Bác Minh Long - ở Gia Lai hỏi: Xin cho biết, tôi bị bệnh tiểu đường gần 2 năm nay, vậy tôi có nên tập luyện thể dục, thể thao hàng ngày hay không?

Tiểu đường là bệnh lý rối loạn chuyển hóa đường do thiếu hụt insulin hoặc đề kháng insulin. Một trong những cách giúp các bệnh nhân kiểm soát đường huyết tốt là luyện tập thể dục. Tập thể dục thường xuyên giúp giảm lượng đường trong máu và tăng nhạy cảm insulin, giúp giảm được những biến chứng tăng đường huyết cho bệnh nhân.

Cùng thethaovietnamplus.vn tìm hiểu về những tác dụng của tập thể dục, thể thao mang lại cho người bệnh này nhé.

Theo các sĩ chuyên khoa, người bệnh tiểu đường chọn môn thể dục phù hợp như đi bộ, bơi lội 30 phút, ít nhất 3 lần mỗi tuần giúp kiểm soát bệnh, giảm nguy cơ đau tim, đột quỵ. Người bệnh tiểu đường duy trì tập thể dục sẽ giúp giảm cân nặng, huyết áp, lượng đường và mỡ máu, tim và hai lá phổi khỏe hơn. Tập thể dục còn giúp xương chắc khỏe, tăng năng lượng, giảm căng thẳng, cải thiện giấc ngủ.

tap-the-duc-1695530171.jpg

Những hoạt động thể chất có lợi cho người tiểu đường

Trước khi tập luyện thể dục, thể thao, người bệnh tiểu đường cần tham khảo ý kiến bác sĩ để biết môn thể thao đó có phù hợp với tình trạng sức khỏe của bản thân hay không và cường độ tập luyện hợp lý. Trong đó, cường độ tập luyện có thể chia thành 3 mức độ như sau:

Vận động cường độ vừa: Người bệnh đi bộ nhanh, bơi lội,… ít nhất 30 phút mỗi ngày, có thể chia làm 2-3 buổi tập. Khi tập, người bệnh chú ý tới hơi thở, nhịp tim và lượng mồ hôi tiết ra. Nếu bạn thở hổn hển và khó khăn nói chuyện trong lúc tập có thể đã vận động quá sức, cần giảm bớt cường độ tập.

Nếu muốn giảm cân, bạn nên tập duy trì trong khoảng 60-90 phút mỗi ngày. Bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ nội tiết, chuyên viên dinh dưỡng và huấn luyện viên thể thao về vấn đề này.

Vận động cường độ mạnh: Chạy bộ vừa, chạy nhanh, tập thể dục nhịp điệu, làm vườn (cuốc đất, trồng cây)… mỗi tuần 3 buổi, mỗi buổi 20 phút. 

Luyện tập thể lực đối kháng: Người bệnh có thể kết hợp cả vận động mức độ vừa và mạnh, với tần suất 2-3 buổi một tuần, thực hiện 8-10 vận động khác nhau cho tất cả nhóm cơ bắp chính. Mỗi động tác thực hiện 8-12 lần và 2 lượt cho mỗi bài tập. 

boi-1695530218.jpg

Những lưu ý khi luyện tập thể dục ở bệnh nhân mắc bệnh tiểu đường

Thời gian tập luyện thể dục, thể thao tốt nhất của người bệnh là từ một đến ba giờ sau khi ăn vì lúc này nồng độ đường huyết sẽ có xu hướng tăng cao.

Nếu bệnh nhân đang sử dụng insulin, cần kiểm tra đường huyết trước khi tập thể dục, thể thao. Nếu nồng độ đường huyết dưới 100 mg/dL, bệnh nhân có thể ăn một phần thức ăn nhẹ cung cấp khoảng 15 -20g carbohydrate để tăng nồng độ đường huyết. Một bữa ăn phụ chứa 15g carbohydrate như: 4 viên đường đã được đóng sẵn (4g trong mỗi viên); hoặc 1⁄2 cốc nước trái cây hoặc soda; hoặc một muỗng lớn mật ong hoặc đường.

Kiểm tra lại đường huyết sau 15 phút và bổ sung carbohydrate cho đến khi nồng độ đường huyết đạt ít nhất 100mg/dL.

Nên kiểm tra đường huyết sau khi thực hiện bất kỳ các hoạt động thể lực gắng sức. Nếu bệnh nhân đang sử dụng insulin thì thời điểm có nguy cơ hạ đường huyết cao nhất là 6 đến 12 giờ sau hoạt động thể lực.

Những bệnh nhân có đường huyết quá cao trên 250 mg/dL thì không được các bác sĩ khuyến cáo tập thể dục vì sau khi tập lượng đường trong máu có nguy cơ tăng cao hơn nữa và dẫn đến các biến chứng nặng của tăng đường huyết.

Tập thể dục, thể thao là một trong những biện pháp hiệu quả giúp kiểm soát tốt đường huyết ở bệnh nhân. Việc lựa chọn hình thức tập thể dục tùy thuộc vào từng đối tượng, tuổi, các biến chứng hiện có, các bệnh lý đi kèm và nồng độ glucose hiện tại.

Thethaovietnamplus.vn