6 tháng đầu năm 2023: Ngành văn hóa, thể thao và du lịch đạt nhiều kết quả quan trọng, toàn diện trên các lĩnh vực

Ngày 14/6, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tổ chức cuộc họp giao ban công tác quản lý Nhà nước về văn hóa, thể thao và du lịch 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2023. Hội nghị được tổ chức dưới hình thức trực tuyến tại ba điểm cầu Hà Nội, Đà Nẵng và TP Hồ Chí Minh. Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cùng các Thứ trưởng Tạ Quang Đông, Trịnh Thị Thủy chủ trì điểm cầu Hà Nội.

z41-1686761993.jpg
Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng phát biểu tại cuộc họp giao ban.

Lan tỏa những giá trị tốt đẹp của văn hoá, tạo các điểm nhấn về du lịch, thể thao

Phát biểu tại giao ban, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh, nhằm tạo nhiều dấu ấn đột phá, ngay từ đầu nhiệm kỳ, Bộ đã có nhiều đổi mới trong công tác chỉ đạo điều hành. Lần đầu tiên, lãnh đạo Bộ tổ chức giao ban 6 tháng với thành phần mở rộng. Toàn ngành tập trung nghiên cứu để chuyển đổi tư duy làm văn hóa sang quản lý Nhà nước về văn hoá. Cùng với phiên giao ban khối quản lý Nhà nước do Bộ trưởng chủ trì mỗi tháng là các Hội nghị chuyên đề về xây dựng thể chế và pháp luật thuộc các nhóm ngành của Bộ VHTTDL. Những kết quả đạt được của toàn ngành trong góp phần hoàn thiện thể chế đã bước đầu được Đảng, Nhà nước ghi nhận. Điều này được thể hiện thông qua đánh giá của Chủ tịch Quốc hội trong phiên làm việc với Bộ VHTTDL gần đây.

Bộ trưởng ghi nhận, nhiều hoạt động, sự kiện VHTTDL được tổ chức trong thời gian qua đã góp phần lan tỏa những giá trị tốt đẹp của văn hoá, tạo các điểm nhấn về du lịch, thể thao. Lãnh đạo Bộ cũng đã phân công các Thứ trưởng trực tiếp giao ban trong từng khối, bước đầu tạo nhiều kết quả thiết thực trong công tác đôn đốc, tổ chức thực hiện.

toan-canh-1686762162.jpg
Quang cảnh cuộc họp giao ban công tác quản lý Nhà nước về VHTTDL 6 tháng đầu năm  và triển khai nhiệm 6 tháng cuối năm 2023.

Tuy nhiên, theo Bộ trưởng, để quán triệt đầy đủ, thấu đáo công việc và nhằm chấn chỉnh bất cập, tháo gỡ những khó khăn cũng như cảnh báo những vấn đề phát sinh, từ đó để các đơn vị nắm, hiểu rõ và đồng tâm thực hiện thì cần tiếp tục tổ chức các Hội nghị có tính chuyên đề. Hội nghị giao ban 6 tháng đầu năm được Ban cán sự, lãnh đạo Bộ quyết định tổ chức sự tham gia của Thủ trưởng các cơ quan trực thuộc Bộ nhằm quán triệt, triển khai, nhìn lại những công việc chúng ta đã làm được, tháo gỡ những khó khăn đang đặt ra.

Với tinh thần "nghĩ thật, nói thật, làm thật", Bộ trưởng yêu cầu lãnh đạo các đơn vị thẳng thắn đề cập, nêu lên những suy nghĩ trăn trở, thảo luận và đóng góp để tiếp tục hoàn thiện báo cáo sơ kết 6 tháng của Bộ. Cần phải đi thẳng vào vấn đề, suy nghĩ thật thấu đáo để phân tích, làm rõ hạn chế, yếu kém, chỉ rõ nguyên nhân tồn tại để có giải pháp khắc phục.

Bộ trưởng cho biết, tại Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng giữa nhiệm kỳ khóa XIII, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định, cũng như trong phiên họp Quốc hội, kỳ họp thứ 5 cũng đã đề cao vai trò văn hoá, khẳng định những bước phát triển quan trọng của văn hoá.

