Đây là cơ sở giúp các nhà quản lý đánh giá lực lượng, đầu tư phát triển đường dài nhằm chuẩn bị cho những mục tiêu xa hơn trong thời gian tới.
Nỗi lo lứa kế cận
Giải Wushu vô địch quốc gia năm 2024 diễn ra từ ngày 3 đến 8/4 tại tỉnh Quảng Ngãi đã khép lại thành công với ngôi nhất toàn đoàn thuộc về đội tuyển Wushu Hà Nội. Đây là giải đấu quan trọng trong hệ thống thi đấu quốc gia, nhằm phát hiện, tuyển chọn những vận động viên xuất sắc, tiếp tục bổ sung vào đội tuyển Wushu quốc gia làm nhiệm vụ thi đấu quốc tế.
Trưởng bộ môn Wushu Hà Nội (Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu Thể dục thể thao Hà Nội), kiêm huấn luyện viên đội tuyển Wushu Việt Nam Phan Quốc Vinh, nhận định, sau giải đấu, nhìn chung các tuyển thủ quốc gia như: Dương Thúy Vy, Bùi Trường Giang, Đinh Văn Tâm, Đặng Trần Phương Nhi, Huỳnh Đỗ Đạt, Nguyễn Thị Lan, Nguyễn Thị Thu Thủy… đều giữ được phong độ. Trong số đó, đáng mừng là các võ sĩ trẻ tiếp tục khẳng định được tài năng như Đinh Văn Tâm (đối kháng, 52kg), Đặng Trần Phương Nhi (quyền biểu diễn). Dù vậy, vẫn phải thừa nhận, nếu đi thi đấu các giải quốc tế, các võ sĩ trẻ chưa thể thay thế đàn chị như Dương Thúy Vy. Do đó, nếu Wushu Việt Nam không có sự đầu tư kịp thời ngay từ bây giờ thì các võ sĩ trẻ rất khó trưởng thành và thi đấu tốt ở các giải đấu quốc tế sắp tới như Đại hội Thể thao Đông Nam Á lần thứ 33 (SEA Games 33 năm 2025) và xa hơn là Đại hội Thể thao châu Á lần thứ 20 (ASIAD 20 năm 2026).
Theo phụ trách bộ môn Wushu (Cục Thể dục thể thao) Vũ Văn Trung, tại giải Wushu vô địch quốc gia năm 2024, Hà Nội dẫn đầu với 19 huy chương vàng; thành phố Hồ Chí Minh xếp thứ hai với 4 huy chương vàng; Quảng Ngãi xếp thứ ba với 3 huy chương vàng. Có thể nhìn thấy rõ sự chênh lệch về số huy chương vàng giữa các đơn vị đứng đầu. Đáng chú ý, Quảng Ngãi có sự tiến bộ về chuyên môn cho thấy sự đầu tư cho môn Wushu nhiều hơn so với những năm trước. Song về cơ bản, trình độ của các võ sĩ vẫn chưa bằng vận động viên của Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh. Để môn Wushu phát triển đồng đều, phải có phong trào tập luyện tốt và tổ chức nhiều giải đấu hơn thì mới tuyển chọn được tài năng cho các đội tuyển quốc gia.
Đầu tư bài bản để phát triển đường dài
Chuyên gia thể thao Nguyễn Hồng Minh nhận xét, nhiều quốc gia trên thế giới (đặc biệt là các đội tuyển ở khu vực châu Á) đang đầu tư mạnh mẽ cho môn Wushu, từ đó có nhiều vận động viên đạt trình độ thế giới. Vì thế, nếu Wushu Việt Nam không thay đổi sẽ bị tụt hậu. Đơn cử như tại ASIAD 19 vừa qua, các đối thủ gồm Indonesia, Singapore, Malaysia… đã có huy chương vàng ở bộ môn Wushu, trong khi Việt Nam chưa thể giành được. “Có mạnh dạn đưa vận động viên trẻ đi thi đấu quốc tế thì mới có thành tích", ông Nguyễn Hồng Minh nói.
Huấn luyện viên đội tuyển Wushu quốc gia Phan Quốc Vinh khẳng định, không thể trông chờ mãi ở những vận động viên trụ cột, vì họ đã "cứng tuổi" nên chỉ thi đấu ổn định, khó có thể tạo đột phá. Để chuẩn bị lực lượng cho những mục tiêu tại đấu trường quốc tế sắp tới, Ban huấn luyện đã mạnh dạn đề xuất thay đổi chuyên gia cho cả đội tuyển tán thủ nam và quyền biểu diễn nữ. Đáng mừng là từ ngày 16/4, đội tuyển Wushu quốc gia đã có chuyên gia mới từ Trung Quốc sang tập huấn. Thời gian tới, Ban huấn luyện sẽ tham mưu với lãnh đạo Cục Thể dục thể thao phối hợp với các địa phương tạo thêm nhiều sân chơi Wushu, qua đó giúp các vận động viên được cọ xát, đồng thời phát hiện thêm tài năng trẻ cho các cấp độ đội tuyển quốc gia. Ngoài ra, các võ sĩ trẻ tiềm năng cần được cử đi tập huấn dài hạn tại nước ngoài, cụ thể là Trung Quốc. Các vận động viên này sẽ được ưu tiên dự các giải đấu quốc tế nhằm tăng tính cọ xát và tích lũy kinh nghiệm.
Trong khi đó, phụ trách bộ môn Wushu (Cục Thể dục thể thao) Vũ Văn Trung cho rằng, hiện nay, các võ sĩ Việt Nam chỉ tập luyện trong nước là chủ yếu và thi thoảng mới thi đấu quốc tế nên khả năng bị các đối thủ bắt kịp hoặc bỏ lại về trình độ hoàn toàn có thể xảy ra. Nhiệm vụ trẻ hóa đang thật sự cấp thiết với Wushu Việt Nam. Mặt khác, vì môn này thuộc nhóm II của Thể thao Việt Nam nên không được đầu tư trọng điểm. Do vậy, để tổ chức đi tập huấn nước ngoài dài hạn hay tham gia các sân chơi quốc tế đòi hỏi kinh phí lớn, cần sự chung tay của ngành Thể thao và huy động nhiều nguồn lực xã hội khác.
Hy vọng, với sự đầu tư bài bản, đúng hướng, các vận động viên trẻ của Wushu Việt Nam sẽ ghi dấu ấn trên đấu trường quốc tế và khu vực trong thời gian tới, trước mắt là SEA Games 33, tổ chức tại Thái Lan.