Theo Quyết định, khu vực bảo vệ di tích được xác định theo biên bản và bản đồ khoanh vùng các khu vực bảo vệ di tích trong hồ sơ. UBND các cấp nơi có di tích được xếp hạng, trong phạm vi nhiệm vụ và quyền hạn của mình, thực hiện việc quản lý nhà nước đối với di tích theo quy định của pháp luật về di sản văn hóa.
Đền Chín Gian được xây dựng vào đầu thế kỷ XIV tại Pú Chỏ Nhàng gọi là Tến Pỏm (Đền trên núi) thuộc bản Khoẳng, xã Châu Kim, huyện Quế Phong. Cuối thể kỷ XVIII, Đền được chuyển đến Pú Cắm (Núi Vàng) thuộc bản Kim Khê, xã Châu Kim, huyện Quế Phong. Năm 2004, Đền được tôn tạo, phục hồi với 1 tòa thiết kế kiểu nhà sàn truyền thống của người Thái, gồm 9 gian, mỗi gian tượng trưng cho một mường.
Nét đặc sắc của di tích đền Chín Gian chính là giá trị lịch sử - văn hóa gắn với tín ngưỡng dân gian, thờ mẫu (Đức mẹ Xỉ Đà), thờ người có công xây Bản lập Mường (thờ Tạo Ló Ỳ). Hàng năm, vào các ngày từ 14 đến 16 tháng Hai (Âm lịch) diễn ra Lễ hội đền Chín Gian - một lễ hội du lịch, tâm linh lớn nhất vùng, thu hút hàng vạn khách thập phương.
Đền Chín Gian được UBND tỉnh Nghệ An xếp hạng là di tích Lịch sử văn hóa cấp tỉnh tại Quyết định số 5847/QĐ.UB-VX ngày 24/12/2008 và Lễ hội đền Chín Gian được đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia tại Quyết định số 2067/QĐ-BVHTTDL ngày 13/6/2016 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.