Tuy nhiên, theo Bộ trưởng toàn ngành cũng cần nhìn lại trên tinh thần không chủ quan, không tự mãn với kết quả đã có mà phải có cái nhìn thẳng thắn để phân tích, xem xét, thậm chí chỉ ra căn bệnh trầm kha mà chúng ta đã tìm cách khắc phục lâu nay nhưng chưa đầy đủ. Từ đó, đề nghị xem xét, rà soát toàn bộ, nhìn lại đơn vị xem những về trong quản lý, điều hành đã khắc phục và chấn chỉnh nghiêm túc chưa.

image-1686762776.png
Các đại biểu tham dự cuộc giao ban.

Tại cuộc họp giao ban, nhiều câu hỏi liên quan đến các vấn đề như sử dụng, phát huy cơ sở vật chất, khối tài sản công mà các đơn vị trong ngành được giao; về sức lan tỏa của cuộc vận động lớn đã và đang được toàn ngành triển khai mạnh mẽ về xây dựng môi trường văn hoá; vấn đề nâng cao chất lượng đào tạo các chuyên ngành; vấn đề khắc phục những khó khăn về cơ sở vật chất, đầu tư để nâng cấp hệ thống các thiết chế văn hoá, thể thao… cũng đã được Bộ trưởng thẳng thắn đặt ra.

Bộ trưởng cho rằng, hơn ai hết, chính chúng ta cần nhìn thẳng và tự tìm câu trả lời những vấn đề này. Đây là thời điểm tất cả phải thẳng thắn, làm việc đúng tinh thần kỷ cương, không né tránh chọn việc dễ, bỏ việc khó. Phải nghĩ thật, nói thật, làm thật, có hiệu quả thật như tư tưởng chỉ đạo của Thủ tướng từ đầu nhiệm kỳ. Có như vậy thì “cỗ xe tam mã” Văn hóa, Thể thao và Du lịch mới có bước phát triển cao hơn....

Nhiều nội dung đã được đề cập và trao đổi thẳng thắn về những khó khăn, tồn tại cũng như giải pháp khắc phục như vấn đề xây dựng và hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật; về trách nhiệm người đứng đầu với công tác quản lý, lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành từng công việc cụ thể ở các đơn vị thuộc Bộ; về việc giữ chân nguồn nhân lực chất lượng cao trong hoạt động của Nhà hát; những khó khăn trong lĩnh vực nghệ thuật như chính sách tiền lương…; Vấn đề thi tuyển viên chức cho các trường đào tạo thuộc Bộ khu vực phía Nam; cơ sở hạ tầng xuống cấp...

z43-1686761993.jpg
Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT Đặng Hà Việt phát biểu.

Trong lĩnh vục Thể dục thể thao, Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT Đặng Hà Việt cho biết: Thể thao thành tích cao trong thời gian qua đã có những tiếng vang lớn, từ thành công của đoàn thể thao Việt Nam tại SEA Games 31, 32. Thể thao Việt Nam đã và đang xây dựng được mô hình hiệu quả về đào tạo , nâng tầm thành tích lên tầm cao mới. Cùng với các nhiệm vụ chuyên môn trong lĩnh vực thể thao thành tích cao, thể thao cho mọi người, công tác xây dựng văn bản đề án cho lĩnh vực chuyên ngành đã và đang tích cực thực hiện, nhiều vướng mắc đã được giải quyết.

z42-1686761993.jpg
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Hà Văn Siêu.

Đối với Du lịch, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Hà Văn Siêu cho biết, nhờ sự chỉ đạo sát sao, quyết liệt của lãnh đạo Bộ VHTTDL, ngành Du lịch đã bắt đầu có những kết quả bước đầu trong phục hồi sau đại dịch. Việc Thủ tướng Chính phủ chủ trì hai Hội nghị về Du lịch trong thời gian cách nhau 3 tháng cũng cho thấy sự quan tâm lớn của lãnh đạo Đảng, Nhà nước đối với ngành. Du lịch nội địa phát triển rất ổn định, nhưng du lịch quốc tế phục hồi chưa được như kỳ vọng. Vì vậy, thời gian tới, đơn vị sẽ tham mưu, phối hợp cùng các đơn vị liên quan để tổ chức có hiệu quả các chương trình xúc tiến quảng bá tại các thị trường trọng điểm như Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản…

z45-1686761993.jpg
Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy phát biểu tại cuộc họp giao ban.

Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy ghi nhận nỗ lực của các đơn vị trong 6 tháng qua đã góp phần quan trọng vào kết quả hoạt động của toàn ngành, đặc biệt về công tác xây dựng và hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật. Thứ trưởng nhấn mạnh, công tác truyền thông, chuyển tải các thông điệp của ngành đã được các cơ quan báo chí của Bộ thực hiện tốt, đạt nhiều dấu ấn.

Thứ trưởng cũng lưu ý trong 6 tháng cuối năm, các đơn vị cần tích cực, chủ động để nâng cao hiệu quả hoạt động. Bộ VHTTDL sẽ phối hợp với các Uỷ ban của Quốc hội, Hội đồng dân tộc để tham gia các phiên chất vấn, giải trình, các đơn vị cần chú ý nhiệm vụ bộ chủ trì, đặc biệt trong các vấn đề về xây dựng môi trường văn hoá, thiết chế văn hóa cơ sở.

z44b-1686762447.jpg
Thứ trưởng Tạ Quang Đông phát biểu tại cuộc họp giao ban.

Chia sẻ với những khó khăn của các đơn vị thuộc khối đào tạo, nhà hát thuộc Bộ, Thứ trưởng Tạ Quang Đông cho rằng các đơn vị cần năng động, sáng tạo nhiều hơn để tháo gỡ các nút thắt. Chẳng hạn, trong đào tạo, cần chú trọng xem giữa đào tạo thực tế và nhu cầu xã hội đang cần có khoảng cách gì. Các Nhà hát cần tiếp tục phát huy tinh thần vượt khó, đẩy mạnh các chương trình, dự án đến với công chúng, đặc biệt là những chương trình nghệ thuật đỉnh cao…

Phát biểu kết luận buổi giao ban, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh, nhìn lại 6 tháng đầu năm, dưới sự đổi mới trong chỉ đạo của tập thể lãnh đạo Bộ theo hướng trọng tâm trọng điểm, sự nỗ lực cố gắng của toàn ngành, sự quan tâm của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, đồng hành của các địa phương, chúng ta đã đạt được nhiều kết quả toàn diện trên cơ sở kế thửa những kết quả đạt được trong các năm trước. Báo cáo của Trung ương Đảng khóa XIII giữa nhiệm kỳ, Quốc hội tại Kỳ họp thứ 5 cũng có những đánh giá tích cực, toàn diện trên các lĩnh vực VHTTDL.

Về thể chế chính sách, Bộ trưởng cho biết chúng ta đã tập trung rà soát các điểm nghẽn, tham mưu trúng và đúng để ban hành các cơ chế, chính sách có tính chất đặc thù của ngành. Ngoài các bộ luật để giúp nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong công tác quản lý nhà nước, Bộ cũng đã tham mưu để Trung ương đồng ý giao xây dựng Chương trình MTQG về phát triển Văn hóa. Đây là chính sách mang tính toàn diện, tổng thể hơn chương trình trước đây, nhiều thế hệ lãnh đạo, cán bộ của ngành Văn hóa mong muốn có được. Đi kèm với đó, Bộ cũng đang nỗ lực để hoàn thiện Chiến lược phát triển thể thao; tính toán đến ngành Công nghiệp văn hóa, ngành Kinh tế thể thao.

z44-1686761993.jpg
Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng phát biểu kết luận buổi giao ban.

Chúng ta đang đi một bước căn bản từ tư duy làm VHTTDL đến quản lý nhà nước về lĩnh vực VHTTDL bằng việc kiến tạo chính sách để phát triển. Chúng ta đang dần xóa bỏ tư duy của xã hội khi nghĩ về ngành Văn hóa là "cờ, đèn, kèn, trống". "Chưa bao giờ chúng ta nhận được sự quan tâm lớn từ toàn xã hội như hiện nay" - Bộ trưởng nhấn mạnh.

