Vovinam được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia

Bộ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng vừa ký quyết định đưa Nghệ thuận trình diễn dân gian, Tri thức dân gian Vovinam - Việt Võ đạo vào danh mục Di sản văn hoá phi vật thể quốc gia. Đây là tin vui đối với môn võ Việt đang phát triển rất mạnh mẽ trên toàn thế giới này.

Việt Võ đạo là môn võ truyền thống của dân tộc Việt Nam do cố võ sư Nguyễn Lộc sáng lập vào năm 1938 tại Hà Nội. Sau này môn võ này được gọi là Vovinam, gồm 2 phần: Võ thuật Việt Nam (Việt Võ thuật) và Võ đạo Việt Nam (Việt Võ đạo).

Đến năm 1960, cố võ sư Lê Sáng tiếp nhận chức Chưởng môn, tiếp tục sự nghiệp quảng bá, phát triển Vovinam. Ông cùng các võ sư tìm tòi, nghiên cứu để hệ thống lý thuyết, kỹ thuật và võ đạo ngày càng được hoàn thiện, qua đó xây dựng nền móng vững chắc cho môn võ Việt.

vvn-1699924539.jpg
Vovinam - Việt Võ Đạo được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Ảnh: Như Huy

Hội đồng võ sư Chưởng quản môn phái Vovinam ra đời năm 2010 đánh dấu chặng đường mới của võ Việt. Cố võ sư Chánh chưởng quản Nguyễn Văn Chiếu đã cùng các võ sư đưa Vovinam lan tỏa mạnh mẽ đến bạn bè quốc tế khắp năm châu.

Với hệ thống kỹ thuật mang tính dân tộc, khoa học, thực dụng, sáng tạo cùng với triết lý nhân sinh thượng võ và tấm lòng xả kỷ, Vovinam - Việt Võ đạo đã góp phần giới thiệu đất nước và con người Việt Nam với cộng đồng quốc tế.

Phong trào học võ Vovinam ngày càng được mở rộng và phát triển rộng khắp trên thế giới đã thật sự trở thành cầu nối văn hóa giúp tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau giữa các dân tộc.

Đến thời điểm này, Vovinam đã có mặt ở hơn 70 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới, thu hơn 2,5 triệu võ sinh tham gia luyện tập và tiếp tục phát triển. Vovinam Việt Võ đạo là sản phẩm văn hóa đặc biệt của người Việt và càng phát triển sâu rộng ở cả trong nước và thế giới thì càng góp phần quảng bá văn hóa, hình ảnh Việt Nam ra thế giới.

Vovinam cũng trở thành môn thể thao truyền thống ở đấu trường SEA Games khi tổ chức ở 4 kỳ SEA Games 26 tại Indonesia (năm 2011), SEA Games 27 tại Myanmar (năm 2013), SEA Games 31 tại Việt Nam (năm 2022), SEA Games 32 tại Campuchia (2023) và đang được vận động tổ chức ở SEA Games 33 tại Thái Lan năm 2025.

Tiến sĩ Mai Hữu Tín - Chủ tịch Liên đoàn Vovinam Thế giới, Chủ tịch Liên đoàn Vovinam Việt Nam - cho biết: “Vovinam đang được tập luyện ở 70 quốc gia trên khắp năm châu với hàng triệu môn sinh. Trong đó, nhiều quốc gia có phong trào Vovinam rất mạnh và hoàn toàn có thể cạnh tranh với Việt Nam như Algeria, Campuchia. Các giải Vovinam vô địch thế giới, vô địch châu Âu, vô địch châu Á, vô địch Đông Nam Á cũng được tổ chức thường niên. Việc Vovinam được công nhận là Di sản văn hoá phi vật thể quốc gia là thành quả của bao thế hệ trong quá trình 85 năm hình thành và phát triển môn phái. Đây là bước đi phải có để tiến tới đưa Vovinam thành Di sản văn hoá phi vật thể của thế giới”.

vovinam-2-1699924458.jpg
Vovinam đã có mặt ở hơn 70 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới.

Về dài hạn, Liên đoàn Vovinam Việt Nam có chiến lược giữ gìn, bảo vệ và phát triển Vovinam ở cả trong nước và thế giới. Cụ thể, tại Việt Nam, Liên đoàn sẽ phát triển Vovinam ở khắp 63 tỉnh, thành phố thay và đẩy mạnh hơn nữa phong trào Vovinam trong học đường cũng như nâng cao số lượng và chất lượng võ sinh.

Một mục tiêu khác mà Liên đoàn Vovinam quyết tâm thực hiện chính là xây học viện Vovinam. Học viện dự kiến đặt ở TP.HCM với chi phí xây dựng khoảng 20 triệu USD, hứa hẹn là nơi đào tạo Vovinam không chỉ cho Việt Nam mà cả các nước trên thế giới.

Từ ngày 22 đến 30/11 tới, Liên đoàn Vovinam Việt Nam và thế giới sẽ tổ chức giải vô địch Vovinam Thế giới lần thứ VII năm 2023 tại Nhà thi đấu Phú Thọ (Quận 11 - TP.HCM). Đến thời điểm này đã có hơn 650 vận động viên, huấn luyện viên, lãnh đội và lực lượng trọng tài đến từ 35 quốc gia và vùng lãnh thổ đăng ký tranh tài. Đáng chú ý, các cường quốc có thế mạnh về thể thao và võ thuật như: Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Iran, Pháp, Thái Lan,… cũng cử vận động viên tranh tài.

Trang Trang