Bạn Thái Anh - ở Ninh Thuận hỏi: Xin cho biết, vì sao võ cổ truyền Bình Định được coi là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia?

Võ cổ truyền Bình Định ra đời, tồn tại và phát triển cùng lịch sử đấu tranh giữ nước của dân tộc. Cùng thethaovietnamplus.vn tìm hiểu những đóng góp của võ cổ truyền Bình Định.

Võ cổ truyền Bình Định xuất hiện từ rất sớm. Năm 1471, vua Lê Thánh Tông cho lập phủ Hoài Nhơn gồm 3 huyện: Bồng Sơn, Phù Ly và Tuy Viễn, từ đó, người Việt bắt đầu tiến vào sinh sống trên vùng đất Bình Định ngày nay. Vua Lê Thánh Tông đã cử các võ tướng, võ quan tài giỏi về võ nghệ của triều đình vào trấn giữ, nhà Lê muốn bình định vùng đất này lâu dài để nhân dân có cuộc sống yên ổn, phát triển mọi mặt. Các võ tướng, võ quan của triều đình đã ở lại đây sinh sống và truyền lại võ nghệ cho con cháu, cho dân làng và người bản địa, từ đó vùng đất Bình Định trở thành nơi có nhiều người tinh thông võ thuật.

vo-ct-1695802976.jpg
Các võ sinh biểu diễn Võ cổ truyền Bình Định

Đến thời Tây Sơn ở thế kỷ XVIII, Võ cổ truyền Bình Định chuyển sang một giai đoạn mới. Võ cổ truyền Bình Định thời Tây Sơn là sự kết tinh và hòa quyện cao độ giữa các dòng võ, môn võ, phái võ khác nhau và quy tụ nhiều anh hùng hào kiệt, nhiều võ quan, võ sư nổi tiếng, tạo nên sức mạnh tổng hợp, đã hun đúc nên dòng võ đậm nét tinh hoa của dân tộc, bổ sung vào kho tàng di sản võ học chân truyền của dân tộc. Từ thời Tây Sơn, di sản Võ cổ truyền Bình Định luôn được gìn giữ, bồi đắp và phát huy.

Ngày nay, để giữ gìn và phát huy nét văn hóa quý báu của dân tộc, công tác bảo tồn và phát huy giá trị Võ cổ truyền Bình Định luôn được tỉnh đặc biệt quan tâm. Tỉnh Bình Định đã xây dựng và triển khai thực hiện nhiều đề tài, đề án bảo tồn và phát huy giá trị Võ cổ truyền Bình Định. Trong đó, việc đưa vào hoạt động Trung tâm Võ thuật cổ truyền Bình Định năm 2013 là một trong những bước đi hết sức quan trọng, nhằm tập trung nguồn lực, trí tuệ của đội ngũ cán bộ, võ sư, huấn luyện viên… xây dựng Võ cổ truyền Bình Định phát triển toàn diện.

Tính đến thời điểm hiện tại, tỉnh Bình Định có 2 đại võ sư quốc tế, 50 đại võ sư, 21 võ sư cao cấp, 101 võ sư cùng hơn 12.000 võ sinh đến từ 185 võ đường, câu lạc bộ tham gia tập luyện Võ cổ truyền Bình Định thường xuyên.

Trên địa bàn tỉnh Bình Định có hàng chục làng võ nổi tiếng gắn với địa danh đã tồn tại trong lịch sử nhiều thế kỷ như: Làng võ An Vinh, Thuận Truyền, Phủ Thiện (huyện Tây Sơn); làng võ An Thái, Phương Danh (thị xã An Nhơn); làng võ An Hòa, Kỳ Sơn, Đại Lễ (huyện Tuy Phước)… Việc đưa Võ cổ truyền Bình Định vào trường học trên địa bàn tỉnh Bình Định được thực hiện từ năm 2016 và được đưa vào nội dung thi đấu tại Hội khỏe Phù Đổng các cấp, nhờ đó đã thúc đẩy mạnh mẽ phong trào tập luyện trong học sinh. Hàng năm, các cấp, các ngành, các địa phương trong tỉnh Bình Định đã tổ chức nhiều giải đấu, nhiều chương trình biểu diễn võ cổ truyền, thu hút đông đảo các võ đường, câu lạc bộ tham gia. Đặc biệt, Võ cổ truyền Bình Định đã trở thành hoạt động không thể thiếu, mang đậm nét truyền thống văn hóa và góp phần làm trang trọng các ngày lễ, Tết, các sự kiện trọng đại của tỉnh.

lien-hoan-1695803038.jpg
Tiết mục biểu diễn tại Liên hoan quốc tế Võ cổ truyền Việt Nam lần thứ VIII - Bình Định năm 2023

Công tác quảng bá Võ cổ truyền Bình Định được đẩy mạnh thông qua các chương trình, giải đấu trong nước và quốc tế. Từ năm 2016 đến nay, Chương trình “Đêm Võ đài Bình Định” được tổ chức vào các dịp lễ, mùa du lịch tại thành phố Quy Nhơn đã trở thành giải đấu uy tín, là nơi giao lưu, cọ xát của các võ đường trong và ngoài tỉnh. Giải Võ cổ truyền các võ đường Bình Định tranh cúp Hoàng đế Quang Trung được tổ chức hằng năm thu hút đông đảo các câu lạc bộ, võ đường tham gia thi đấu, giới thiệu những nét đặc trưng của môn phái đến với công chúng. Đặc biệt, Liên hoan quốc tế Võ cổ truyền Việt Nam được tổ chức định kỳ 2 năm/lần tại Bình Định là nơi giao lưu võ cổ truyền giữa các quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới với Võ cổ truyền Bình Định, qua đó đã góp phần quảng bá rộng rãi Võ cổ truyền Bình Định đến với bạn bè khu vực và quốc tế…

Nhằm tôn vinh những giá trị về khoa học, lịch sử và văn hóa của Võ cổ truyền Bình Định, năm 2012, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã công nhận Võ cổ truyền Bình Định là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Năm 2022, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương liên quan triển khai lập hồ sơ Võ cổ truyền Bình Định, trình Thủ tướng Chính phủ cho phép đệ trình Tổ chức Khoa học - Giáo dục và Văn hóa của Liên Hợp quốc (UNESCO) công nhận là di sản văn hóa thế giới. Ngày 25/12, lãnh đạo tỉnh Bình Định đã ký quyết định thành lập Ban xây dựng bộ hồ sơ quốc gia "Võ cổ truyền Bình Định" nhằm giúp Ban chỉ đạo xây dựng bộ hồ sơ quốc gia "Võ cổ truyền Bình Định" triển khai việc xây dựng bộ hồ sơ bảo đảm tính khoa học, tuân thủ hướng dẫn thực hiện Công ước 2003 của UNESCO về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể, đáp ứng các yêu cầu của bộ hồ sơ đệ trình UNESCO và tuân thủ các quy định của Luật Di sản văn hóa.

Thethaovietnamplus.vn