Về du lịch, toàn ngành đã tham mưu đúng, trúng để tháo gỡ điểm nghẽn. Trong đó, về chính sách visa, chúng ta đón nhận một tin rất vui khi Quốc hội chuẩn bị thông qua một luật thay thế hai luật về quản lý xuất nhập cảnh. Chúng ta cũng đã có sự chủ động, kịp thời, đúng hướng trong công tác xúc tiến quảng bá du lịch. Điều đáng mừng hơn, các địa phương đã bắt đầu xây dựng thương hiệu, sản phẩm du lịch, dịch vụ có tính cạnh tranh. Nhờ đó, trong 6 tháng đầu năm, khách quốc tế đạt 60% kế hoạch của năm 2023, du lịch nội địa duy trì sự phát triển ổn định.

Bộ trưởng nhấn mạnh chúng ta đã tạo ra được dấu ấn mới trong lĩnh vực thể thao khi lần đầu tiên Đoàn Thể thao Việt Nam giành được vị trí nhất toàn đoàn tại một kỳ SEA Games không do chúng ta tổ chức.
Đối với công tác truyền thông chính sách, Bộ trưởng ghi nhận các cơ quan có nhiệm vụ truyền thông trong Bộ đã chủ động để lan tỏa các thông tin tích cực của ngành, đồng thời kịp thời phản ánh những bất cập trong quá trình thực hiện nhiệm vụ của Bộ.

Về nhiệm vụ thời gian tới, Bộ trưởng cho biết sẽ tiếp tục kiên trì, kiên quyết tổ chức thực hiện Nghị quyết 09 của Ban cán sự Đảng Bộ VHTTDL về xây dựng đội ngũ cán bộ ngành VHTTDL đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Theo đó, chú ý nhiều hơn cho công tác quy hoạch, đào tạo, luân chuyển, điều chuyển và kiện toàn các đơn vị.

Bộ trưởng nhấn mạnh nhiệm vụ tiếp tục xây dựng, hoàn thiện thể chế pháp luật, đây là yêu cầu có tính chất bắt buộc. Theo đó, từ nay đến cuối năm hoàn thành có chất lượng các dự án luật, nghị định đã được đưa vào kế hoạch, không được để chậm trễ. Trong đó, huy động trí lực, sức mạnh của toàn ngành để hoàn thành dự thảo Chương trình MTQG về phát triển Văn hóa để tham mưu Chính phủ, trình Quốc hội thông qua.

Bộ trưởng cũng yêu cầu ngành Thể thao cần khẩn trương làm ngay Đề án về Kinh tế thể thao trong bối cảnh thị trường thể thao của chúng ta bắt đầu nhận diện. Chúng ta đã tổ chức Hội thảo, đây là cơ sở để hoàn thiện dự thảo đề án trên tinh thần không nặng nề tính học thuật mà phải sát với thực tiễn.

Đối với du lịch, Bộ trưởng yêu cầu tăng cường hơn nữa công tác kiểm tra, giám sát, quản lý nhà nước, đôn đốc địa phương, doanh nghiệp cùng đất nước tháo gỡ những khó khăn về du lịch. Tổng cục phải sớm trình lãnh đạo Bộ kế hoạch về xúc tiến du lịch tại một số thị trường trọng điểm, tiềm năng, trước mắt là Trung Quốc, Nhật Bản, châu Âu. Việc này phải làm bài bản, lớp lang với sự tham gia của nhiều doanh nghiệp lữ hành.

Vê công tác tài chính, Bộ trưởng cũng yêu cầu phân bổ nguồn lực, điều hành ngân sách đúng quy định, quy chế chi tiêu nội bộ, đảm bảo công khai minh bạch. Đây chính là điểm rất dễ cản trở sự phát triển mà lãnh đạo Chính phủ vẫn thường xuyên nhắc nhở tất cả các Bộ ngành, địa phương.

