Billiards Việt Nam bị châu Á phạt nặng, diễn tiến mới: Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội được báo cáo gì?

Nhiều câu hỏi cần phải trả lời phía sau án phạt cấm thi đấu 6 tháng gây sốc mà Liên đoàn Billiards châu Á (ACBS) đưa ra với Billiards Việt Nam, cả về pháp lý lẫn thực tế. Càng đáng nói hơn là tại sao ACBS chỉ cấm Việt Nam?

eb275481-a6cc-443e-8b0b-a2ab9005114a-1722368940215607860163-1722411445.webp
Giải Open Pool Championship

ACBS cấm dựa trên cơ sở pháp lý nào?

Theo thông báo từ Liên đoàn Billiards châu Á (ACBS) gửi Liên đoàn Billiards và Snooker Việt Nam (VBSF) hôm 13/7, tất cả quan chức, vận động viên, huấn luyện viên, thuộc VBSF sẽ bị cấm dự, tham gia hoặc tổ chức bất kỳ sự kiện, giải đấu hay hoạt động nào liên quan đến Billiards ở châu Á, ở các nội dung pool, snooker và các Đại hội Thể thao khu vực, châu lục thuộc phạm vi quản lý của ACBS, trong đó có Đại hội Thể thao trong nhà và Võ thuật châu Á. Cụ thể, quan chức, vận động viên, huấn luyện viên sẽ bị cấm tham gia các hoạt động, giải đấu của châu Á và quốc tế trong 6 tháng, từ ngày 13/6/2024 tới hết ngày 12/1/2025.

Lý do của án phạt được cho là Việt Nam đã tổ chức một giải không được ACBS cấp phép: giải Hà Nội Open Pool Championship vào tháng 10/2023. Ngoài ra, Hà Nội cũng cấp phép tiếp tục tổ chức giải pool kể trên vào tháng 10/2024 và chặng đấu PBA (Hiệp hội Billiards chuyên nghiệp của Hàn Quốc) trước 2 tháng. 

Câu hỏi mấu chốt nhất là liệu những giải như Hà Nội Open Pool Championship - một giải thi đấu thể thao quần chúng quốc tế - có buộc phải xin phép ACBS? ACBS có quyền cấm và lệnh cấm của ACBS có phù hợp với luật pháp Việt Nam và các quy định của Hiến chương Olympic, Hội đồng Olympic châu Á (OCA)?

Chúng tôi đã tham khảo ý kiến luật sư và được nhận những phân tích dựa trên các quy định của văn bản luật Việt Nam hiện hành. “Giải thi đấu thể thao quần chúng quốc tế là giải thi đấu thể thao được tổ chức tại Việt Nam có sự tham dự của các vận động viên là người nước ngoài do cơ quan, tổ chức Việt Nam mời”, điều 9 Thông tư 09/2012/TT-BVHTTDL nêu rõ. 

Và theo luật Thể dục thể thao sửa đổi bổ sung năm 2018, quy định ở khoản 5 điều 1: UBND các cấp quyết định tổ chức giải thi đấu thể thao quần chúng của địa phương mình. 

Theo luật sư này, việc Hà Nội Open Pool Championship được cấp phép bởi Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội là hoàn toàn đúng thẩm quyền. Điều 9 thông tư 09/2012/TT-BVHTTDL và luật Thể dục thể thao cũng giải thích, tại sao trong nhiều năm qua, chưa cần chờ tới PBA Hà Nội Open hoặc Hà Nội Open Pool Championship, Thể thao Việt Nam đã có những giải đấu billiards phong trào mời ít nhất là 2 cơ thủ nước ngoài tham dự, từ carom 3 băng đến pool và thậm chí cả heyball. 

Tại sao chỉ Việt Nam bị cấm?

Một thông tin khác đáng lưu tâm là trên thực tế, ACBS cũng chỉ đưa ra lệnh cấm với các vận động viên Việt Nam. Các quốc gia như Trung Quốc, Philippines, Đức, Phần Lan, Romania, Mỹ, Ma Rốc hoặc Bồ Đào Nha đều tổ chức những giải đấu không thuộc ACBS nhưng không bị nhận lệnh cấm từ ACBS. 

