Hồi đầu mùa giải, dư luận xôn xao chuyện V-League có thể áp dụng công nghệ VAR, như biện pháp nhằm giảm thiểu sai sót liên quan tới các quyết định của trọng tài. Tuy nhiên, thực tế không dễ để đưa công nghệ VAR vào sử dụng ở các trận đấu tại V-League bởi chi phí đầu tư và vận hành quá cao. Theo tính toán, mỗi trận đấu áp dụng công nghệ VAR sẽ phát sinh chi phí lên tới hàng chục tỷ đồng. Tại vòng loại thứ 3 World Cup 2022, Liên đoàn bóng đá Châu Á (AFC) cũng đã phải bỏ ra gần 17 tỷ đồng để sử dụng công nghệ VAR ở các trận đấu trên sân Mỹ Đình.
Chi phí lớn, nhưng điều quan trọng nhất vẫn là yếu tố con người. Để vận hành hệ thống VAR, cần phải có các chuyên gia và trọng tài am hiểu lĩnh vực này và đặc biệt là phải đáp ứng được các tiêu chuẩn và được FIFA cấp phép. Hiện tại V-League vẫn chưa có đủ nguồn lực để có thể áp dụng VAR nên không thể triển khai trên thực tế. Tính cả khu vực Đông Nam Á cũng mới chỉ có 1 trọng tài Sivakorn Pu Udom, người Thái Lan được FIFA cấp phép điều hành phòng VAR, trong khi ở V-League, dù Công ty bóng đá chuyên nghiệp (VPF) từng nghĩ đến việc áp dụng công nghệ VAR ở một số trận đấu quan trọng từ mùa giải 2019, nhưng đến nay VAR vẫn chưa thể sử dụng và có lẽ còn phải đợi thêm nhiều năm nữa.
Nhu cầu sử dụng VAR ở V-League là có, nhưng điều kiện chưa cho phép. Thậm chí, trong trận đấu giữa câu lạc bộ Hải Phòng và Nam Định trên sân Lạch Tray ở vòng 2 V.League 2022, trọng tài chính Trần Đình Thịnh đã bị nhắc nhở sau khi tự ý "check VAR" từ màn hình lớn trên sân và thay đổi quyết định, không công nhận bàn thắng của đội chủ nhà. Lý do là V-League 2022 chưa áp dụng công nghệ VAR nên việc trọng tài xem lại tình huống thông qua màn hình trên sân để đưa ra quyết định là không hợp lí.
Tất nhiên, VAR có thể giúp các trọng tài giảm sai sót và đưa ra các quyết định chính xác hơn, nhưng ở V-League các câu lạc bộ phản ứng với trọng tài vì chuyên môn thì ít mà chủ yếu là do thiếu tin tưởng vào sự công tâm của các trọng tài.