"Lãnh đạo ngành VHTTDL phải phát huy tinh thần nêu gương. Khi chúng ta “truyền lửa” cho cán bộ bằng một hình ảnh về sự cống hiến, quyết tâm, gương mẫu thì chính cán bộ sẽ “cháy” hết mình vì công việc" - Bộ trưởng nhấn mạnh, đồng thời cho rằng đó chính là động lực lớn lao để ngành VHTTDL hoàn thành các nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước và Nhân dân tin tưởng giao phó.

z34ff-1686762619.jpg
Các tập thể hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ năm 2022 nhận Cờ Thi đua của Thủ tướng Chính phủ.

Tại Hội nghị, thừa uỷ quyền của Thủ tướng, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng đã trao tặng Cờ Thi đua của Thủ tướng Chính phủ cho 10 tập thể thuộc Bộ đã hoàn thành xuất sắc, toàn diện chương trình công tác, dẫn đầu phong trào thi đua yêu nước của Bộ VHTTDL trong năm 2022.

Những kết quả nổi bật 6 tháng đầu năm 2023

Lĩnh vực văn hóa, gia đình

Đề án tổ chức các hoạt động kỷ niệm 80 năm ra đời Đề cương về văn hoá Việt Nam (1943 - 2023) do Bộ tham mưu, đề xuất với Ban Bí thư, Chính phủ và chủ trì triển khai được Lãnh đạo Đảng, Nhà nước ghi nhận, đánh giá cao, được các cấp, các ngành, các địa phương tích cực hưởng ứng, tổ chức trang trọng, thiết thực, hiệu quả, có sức lan toả sâu rộng. Hội nghị toàn quốc về du lịch lần thứ 3 được tổ chức với chủ đề “Đẩy nhanh phục hồi - Tăng tốc phát triển bền vững, hiệu quả” do Thủ tướng Chính phủ chủ trì, lần đầu tiên Chính phủ ban hành Nghị quyết chuyên đề về phát triển du lịch, thể hiện được vai trò tham mưu “đúng”, “trúng” và kịp thời của Bộ.

Đặc biệt, Bộ đã vinh dự được đón Chủ tịch Quốc Hội Vương Đình Huệ đến thăm và làm việc, kết luận chỉ đạo, định hướng nhiều nội dung quan trọng về công tác lập pháp nhằm đáp ứng yêu cầu hoàn thiện đồng bộ thể chế trong lĩnh vực văn hoá.

Triển khai xây dựng: Dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi), Nghị định quy định biện pháp quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể trong các Danh sách của UNESCO và Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Trình Thủ tướng Chính phủ quyết định xếp hạng 05 di tích quốc gia đặc biệt (đợt 13); công nhận bảo vật quốc gia (đợt 11) cho 27 hiện vật và nhóm hiện vật; phê duyệt 03 nhiệm vụ lập quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích quốc gia đặc biệt; Xây dựng hồ sơ đề cử UNESCO ghi danh Vườn Quốc gia Hin Nậm Nô là di sản thế giới liên quốc gia với Di sản thế giới Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng; Quyết định xếp hạng 19 di tích quốc gia; cấp 22 quyết định thăm dò, khai quật khảo cổ; Quyết định đưa 55 di sản vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Phối hợp với tỉnh Phú Thọ và các đơn vị liên quan tổ chức Chương trình Khai mạc Lễ hội Đền Hùng, Tuần Văn hóa - Du lịch Đất Tổ, Lễ kỷ niệm 20 năm Công ước của UNESCO về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể và các hoạt động tuyên truyền, giới thiệu, quảng bá di sản văn hóa Việt Nam. Ban hành kế hoạch triển khai các hoạt động của thành viên Ủy ban liên Chính phủ Công ước 2003 của UNESCO về Bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể nhiệm kỳ 2022-2026; Kế hoạch Việt Nam ứng cử Ủy ban di sản thế giới nhiệm kỳ 2023-2027.

