Xây dựng nông thôn mới đạt kết quả "To lớn, toàn diện và mang tính lịch sử"

Sau 10 năm xây dựng nông thôn mới, Chương trình đã đạt được những kết quả “to lớn, toàn diện và mang tính lịch sử”. Đến hết năm 2020, đã hoàn thành vượt 12,4% số xã đạt chuẩn nông thôn mới so với mục tiêu; đến tháng 7/2021 cả nước có 64,6% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, 29% số huyện đạt nông thôn mới, 12 tỉnh có 100% xã đạt nông thôn mới.

Cả nước có 64,6% số xã đạt chuẩn nông thôn mới

Đây là Báo cáo của Chính phủ về kết quả thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2020 và một số điểm mới cho việc thực hiện Chương trình giai đoạn 2021-2025, do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày trước Quốc hội, chiều 23/7.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan trình bày Báo cáo của Chính phủ về Kết quả thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2020 và một số điểm mới cho việc thực hiện Chương trình giai đoạn 2021-2025 vào chiều 23/7. Ảnh: VGP

Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, với sự chỉ đạo quyết liệt, sự vào cuộc mạnh mẽ, đồng bộ của cả hệ thống chính trị và sự tham gia tích cực của cộng đồng dân cư, Chương trình đã trở thành một phong trào sôi nổi, rộng khắp trên cả nước. Sau 10 năm triển khai, Chương trình đã đạt được những kết quả quan trọng, theo như đánh giá của Lãnh đạo Đảng và Nhà nước là “to lớn, toàn diện và mang tính lịch sử”. Đến hết năm 2020, Chương trình đã hoàn thành vượt 12,4% số xã đạt chuẩn nông thôn mới so với mục tiêu; đến tháng 7/2021, cả nước đã có 64,6% số xã đạt chuẩn nông thôn mới; có 194 đơn vị cấp huyện (chiếm 29%) thuộc 51 tỉnh, thành phố đạt chuẩn nông thôn mới; có 12 tỉnh, thành phố đã có 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có 04 tỉnh đã được công nhận tỉnh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn năm 2020 đạt 41,7 triệu đồng/người/năm, gấp 1,7 lần so với năm 2015 và gấp 3,25 lần so với năm 2010; tỉ lệ hộ nghèo đa chiều khu vực nông thôn năm 2020 còn khoảng 7,1%, giảm 4,7% so với năm 2016…

Bên cạnh kết quả đạt được, trong quá trình thực hiện vẫn còn một số hạn chế, bất cập: Khoảng cách chênh lệch khá lớn về kết quả nông thôn mới giữa các địa phương, giữa các vùng, miền; tư duy ngành nông nghiệp và người dân còn chú trọng tăng quy mô, sản lượng trong sản xuất mà chưa quan tâm nhiều đến nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm; một số địa phương chưa quan tâm đúng mức đến tiêu chí môi trường, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, giữ gìn an ninh trật tự xã hội nông thôn…

Nông thôn mới là nền tảng, cơ cấu lại nông nghiệp là căn bản, nhân dân là chủ thể

Đề cập đến một số điểm mới của Chương trình giai đoạn 2021-2025, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết: Với nguyên tắc “Nông thôn mới là nền tảng, cơ cấu lại nông nghiệp là căn bản, nhân dân là chủ thể”. Ngoài việc cơ bản tiếp tục các nhóm nhiệm vụ của giai đoạn trước, Chương trình giai đoạn 2021-2025 tập trung thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm sau:

Tập trung ưu tiên hỗ trợ cho các xã, huyện để đạt chuẩn nông thôn mới và nâng cao chất lượng các tiêu chí sau đạt chuẩn theo hướng bền vững; phấn đấu đến năm 2025 cả nước không còn xã dưới 15 tiêu chí; khuyến khích các địa phương có điều kiện chủ động xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu.

Chú trọng nâng cao hiệu quả cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn (nâng cao hiệu quả hoạt động của HTX nông nghiệp gắn với liên kết theo chuỗi giá trị; hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp, sáng tạo trong cơ cấu lại ngành nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn; triển khai mạnh mẽ Chương trình Mỗi xã một sản phẩm, phát triển du lịch nông thôn…); thúc đẩy chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới; nâng cao chất lượng công tác bảo vệ môi trường, chất lượng hoạt động văn hóa gắn với bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống; thúc đẩy bình đẳng giới; cải thiện tình trạng dinh dưỡng cho trẻ em và nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cho người dân nông thôn…

Nâng cao năng lực của cộng đồng, chuyển đổi tư duy của người dân về phát triển kinh tế nông thôn.

Theo đó, đối tượng thụ hưởng là người dân, cộng đồng dân cư, hợp tác xã, doanh nghiệp và các tổ chức kinh tế-xã hội trên địa bàn nông thôn. Phấn đấu đến năm 2025 có ít nhất 80% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó, có khoảng 40% số xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 10% số xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; có ít nhất 50% huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh hoàn thành nhiệm vụ/đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó, có ít nhất 20% số huyện đạt chuẩn được công nhận là huyện nông thôn mới nâng cao và huyện nông thôn mới kiểu mẫu. Mỗi tỉnh, thành phố có ít nhất 02 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới; cả nước có ít nhất 15 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; cấp thôn có ít nhất 60% số thôn, bản, ấp thuộc các xã đặc biệt khó khăn khu vực biên giới, vùng núi, vùng bãi ngang ven biển và hải đảo được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới theo các tiêu chí nông thôn mới do cấp tỉnh quy định.

