Wimbledon vấp phải hàng loạt chỉ trích vì cấm các tay vợt Nga

Ban Tổ chức giải Quần vợt Wimbledon đã vấp phải hàng loạt chỉ trích từ các tổ chức cho đến cá nhân sau khi lệnh cấm các tay vợt Nga và Belarus tham gia giải đấu này được đưa ra. 

medvedev-8478-1650516842.png
Daniil Medvedev bị cấm không được tham dự Wimbledon 2022

Cả 2 tổ chức quản lý vận động viên quần vợt hàng đầu thế giới là Hiệp hội Quần vợt nam (ATP) và Hiệp hội Quần vợt nữ (WTA) đều kịch liệt phản đối việc Wimbledon cấm các tay vợt Nga và Belarus dự giải năm nay. Đây là lần đầu tiên các tay vợt bị cấm vì lý do quốc tịch kể từ thời kỳ hậu Thế chiến thứ hai - thời điểm mà các tay vợt Đức và Nhật Bản phải nhận một lệnh trừng phạt tương tự Nga và Belarus hiện tại. Grand Slam sân cỏ - giải Grand Slam thứ ba trong năm 2022, là giải đấu quần vợt đầu tiên cấm các vận động viên tới từ hai quốc gia này tham dự theo tư cách cá nhân. Điều này đồng nghĩa với việc tay vợt nam số 2 thế giới - Daniil Medvedev - của Nga và tay vợt nữ số 4 thế giới - Aryna Sabalenka - của Belarus sẽ bị cấm tham dự giải đấu từ ngày 27/6 đến ngày 10/7.

Trong một tuyên bố hôm thứ Tư (20/4), Câu lạc bộ Quần vợt Sân cỏ toàn Anh (AELTC) cho biết, họ phải đóng góp vai trò của mình trong nỗ lực của chính phủ, ngành công nghiệp, các tổ chức thể thao và sáng tạo để "hạn chế ảnh hưởng toàn cầu của Nga thông qua các phương tiện mạnh nhất có thể". Các tay vợt này cũng bị cấm tham dự các giải đấu trên sân cỏ của Vương quốc Anh được tổ chức trong quá trình chuẩn bị cho Wimbledon. ATP cho biết, "quyết định đơn phương" của Wimbledon khi loại các tay vợt đến từ Nga và Belarus là "không công bằng" và có thể tạo ra một tiền lệ xấu. "Sự phân biệt đối xử dựa trên quốc tịch cũng cấu thành sự vi phạm thỏa thuận của chúng tôi với Wimbledon quy định rằng các tay vợt tham gia chỉ dựa trên Bảng xếp hạng ATP. Bất kỳ hành động nào phản ứng với quyết định này giờ đây sẽ được đánh giá với sự tham vấn của hội đồng quản trị và hội đồng thành viên của chúng tôi", cơ quan quản lý của đội nam cho biết.

second-ranked-aryna-sabalenka-targets-maiden-grand-slam-in-2022-1650517010.jpg
Aryna Sabalenka cũng không thể dự Wimbledon vì lệnh cấm này

Hiệp hội Quần vợt nữ cũng bày tỏ sự "rất thất vọng" với quyết định của AELTC và hiện đang "đánh giá các bước tiếp theo và những hành động có thể được thực hiện liên quan đến những quyết định này". WTA cho biết: “Các vận động viên cá nhân không nên bị phạt hoặc bị ngăn cản thi đấu do họ đến từ đâu hoặc các quyết định của Chính phủ nước họ. Sự phân biệt đối xử và quyết định này là không công bằng và cũng không hợp lý”.

Cả 2 cơ quan quản lý quần vợt đã cấm Nga và Belarus tham gia các cuộc thi đồng đội quốc tế sau cuộc xâm lược, nhưng cho phép các tay vợt từ 2 quốc gia nói trên tiếp tục thi đấu với tư cách cá nhân trung lập.

Martina Navratilova - tay vợt vĩ đại người Mỹ từng vô địch Wimbledon 9 lần từ năm 1978 đến 1990 - gọi hành động này là "quyết định sai lầm". "Loại trừ như thế này - không phải do lỗi của những người chơi, không phải là cách giải quyết vấn đề. Quần vợt là một môn thể thao dân chủ, thật khó chấp nhận khi bạn thấy chính trị phá hủy nó. Tôi hiểu tình trạng khó khăn của họ (AELTC), nhưng tôi không nghĩ rằng, họ đang nhìn bức tranh toàn cầu một cách đầy đủ nhất. Nói thật thì tôi rất thất vọng về quyết định này”, cô nói với Đài phát thanh LBC.

190218094259-martina-navratilova-1650517070.jpg
Martina Navratilova

Điện Kremlin cho biết, việc cấm các tay vợt Nga tham dự Wimbledon sẽ làm tổn hại đến giải đấu dựa trên năng lực của các tay vợt tới từ Nga, Belarus và mô tả đó là điều không thể chấp nhận được. Chủ tịch Liên đoàn Quần vợt Nga, Shamil Tarpischev, phát biểu với phóng viên tờ Sport Express của Nga: "Tôi nghĩ quyết định này là sai lầm nhưng chúng tôi không thể thay đổi được. Liên đoàn quần vợt (Nga) đã làm tất cả những gì có thể. Quyết định của AELTC đã đặt ra một số vấn đề và chúng tôi đang thảo luận điều đó với từng tổ chức liên quan”.

Tay vợt nam số 1 thế giới - Novak Djokovic - cũng đã lên tiếng phản đối hành động của AELTC. Djokovic - người lớn lên ở Serbia, nơi từng bị chiến tranh tàn phá - cho biết, các vận động viên không liên quan gì đến cuộc xung đột đang diễn ra. "Tôi luôn lên án chiến tranh, tôi sẽ không bao giờ ủng hộ chiến tranh vì bản thân tôi là đứa con sinh ra và lớn lên trong chiến tranh. Tôi biết nó để lại bao nhiêu tổn thương tinh thần. Ở Serbia, tất cả chúng ta đều biết chuyện gì đã xảy ra vào năm 1999. Ở Balkans, chúng ta đã có nhiều cuộc chiến trong lịch sử gần đây. Tuy nhiên, tôi không thể ủng hộ quyết định của Wimbledon, tôi nghĩ đó là điều điên rồ. Khi chính trị can thiệp vào thể thao - điều đó không bao giờ mang lại kết quả tốt đẹp cả", Djokovic nói với các phóng viên tại Serbia Open, một sự kiện ATP 250 ở Belgrade.

skysports-nigel-huddleston-4923049-1650517112.jpg
Ông Nigel Huddleston - Bộ trưởng Thể thao Anh

Tháng trước, Bộ trưởng Thể thao Anh - Nigel Huddleston - đã nói rằng, ông sẽ không thoải mái với một "vận động viên Nga treo cờ Nga" vô địch Wimbledon ở London. Huddleston hoan nghênh quyết định mới nhất từ AELTC. “Chúng tôi đã đặt ra quan điểm của mình với các cơ quan quản lý thể thao và các nhà tổ chức sự kiện. Chúng tôi sẽ tiếp tục khuyến khích họ thực hiện các hành động thích hợp cho môn thể thao của họ", ông Huddleston xác nhận.

Về phần mình, trước sự phản ứng mạnh từ dư luận, AELTC cho biết, họ sẽ "cân nhắc và phản hồi phù hợp" nếu tình hình thay đổi từ nay đến tháng 6.

Hoàng Minh