Xây dựng đời sống văn hóa cơ sở và Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”: Xây dựng hồ sơ đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo; Nghị định quy định về khung tiêu chuẩn, quy trình xét tặng danh hiệu gia đình văn hóa, thôn, tổ dân phố văn hóa, xã, phường, thị trấn tiêu biểu. Ban hành Thông tư định mức kinh tế kỹ thuật cho lập, thẩm định, phê duyệt, công bố và điều chỉnh quy hoạch quảng cáo ngoài trời. Chỉ đạo, hướng dẫn các tỉnh, thành phố tổ chức tốt các hoạt động văn hoá, thể thao và du lịch mừng Xuân Quý Mão; tăng cường quản lý nhà nước về lễ hội, kinh doanh dịch vụ karaoke, dịch vụ vũ trường.

Triển khai Đề án của Ban Cán sự đảng Bộ về việc tổ chức các hoạt động kỷ niệm 80 năm ra đời Đề cương về văn hoá Việt Nam (1943-2023); Kế hoạch triển khai xây dựng môi trường văn hóa cơ sở giai đoạn 2023-2025; Kế hoạch “Tổng kết 10 năm thực hiện Kết luận số 88-KL/TW ngày 18/2/2014 của Bộ Chính trị về tổ chức kỷ niệm 100 năm, trên 100 năm ngày sinh; xây dựng khu lưu niệm, nhà lưu niệm; xây dựng công bố phim tài liệu về thân thế, sự nghiệp các đồng chí lãnh đạo chủ chốt của Đảng, Nhà nước và lãnh đạo tiền bối tiêu biểu...

Tổ chức hội diễn nghệ thuật quần chúng Ca khúc cách mạng toàn quốc tại Vĩnh Phúc; Liên hoan trình diễn các di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại tại Phú Thọ; Hội thi tuyên truyền lưu động toàn quốc “Biển và Hải đảo Việt Nam” tại Hải Phòng. Phát động sáng tác và trưng bày triển lãm tranh cổ động tấm lớn tuyên truyền kỷ niệm 75 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi thi đua ái quốc (11/6/1948-11/6/2023).

Điện ảnh: Tham mưu Bộ trưởng ban hành 02 thông tư, triển khai xây dựng 9 thông tư trong lĩnh vực điện ảnh; ban hành kế hoạch tổ chức chương trình liên kết phát triển thương hiệu du lịch Việt Nam qua điện ảnh năm 2023; Phê duyệt Đề án tổ chức Liên hoan Phim Việt Nam lần thứ XXIII; Đề án “Trung tâm phát hành và phổ biến phim; Kế hoạch tổ chức Cuộc thi “Sáng tác kịch bản phim truyện, phim tài liệu kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (03/02/1930 03/02/2030)”. Tổ chức: Đợt phim Kỷ niệm 93 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam và mừng Xuân Quý Mão 2023; các hoạt động kỷ niệm 80 năm ra đời Đề cương về Văn hóa Việt Nam; Kỷ niệm 70 năm Điện ảnh cách mạng Việt Nam; Đợt phim Kỷ niệm 48 năm Ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, Ngày Quốc tế lao động 1/5, Ngày chiến thắng Điện Biên Phủ 7/5, 133 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh…

Lĩnh vực thể dục, thể thao

Công tác quản lý nhà nước, xây dựng văn bản, đề án về thể dục thể thao: Trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt Chiến lược phát triển thể dục, thể thao Việt Nam đến năm 2023, tầm nhìn đến năm 2045. Tham mưu Bộ trưởng ban hành Thông tư số 01/2023/TT-BVHTTDL ngày 21/02/2023 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 17/2015/TT-BVHTTDL ngày 30/12/2015 của Bộ trưởng Bộ VHTTDL quy định về phòng chống doping trong hoạt động thể thao. Triển khai xây dựng 10 Thông tư trong lĩnh vực thể dục thể thao.