Phạm vi thực hiện trên địa bàn nông thôn của cả nước và quy mô là tất cả các huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh/ thành phố trực thuộc Trung ương.

Theo đó, có 11 nội dung thành phần, gồm: Nâng cao hiệu quả quản lý và thực hiện xây dựng nông thôn mới theo quy hoạch nhằm nâng cao đời sống kinh tế-xã hội nông thôn gắn với quá trình đô thị hoá; phát triển hạ tầng kinh tế-xã hội, cơ bản đồng bộ, hiện đại, bảo đảm kết nối nông thôn-đô thị và kết nối các vùng miền; tiếp tục thực hiện có hiệu quả cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn; giảm nghèo và an sinh xã hội bền vững, đặc biệt là vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, bãi ngang ven biển và hải đảo.

Nâng cao chất lượng giáo dục, y tế và chăm sóc sức khỏe người dân nông thôn; nâng cao chất lượng đời sống văn hoá của người dân nông thôn; bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống theo hướng bền vững gắn với phát triển kinh tế du lịch nông thôn; nâng cao chất lượng môi trường, tăng cường hệ thống cấp nước sạch nông thôn; xây dựng cảnh quan nông thôn sáng - xanh - sạch - đẹp, an toàn; giữ gìn và khôi phục hình ảnh, cảnh quan truyền thống của nông thôn; đẩy mạnh và nâng cao chất lượng các dịch vụ hành chính công; thúc đẩy quá trình chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn tiến tới xây dựng nông thôn mới thông minh; nâng cao năng lực, chuyển đổi tư duy cho lao động nông thôn; nâng cao chất lượng, phát huy vai trò của tổ chức Đảng, chính quyền, MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị-xã hội trong xây dựng nông thôn mới; nâng cao năng lực, chuyển đổi tư duy của cán bộ các cấp về nông thôn mới; giữ vững quốc phòng, an ninh và trật tự xã hội nông thôn; tăng cường công tác giám sát, đánh giá thực hiện Chương trình; nâng cao năng lực chuyên môn về xây dựng nông thôn mới; truyền thông về xây dựng nông thôn mới.

Tổng nguồn lực huy động thực hiện dự kiến khoảng 2,45 triệu tỷ đồng

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Để nâng cao hiệu quả thực hiện các nội dung trên, sẽ triển khai 06 đề án/chương trình chuyên đề trọng tâm nhằm tiếp tục nâng cao chất lượng đời sống của người dân nông thôn và giải quyết các vấn đề bức xúc, tồn tại trong xây dựng nông thôn mới nổi lên sau 10 năm thực hiện, gồm: Chương trình khoa học, công nghệ phục vụ xây dựng nông thôn mới; Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP); Đề án về phát triển du lịch nông thôn gắn với bảo tồn, phát huy văn hoá truyền thống trong xây dựng nông thôn mới; Đề án môi trường, vệ sinh, an toàn thực phẩm và cấp nước sạch nông thôn; Đề án chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới, hướng tới nông thôn mới thông minh; Đề án nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện tiêu chí an ninh, trật tự trong xây dựng nông thôn mới.

Nguồn vốn thực hiện gồm vốn ngân sách Trung ương và cơ cấu vốn huy động thực hiện chương trình giai đoạn 2021-2025.

Cụ thể, vốn ngân sách Trung ương hỗ trợ trực tiếp để thực hiện Chương trình giai đoạn 2021-2025 bố trí tối thiểu khoảng 39.632 tỷ đồng, bao gồm: Vốn đầu tư phát triển 30.000 tỷ đồng (trong đó: Vốn trong nước: 28.000 tỷ đồng; vốn vay và viện trợ không hoàn lại 88,6 triệu USD, khoảng 2.000 tỷ đồng); vốn sự nghiệp 9.632 tỷ đồng. Trong quá trình thực hiện, Chính phủ sẽ tiếp tục cân đối ngân sách Trung ương ưu tiên hỗ trợ thêm để bảo đảm tính bền vững và hiệu quả của Chương trình.

Dự kiến cơ cấu huy động nguồn lực thực hiện Chương trình: Tổng nguồn lực huy động thực hiện giai đoạn 2021-2025 dự kiến khoảng 2,45 triệu tỷ đồng, trong đó: Vốn ngân sách Trung ương: 39.632 tỷ đồng (chiếm 1,6%); vốn ngân sách địa phương: Khoảng 156.700 tỷ đồng (chiếm 6,4%); vốn lồng ghép từ 2 Chương trình mục tiêu quốc gia còn lại và các Chương trình, dự án khác khoảng 224.000 tỷ đồng (chiếm 9%); vốn huy động ngoài ngân sách dự kiến hơn 2 triệu tỷ đồng (chiếm hơn 83%), gồm: Vốn tín dụng khoảng 1,79 triệu tỷ đồng (chiếm 73%); vốn doanh nghiệp khoảng 105.500 tỷ đồng (chiếm 4,3%); huy động đóng góp tự nguyện của người dân khoảng 139.300 tỷ đồng (chiếm 5,7%). 

chinhphu.vn