Sau phiên thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi), thay mặt cơ quan chủ trì soạn thảo, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cảm ơn các ý kiến của các đại biểu Quốc hội tại phiên thảo luận tổ ngày 24/10, cũng như tại hội trường. Các ý kiến rất xác đáng, tâm huyết, thể hiện sự quan tâm sâu sắc của các vị đại biểu Quốc hội đối với công tác phòng, chống rửa tiền nói chung, cũng như việc xây dựng dự thảo Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi) nói riêng.
Theo đó, tại phiên thảo luận ở tổ, có 107 đại biểu có ý kiến với khoảng 200 lượt ý kiến, cơ quan soạn thảo đã có báo cáo giải trình chi tiết gửi đại biểu Quốc hội.
Thống đốc Nguyễn Thị Hồng khẳng định, các đối tượng phải báo cáo giao dịch thuộc phạm vi điều chỉnh trong dự thảo luật được kế thừa từ Luật Phòng, chống rửa tiền năm 2012 và bổ sung những đối tượng đang được quy định các văn bản dưới luật.
Về ý kiến của một số đại biểu đề nghị bổ sung trong dự thảo luật các công ty cung cấp dịch vụ tài sản ảo hay kinh doanh tài chính tiền tệ trên nền tảng về công nghệ, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, trong quá trình xây dựng, cơ quan soạn thảo đã đưa các hoạt động này vào trong dự thảo Luật, nhưng trong quá trình tham vấn ý kiến qua nhiều vòng, các ý kiến cho rằng các hoạt động này chưa được quy định trong các văn bản quy định pháp luật hiện hành, vì vậy chưa nên đưa vào dự thảo Luật. Chính vì vậy, quy định này sẽ giao Chính phủ bổ sung sau khi được sự chấp thuận, đồng ý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Nhóm vấn đề thứ ba, các đại biểu quan tâm rất nhiều, đó là liên quan đến cái dấu hiệu đáng ngờ và báo cáo giao dịch đáng ngờ, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, dấu hiệu đáng ngờ chủ yếu là mang tính định tính. Cơ quan soạn thảo tổng hợp từ kinh nghiệm mang tính phổ biến tại nhiều quốc gia trên thế giới và có cân nhắc những đặc thù về các hoạt động trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bất động sản, bảo hiểm của Việt Nam. Do dấu hiệu giao dịch đáng ngờ là định tính và chỉ là bước khởi đầu phát hiện ra có dấu hiệu đáng ngờ, là dấu hiệu cảnh báo ban đầu, sau đó các đối tượng báo cáo, các chủ thể báo cáo sẽ gửi cho Ngân hàng Nhà nước tiếp nhận thông tin để phân tích, xử lý.
Ngoài ra, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cũng giải trình về nhóm vấn đề liên quan đến các trì hoãn giao dịch. Theo đó, để tránh lạm dụng với ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của tổ chức, cá nhân dự thảo Luật cũng đã quy định thời hạn trì hoãn không quá 3 ngày kể từ ngày thực hiện và đối tượng báo cáo được miễn trách nhiệm pháp lý nếu thực hiện theo đúng các quy định của luật.
Kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nêu rõ, trong phiên thảo luận đã có 22 ý kiến phát biểu, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng đã phát biểu giải trình, làm rõ các vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm.
Qua thảo luận, đa số ý kiến các đại biểu nhất trí về sự cần thiết sửa đổi Luật Phòng, chống rửa tiền để thể chế hóa chủ trương của Đảng, khắc phục hạn chế của luật hiện hành, nâng cao hiệu quả, hiệu lực công tác phòng, chống rửa tiền, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, phòng, chống tài trợ khủng bố, tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt, phù hợp với các cam kết quốc tế.
Phó Chủ tịch Quốc hội cho biết, các đại biểu cũng đề nghị hoàn thiện dự thảo Luật về một số nội dung như: Tên gọi, khái niệm, phạm vi, đối tượng điều chỉnh; giải thích từ ngữ; các hành vi bị cấm; đối tượng báo cáo về phòng, chống rửa tiền; nghĩa vụ, trách nhiệm của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; phân loại thách thức xử lý đối với các kết quả đánh giá rủi ro; tiêu chí phân loại mức độ rủi ro của từng loại khách hàng…
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nhấn mạnh, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo cơ quan thẩm tra phối hợp chặt chẽ với cơ quan soạn thảo, các cơ quan liên quan, nghiên cứu các ý kiến phát biểu, tiếp thu, hoàn chỉnh dự án Luật, trình Quốc hội xem xét thông qua.