Thể dục thể thao quần chúng: Chỉ đạo triển khai cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại” gắn với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”,
Phối hợp tổ chức 13 giải thể thao quần chúng cấp quốc gia, 01 giải thể thao quốc tế tại Việt Nam, 08 lớp tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ TDTT cho cán bộ, cộng tác viên, hướng dẫn viên TDTT cơ sở; chuẩn bị công tác tổ chức Đại hội thể thao học sinh Đông Nam Á lần thứ 13 tại Đà Nẵng; chỉ đạo tổ chức Lễ Khai mạc hè, Ngày Olympic trẻ em và phát động toàn dân tập luyện môn Bơi phòng, chống đuối nước; tổ chức mô hình bảo tồn, phát huy các môn thể thao truyền thống, thể thao đặc thù vùng đồng bào dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch; tổ chức các hoạt động thể dục thể thao quần chúng dành cho thiếu nhi; tổ chức hội nghị tổng kết Hội thi “Sáng tạo Video clip bài tập thể dục giữa giờ trong công nhân, viên chức, lao động” toàn quốc.

Tại Para Games lần thứ 12 tổ chức tại Camphuchia, Đoàn Thể thao Người khuyết tật Việt Nam với 125 vận động viên, tranh tài ở 8/14 môn thể thao đã trải qua một kỳ Đại hội thành công ngoài mong đợi, đứng thứ 3 trên bảng tổng sắp với 66 huy chương vàng, 58 huy chương bạc, 77 huy chương đồng (sau Indonesia và Thái Lan). Một số đội tuyển đạt thành tích thi đấu đặc biệt xuất sắc, như Bơi lội với 28 huy chương vàng, phá 15 kỷ lục; Điền kinh giành 20 huy chương vàng; Cử tạ giành 10 huy chương vàng và lập 02 kỷ lục.

Thể thao thành tích cao: Tập trung chuẩn bị lực lượng tham dự SEA Games 32, ASIAD 19 tại Trung Quốc, vòng loại Olympic, các giải thể thao cấp khu vực, châu lục và thế giới. Phối hợp tổ chức 61 giải thể thao quốc gia và quốc tế tổ chức tại Việt Nam.

Đoàn Thể thao Việt Nam thi đấu xuất sắc giành được 751 huy chương quốc tế (trong đó có 270 huy chương vàng, 213 huy chương bạc, 268 huy chương đồng), trong đó: Giành vị trí thứ Nhất toàn đoàn, với tổng số 136 huy chương vàng, 105 huy chương bạc, 118 huy chương đồng, phá 12 kỷ lục, thiết lập 4 kỷ lục SEA Games.

Tiêu biểu là: VĐV điền kinh Nguyễn Thị Oanh giành 04 huy chương vàng các nội dung: 1.500m; 3000m vượt chướng ngại vật, 5.000m và 10.000m; VĐV Phạm Thanh Bảo giành 02 huy chương vàng và phá 02 kỷ lục SEA Games môn bơi; VĐV Trần Hưng Nguyên và Nguyễn Huy Hoàng giành 03 huy chương vàng môn bơi; VĐV Nguyễn Quốc Toàn môn Cử tạ giành 01 HCV và phá 3 kỷ lục SEA Games 32 (nội dung cử giật, cử đẩy và tổng cử).

Đội tuyển Bóng đá nữ quốc gia bảo vệ thành công ngôi vô địch SEA Games lần thứ 4 liên tiếp; lần đầu tiên trong lịch sử các môn Golf và Bóng rổ 3 x 3 giành được huy chương vàng tại SEA Games.
Đoàn Thể thao Việt Nam xuất sắc giành vị trí nhất toàn đoàn tại SEA Games 32, thành tích lịch sử của thể thao nước nhà tại một kỳ Đại hội được tổ chức ở nước bạn.

Lĩnh vực du lịch: Trong 5 tháng đầu năm 2023, lượng khách du lịch quốc tế ước đạt 4.599.959 lượt; khách du lịch nội địa ước đạt 50,5 triệu lượt, tăng 3,9% so với cùng kỳ năm 2022 (trong đó có 29,4 triệu lượt khách lưu trú); tổng thu từ du lịch ước đạt 267,2 nghìn tỷ đồng, tăng 26,6% so với cùng kỳ năm 2022.

P.V