi được vinh danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Với những giá trị đặc sắc, nổi bật toàn cầu của những di sản này, Quảng Nam nói chung, Hội An nói riêng đã khẳng định là một trong những trung tâm du lịch nổi tiếng của cả nước và khu vực; được thế giới bình chọn nhiều danh hiệu cao quý ở lĩnh vực du lịch. Tuy nhiên, hơn 2 năm qua, COVID-19 đã tác động rất lớn, tiêu cực đến toàn bộ hoạt động du lịch của tỉnh Quảng Nam.
"Hội thảo là dịp hiếm có để các cơ quan, đơn vị, các nhà nghiên cứu, nhà khoa học, nhà quản lý, nhà hoạt động thực tiễn cùng nhau trao đổi, đề xuất những giải pháp hữu hiệu, khả thi, sát đúng nhằm bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới ở Việt Nam trong bối cảnh hậu COVID-19", ông Trần Văn Tân cho biết.
Ứng phó với các thách thức
Theo bà Phạm Thị Thanh Hường - Trưởng Ban Văn hóa của UNESCO tại Việt Nam, khảo sát nhanh của Trung tâm Di sản Thế giới cho thấy hơn 90% các khu di sản thế giới đã buộc phải đóng cửa vào giữa khủng hoảng dịch bệnh năm 2020. Tình trạng này xảy đến muộn hơn với Việt Nam nhưng kéo dài hơn tới cuối năm 2021.
Trong khi đại dịch đang dần qua đi, thách thức lớn hơn đang đến với hầu hết các khu di sản khi hiệu ứng lò xo trong các hoạt động du lịch, tham quan, khai thác dịch vụ bật trở lại.
Bà Phạm Thị Thanh Hường cho rằng, chúng ta đang phải đối mặt với nguy cơ của hai thách thức nổi bật đã nhắc tới trước đại dịch (đó là dung hòa giữa bảo tồn và phát triển, cùng tác động của biến đổi khí hậu đang diễn ra với tốc độ ngày càng nhanh), nhưng dưới những tác động phức tạp hơn nữa của các yếu tố có nguy cơ tác động tiêu cực từ các hiệu ứng lò xo: sự bùng nổ nhu cầu du lịch sau giai đoạn giãn cách xã hội, sự thiếu hụt chưa kịp bù đắp nguồn nhân lực, khả năng thích nghi, thích ứng và các biện pháp ứng phó, sự cạn kiệt về nguồn lực sau thời gian dài hạn chế mở cửa…
"UNESCO đánh giá cao hội thảo này, coi đây là một bằng chứng tiếp tục thể hiện sự cam kết của các cơ quan quản lý di sản Việt Nam trong việc thúc đẩy cơ hội chia sẻ kinh nghiệm, tham vấn y kiến của các chuyên gia và nghiên cứu các giải pháp, mô hình quản lý, bảo tồn thích ứng với bối cảnh đầy biến động và thử thách mới", bà Phạm Thị Thanh Hường chia sẻ.