Á vận hội giữa lòng địa danh lịch sử

Trong lịch sử đăng cai những sự kiện quy mô châu lục tại Trung Quốc, có lẽ Hàng Châu là thắng cảnh du lịch nổi tiếng nhất từng sắm vai trò chủ nhà của một kỳ Đại hội Thể thao châu Á (ASIAD).

linhvat-1695651869.jpg
Ba linh vật biểu tượng của ASIAD 19: Chenchen, Congcong và Lianlian, được trưng bày tại Hàng Châu, tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc. 

Nói tới Hàng Châu thì không thể không nhắc tới Tây Hồ, một trong 5 hồ đẹp nhất Trung Quốc, đã được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận là Di sản Thế giới vào năm 2011. Theo thống kê của cẩm nang du lịch Lonely Planet, có đến hơn 800 hồ ở châu Á mang tên gọi Tây Hồ, trong đó gồm cả Việt Nam và Nhật Bản (tiếng Nhật gọi là hồ Saiko), nhưng Tây Hồ ở Hàng Châu là nổi tiếng nhất và cũng là hồ duy nhất được gắn với tên gọi Tây Hồ một cách chính thức.

Phong cảnh của Tây Hồ thơ mộng và ấn tượng tới mức trong văn hóa dân gian truyền miệng, Tây Hồ được xem là sự hóa thân của nàng Tây Thi, là một trong tứ đại mỹ nhân Trung Quốc cổ đại. Và cũng không ngạc nhiên khi Tây Hồ xuất hiện thường xuyên trong các tác phẩm thơ ca cổ điển Trung Quốc.

Không những thế, lịch sử Tây Hồ còn ghi lại dấu ấn rất đậm nét của hai nhà thơ lớn là Bạch Cư Dị (đời Đường) và Tô Đông Pha (đời Tống). Cả hai ông đều từng đảm nhận chức Thứ sử Hàng Châu và góp công lớn trong công cuộc trị thuỷ đắp đê tại đây, nên được nhân dân tưởng nhớ và ghi công bằng cách đặt tên cho hai con đê mà các ông khởi xướng đắp nên là đê Bạch và đê Tô.

Sức hấp dẫn của Tây Hồ không chỉ ở cảnh đẹp thơ mộng, mà những công trình kiến trúc nổi tiếng nằm bên bờ Tây Hồ. Chùa Lôi Phong gắn liền với truyền thuyết về Bạch Xà - một trong bốn truyền thuyết dân gian Trung Quốc nổi tiếng nhất. Chùa Bảo Chu với tuổi đời hơn 1.000 năm cũng đã chứng kiến biết bao thay đổi của thời gian ở Tây Hồ nói riêng và Hàng Châu nói chung.

ASIAD 19 đã đem tới cho Hàng Châu một diện mạo khá mới và đi bất cứ nơi đâu cũng nhận thấy sự hiện diện của Á vận hội tại đây, ngay cả với một địa điểm như chùa Bảo Chu, với poster cổ động sự kiện này được treo lên hàng rào ở lối vào sân chùa. Thế nhưng, dấu ấn của ASIAD tại đây chỉ đến như vậy thôi, bởi khi leo lên đến bậc cao nhất của chùa Bảo Chu thì sẽ được chứng kiến những cảnh tượng rất đỗi bình thường trong đời sống sinh hoạt của người dân Hàng Châu, như những người cao tuổi tụ tập chơi bài giải trí ở bàn đặt bên ngoài sân, còn thanh niên hoặc tham quan du lịch, hoặc đi bộ leo núi tập thể dục.

ASIAD 19 có thể sôi động ở đâu đấy, nhưng Hàng Châu hay Tây Hồ thì dường như vẫn giữ nguyên nếp sống vốn có hàng ngày, giống như hình ảnh những công trình kiến trúc cổ điển của Trung Quốc xuất hiện xen lẫn giữa các toà nhà cực kỳ hiện đại ở Hàng Châu mà không hề tạo ra cảm giác đối lập hay chênh lệch.

TTXVN