Hàn Quốc cũng đã tổ chức PBA từ năm 2019 tới nay trong khi các cơ thủ nước này vẫn thi đấu tại những giải của UMB đều đặn. Thậm chí mới nhất, Rasson Lushan Open vừa diễn ra tại Trung Quốc từ ngày 26-28/7, hay Reyes Cup tại Philippines vào tháng 10 tới, ACBS cũng không có văn bản thông báo, áp đặt lệnh cấm đối với vận động viên, quan chức của Liên đoàn Billiards Trung Quốc và Philippines. Việc chỉ có Billiards Việt Nam bị cấm, gây sốc cho những người trong cuộc. Nhiều huấn luyện viên, vận động viên Việt Nam hoang mang đặt câu hỏi, cơ sở pháp lý nào để ACBS cấm Việt Nam và bản thân họ có lỗi gì, vi phạm điều gì để bị ảnh hưởng bởi án phạt của ACBS.

2-1722412241.png
3-1722412241.png
Trích dẫn một trang báo cáo các cơ sở pháp lý về việc tổ chức các giải

Báo cáo pháp lý về tổ chức giải có gì đáng lưu ý?

Ở diễn tiến mới nhất, ngày 30/7, Liên đoàn Billiard và Snooker Hà Nội cũng đã có báo cáo vấn đề pháp lý và những vấn đề có liên quan của việc tổ chức giải PBA Hanoi Open, gửi Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội, sau khi có những thông tin liên quan đến lệnh cấm của ACBS đối với Billiards Việt Nam. 

Trong báo cáo nêu rõ quan điểm của Liên đoàn Billiard và Snooker Hà Nội, là lệnh cấm của ACBS đối với Việt Nam đã không đảm bảo về mặt pháp lý. Theo Liên đoàn Billiards và Snooker Hà Nội, căn cứ các quy định xử phạt của các tổ chức hoạt động trong lĩnh vực thể thao như Hội đồng Olympic châu Á (OCA), Ủy ban Olympic Quốc tế (IOC) hoặc một đại hội khu vực (SEA Games), án phạt vận động viên, huấn luyện viên... phải được thực hiện trên từng đội, từng cá nhân dựa trên căn cứ cụ thể, không thể xử phạt tất cả vận động viên nếu không có căn cứ cụ thể về việc vi phạm. 

Một nữ luật sư hàng đầu về thể thao đã có những phân tích: “Tại Việt Nam, các Liên đoàn Thể thao là tổ chức xã hội nghề nghiệp được thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành. Liên đoàn Thể thao có các quyền và trách nhiệm được quy định theo luật và theo Điều lệ đã được thông qua, và nếu Liên đoàn Thể thao tham gia các tổ chức thể thao quốc tế thì chỉ các hoạt động do Liên đoàn thực hiện mới chịu sự quản lý của các tổ chức thể thao này. 

Ở đây, đối với giải PBA Hanoi Open (tháng 8), Hanoi Open Pool Championship (tháng 10), theo quy định của pháp luật hiện hành, VBSF không có quyền và trách nhiệm đối với việc cấp phép cho giải đấu quần chúng quốc tế có tính chất, nội dung như giải PBA Hanoi Open và Hanoi Open Pool Championship. 

Cũng theo luật sư này “các vận động viên là hội viên của VBSF mới chịu sự quản lý và phải tuân thủ các nguyên tắc hoạt động của VBSF. ACBS chỉ có thể tác động tới các vận động viên do VBSF quản lý. Việc ACBS thông tin cấm các vận động viên, huấn luyện viên Việt Nam tham gia giải đấu căn cứ vào đâu? Ngoài ra, vận động viên là cá nhân, có quyền con người, quyền cá nhân cơ bản, không thể cấm vận động viên tham gia giải đấu trừ khi họ vi phạm quy định do Ban Tổ chức giải đấu đó ban hành”.