Đây thực sự là một kỳ Đại hội đầy khó khăn của đoàn Việt Nam khi các vận động viên dù đã cố gắng nỗ lực, thi đấu hết mình nhưng gặp khó trong việc tranh chấp huy chương và chỉ tiêu đề ra.
Tại ASIAN Para Games 4, Việt Nam tham dự với 71 thành viên, trong đó có 48 vận đông viên (1 vận động viên chạy dẫn đường), thi đấu 7 môn, gồm: Điền kinh (10 vận động viên), Bơi (9), Cử tạ (4), cờ Vua (12), Bóng bàn (6), Cầu lông (5), Taekwondo (1), phấn đấu giành từ 3 đến 4 huy chương vàng và đạt mục tiêu có nhiều vận động viên vượt qua vòng loại, đạt chuẩn tham dự Paralympic Paris 2024. 5 năm trước tại ASIAN Para Games 3 ở Indonesia, Việt Nam xếp thứ 12 trên Bảng tổng sắp với tổng cộng 40 huy chương, trong đó 8 huy chương vàng, 8 huy chương bạc và 24 huy chương đồng. Rõ ràng, thành tích năm nay không bằng kỳ Đại hội trước cũng như không thể hoàn thành mục tiêu đề ra trước ngày lên đường tới Hàng Châu.
Nhưng cũng phải nhìn nhận rằng, đây là kỳ Đại hội khó khăn của đoàn Thể thao người khuyết tật Việt Nam. Các vận động viên của chúng ta đã thi đấu rất cố gắng nhưng gặp khó trong việc có được thành tích tốt trước sự phát triển và trình độ chuyên môn vượt trội của các đối thủ. Điển hình như ở môn Bơi, dù giành đến 4 huy chương vàng ở ASIAN Para Games 3 nhưng năm nay chỉ đạt được 1 huy chương vàng nhờ công của "kình ngư" Lê Tiến Đạt trong ngày thi đấu cuối. Đây là môn thi mà chủ nhà Trung Quốc quá vượt trội so với phần còn lại khi thâu tóm phần lớn huy chương vàng ở các nội dung dự tranh. Ở môn Cử tạ, Nguyễn Bình An (giành huy chương vàng hạng cân 55kg ASIAN Para Games 3) dù có được thành tích tốt nhất sự nghiệp và phá kỷ lục Đại hội với mức tạ 184kg nhưng cũng chỉ giành huy chương đồng vì 2 đối thủ David Degtyarev (Kazakhstan), nhà đương kim vô địch Paralympic và Yang Jinglang (Trung Quốc) còn làm được nhiều hơn thế với thành tích lần lượt là 186kg và 185kg. Tương tự, Đặng Thị Linh Phượng cũng không thể bảo vệ thành công tấm huy chương vàng hạng cân 50kg nữ khi đối thủ của cô là Wei Li (Trung Quốc) quá mạnh. Ở môn cờ Vua, dù thi đấu rất cố gắng tại các nội dung và luôn có mặt trong tốp đầu, thế nhưng, các kỳ thủ Việt Nam chỉ giành 6 huy chương bạc và 4 huy chương đồng, đồng thời không thể có được tấm huy chương vàng nào. Tại môn Điền kinh, vợ chồng Nguyễn Thị Hải - Cao Ngọc Hùng dù không có đối thủ ở Đông Nam Á nhưng gặp khó trong việc tranh chấp huy chương tại đấu trường châu lục.
Tuy gặp không ít khó khăn, thử thách nhưng các vận động viên người khuyết tật Việt Nam đã nỗ lực thi đấu hết mình vì màu cờ sắc áo. Điển hình như lực sĩ Lê Văn Công, dù bị chấn thương vai nhưng anh đã nén đau, không bỏ cuộc để bước lên sàn đấu và sau đó giành tấm huy chương đồng quý giá. Đối với các vận động viên người khuyết tật, việc để theo đuổi đam mê, duy trì tập luyện đều đặn và được thi đấu cho quốc gia là niềm vinh hạnh rất lớn. Nhưng để có được vinh hạnh đó, đòi hỏi họ phải có nỗ lực phi thường, vừa phải bươn chải mưu sinh, vừa lo gia đình, vượt qua những khiếm khuyết để ổn định cuộc sống và tập luyện. Việc đại diện quê hương thi đấu tại một kỳ Đại hội như ASIAN Para Games đã là niềm tự hào rất lớn, việc giành huy chương rất cần thiết nhưng không quan trọng bằng việc họ đã chiến thắng bản thân và hòa nhập tốt với cộng đồng.