
Câu hỏi đặt ra, bao nhiêu ngoại binh là đủ cho giải đấu chuyên nghiệp hàng đầu Việt Nam? Từ mùa giải 2024-2025, Liên đoàn Bóng đá châu Á (AFC) đã gỡ bỏ quy định và cho phép các câu lạc bộ tham dự các giải đấu do AFC và AFF (Liên đoàn Bóng đá Đông Nam Á) tổ chức được đăng ký, sử dụng không hạn chế cầu thủ nước ngoài hay nói cách khác là không có sự phân biệt giữa cầu thủ nội và cầu thủ ngoại ở AFC Champions League và ASEAN Club Championship.
Với các giải đấu quốc nội ở khu vực Đông Nam Á, Super League của Malaysia cho phép các câu lạc bộ tham dự đăng ký 15 cầu thủ ngoại trong suốt mùa giải, mỗi trận đấu được quyền đăng ký 9 cầu thủ và sử dụng tối đa 7 cầu thủ trên sân. Liga 1 của Indonesia kể từ mùa bóng tới, các câu lạc bộ được phép đăng ký 11 cầu thủ ngoại và sử dụng tối đa 8 cầu thủ trên sân. Ở Thai League, kể từ mùa giải 2025-2026, các câu lạc bộ cũng được phép đăng ký 7 ngoại binh và không giới hạn các ngoại binh đến từ Đông Nam Á nhưng chỉ được sử dụng tối đa 5 ngoại binh và 2 cầu thủ Đông Nam Á hoặc châu Á trong các trận đấu. Singapore cho phép các câu lạc bộ dự giải chuyên nghiệp được đăng ký 9 ngoại binh, trong đó có 3 ngoại binh dưới 21 tuổi. Philippines cho phép các câu lạc bộ đăng ký 5 cầu thủ nước ngoài cộng thêm 1 suất dành cho cầu thủ châu Á và 1 suất Đông Nam Á.

So với các giải đấu hàng đầu trong khu vực, rõ ràng V.League vẫn là giải đấu có “độ mở” khiêm tốn nhất. Sau nhiều năm chỉ cho phép các câu lạc bộ đăng ký và sử dụng tối đa 3 cầu thủ ngoại, kể từ mùa bóng 2025-2026 mới nới thêm hạn ngạch để áp dụng theo công thức đăng ký 4, sử dụng 3 cầu thủ ngoại, cộng thêm 2 cầu thủ gốc Việt và 1 cầu thủ nước ngoài nhập tịch. Dù quy định khắt khe, nhưng trên thực tế, không ít câu lạc bộ vẫn biết cách lách luật bằng việc nhập tịch cầu thủ và chiêu mộ cầu thủ gốc Việt về thi đấu để có thể sử dụng tối đa nguồn lực từ bên ngoài.
Tại AFC Champions League Two 2024-2025, câu lạc bộ Nam Định thường xuyên sử dụng đội hình có tới 9 cầu thủ ngoại trong các trận đấu. Chính nhờ sự góp mặt của dàn cầu thủ ngoại chất lượng, đội bóng chủ sân Thiên Trường đã giữ được ngôi vô địch qua 2 mùa giải liên tiếp. Ngoại binh giúp các câu lạc bộ nâng tầm và không có gì lạ khi những đội bóng tân binh, vừa “chân ướt chân ráo” lên thi đấu ở V.League như Ninh Bình bỏ ra rất nhiều tiền để theo đuổi những bản hợp đồng với cầu thủ ngoại.

Ngoại binh đã trở thành một phần không thể thiếu, thậm chí nhiều đội bóng ở V.League còn lệ thuộc rất nhiều vào cầu thủ ngoại, nắm giữ những vị trí trụ cột thường được ví như “xương sống” trong sơ đồ chiến thuật. Chính vì vậy, việc các câu lạc bộ đề xuất tăng thêm số lượng các ngoại binh được đăng ký và sử dụng trên sân phản ánh nhu cầu thực tế. Tuy vẫn còn phải chờ câu trả lời từ Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) và Công ty Cổ phần bóng đá Chuyên nghiệp Việt Nam (VPF), nhưng rõ ràng, V.League vẫn còn khá nhiều “đất diễn” cho cầu thủ ngoại lấn sân cầu thủ nội ở các câu lạc bộ.