V.league mở cửa đón cầu thủ gốc Việt, sao chưa cởi trói cho cầu thủ trẻ?

Trong cuộc họp Ban chấp hành Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) lần thứ 11 khóa VIII hôm 5/11, đã đề xuất mở cửa cho cầu thủ có gốc Việt Nam về thi đấu tại V.League, nhưng vẫn chưa bàn tới phương án cởi trói cho những tài năng trẻ được thi đấu nhiều hơn trong màu áo các câu lạc bộ…

cac-cau-lac-bo-o-v-league-can-duoc-coi-troi-de-co-the-phat-huy-het-nguon-luc-tu-cau-thu-tre-1667704352.jpg
Các câu lạc bộ ở V.League cần được cởi trói để có thể phát huy hết nguồn lực từ cầu thủ trẻ

Theo đề xuất của Ban chấp hành, từ mùa bóng tới các câu lạc bộ sẽ được đăng ký thêm một suất dành cho cầu thủ có gốc Việt mà không cần phải có quốc tịch Việt Nam. Như vậy, tất cả các cầu thủ Việt kiều, có cha hoặc mẹ là người Việt Nam đều có thể tự do về nước, tìm kiếm cơ hội thi đấu cho các câu lạc bộ cả ở V.League, giải hạng Nhất, Cúp Quốc gia, giải bóng đá nữ và futsal. Đề xuất này nhiều khả năng sẽ được thông qua tại Đại hội VFF khoá IX diễn ra vào hôm nay, mở đường cho làn sóng cầu thủ gốc Việt quay trở về thi đấu ở các giải quốc nội.

Bên cạnh đó, Hội nghị Ban chấp hành VFF còn đề xuất, cho phép các câu lạc bộ futsal được đăng ký thêm một suất ngoại binh thi đấu tại giải futsal Vô địch quốc gia và futsal Cúp quốc gia cùng một suất dành cho cầu thủ gốc Việt. Đây chính là điều mà huấn luyện viên trưởng đội tuyển futsal Việt Nam Diego Giustozzi và một số câu lạc bộ cũng đã từng đề cập đến nhiều lần để có thêm nguồn lực và nâng chất các giải đấu.

Điều đáng tiếc nhất là việc Ban chấp hành VFF tiếp tục bỏ qua, chưa bàn đến việc cho phép các câu lạc bộ trong nước có thể tự do sử dụng cầu thủ trẻ tại các giải quốc nội mà không giới hạn số lượng, thậm chí không cần đăng ký như mong muốn của nhiều chuyên gia trong lĩnh vực đào tạo trẻ. Bóng đá Việt Nam hiện đang có nguồn lực khá dồi dào từ các trung tâm, học viện đào tạo trẻ, nhưng việc sử dụng và trao cơ hội cho những tài năng trẻ lại đang là bài toán chưa có lời giải. Các câu lạc bộ có hệ thống đào tạo trẻ chất lượng, nhưng không có nhiều cơ hội sử dụng cầu thủ trẻ tại sân chơi quốc nội, thậm chí phải cho các câu lạc bộ khác mượn thi đấu tại giải hạng Nhất và cả V.League.

cau-thu-dang-khoac-ao-doi-tuyen-u20-viet-nam-nguyen-thai-son-ghi-ban-thang-go-hoa-cho-thanh-hoa-ngay-tran-dau-ra-mat-tai-v-league-2022-1667704545.jpg
Cầu thủ đang khoác áo đội tuyển U20 Việt Nam Nguyễn Thái Sơn ghi bàn thắng gỡ hoà cho Thanh Hoá ngay trận đầu ra mắt tại V.League 2022

Thực tế vẫn còn rất ít cầu thủ trẻ được thi đấu trong đội hình chính của các câu lạc bộ tại giải vô địch quốc gia. Những trường hợp như Đình Duy, Phi Hoàng của SHB Đà Nẵng, Xuân Tiến, Văn Cường của Sông Lam Nghệ An hay Bảo Toàn, Đức Việt, Thanh Nhân… của Hoàng Anh Gia Lai hay Thái Sơn, Đoàn Ngọc Hà của Thanh Hoá chưa phản ánh đầy đủ bức tranh bóng đá trẻ ở Việt Nam. Không ít chuyên gia từng đề xuất với VFF, cần cởi trói ngay lập tức bằng việc không giới hạn số lượng đăng ký cầu thủ trẻ thi đấu tại các giải quốc nội để khuyến khích các câu lạc bộ đầu tư, phát triển cho bóng đá trẻ.

VFF cũng cần tham khảo cách khai thác nguồn lực trẻ của một số nền bóng đá phát triển như Nhật Bản, Hàn Quốc… để áp dụng tại Việt Nam. Không tạo cơ hội cho cầu thủ trẻ sẽ dẫn đến lãng phí tài năng, thậm chí việc lạm dụng nguồn lực từ bên ngoài sẽ dẫn đến sự lệ thuộc vào các ngoại binh như thực tế ở các câu lạc bộ, lấy đi cơ hội của các cầu thủ trẻ. Mở cửa đón cầu thủ gốc Việt hay ngoại binh thì dễ nhưng để cởi trói cho cầu thủ trẻ lại chưa thể làm, vì sao?

Việt Hưng