
Ban Cấp phép đã xem xét hồ sơ của các câu lạc bộ đang thi đấu tại V.League và giải hạng Nhất 2024-2025, đã quyết định không cấp phép cho các đội PVF-CAND, Ninh Bình, Sông Lam Nghệ An và Bình Định tham dự các giải đấu cấp câu lạc bộ do Liên đoàn Bóng đá châu Á (AFC) tổ chức ở mùa giải 2025-2026. Được biết, 4 câu lạc bộ trên đã xin rút, không tiếp tục thực hiện hoạt động cấp phép theo quy định của AFC, trong khi câu lạc bộ Hải Phòng được yêu cầu hoàn thiện hồ sơ theo đúng thời hạn quy định.
Có 11 câu lạc bộ đang thi đấu ở V.League đã đáp ứng các tiêu chí cấp phép chuyên nghiệp hạng A, B theo quy định của AFC, gồm: Nam Định, Hà Nội, Công An Hà Nội, Thể Công Viettel, Hà Tĩnh, Thanh Hóa, Hoàng Anh Gia Lai, Bình Dương, Thành phố Hồ Chí Minh, Quảng Nam và Đà Nẵng. Việc bị cấm tham dự các giải đấu châu Á có lẽ không ảnh hưởng nhiều tới 2 câu lạc bộ Bình Định và Hải Phòng, trong khi Sông Lam Nghệ An mùa này lọt vào bán kết Cúp Quốc gia, trong trường hợp đội bóng xứ Nghệ giành ngôi vô địch, VFF sẽ phải đề cử đội bóng đủ tiêu chuẩn thay thế tham dự AFC Champions League Two 2025-2026.

Mùa bóng năm nay, chỉ có duy nhất câu lạc bộ Nam Định thi đấu tại AFC Champions League Two sau khi câu lạc bộ Thanh Hoá xin rút lui, VFF đã đề xuất cử Hà Nội FC thay thế, nhưng không được AFC chấp thuận. Ở V.League hiện tại, Nam Định đang tạm dẫn đầu và gần như đã cầm chắc ngôi vô địch, nhiều khả năng sẽ tiếp tục giành suất tham dự các giải châu Á mùa bóng 2025-2026.
Đây mới chỉ là đợt cấp phép đầu tiên dành cho giải đấu cấp câu lạc bộ của AFC. Vào ngày 23/5 tới, Ban Cấp phép sẽ tiếp tục họp xem xét các điều kiện cấp phép cho câu lạc bộ tham dự V.League và giải hạng Nhất mùa bóng 2025-2026. Năm 2024, có tới 8 câu lạc bộ không được cấp phép tham dự các giải đấu châu Á do không đáp ứng tiêu chí hạng A, gồm: Thể Công Viettel, Hải Phòng, Thành phố Hồ Chí Minh, Hoàng Anh Gia Lai, Bình Định, Đà Nẵng, Bình Phước, Khánh Hòa. Ngoài ra, còn có 7 câu lạc bộ được cấp phép có điều kiện kèm biện pháp phạt cho 7 câu lạc bộ, gồm: Sông Lam Nghệ An, Bình Dương, Nam Định, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Quảng Nam và PVF-CAND.

Tuy mùa giải năm nay chỉ còn 4 câu lạc bộ không được cấp phép tham dự giải châu Á, nhưng thực tế vẫn còn nhiều đội bóng chỉ gắn mác chuyên nghiệp còn cơ sở vật chất, điều kiện sân bãi, hệ thống đào tạo bóng đá trẻ… rất luôm thuộm, thậm chí phải vay mượn. VFF đã có hẳn một lộ trình chuyên nghiệp theo chuẩn AFC, dù thời gian thực hiện có thể sẽ còn kéo dài thêm nhiều năm nữa.