V.League 2023: VAR lưu động liệu có ngon - bổ - rẻ?

Tại Hội nghị Ban chấp hành Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) lần thứ 2 khóa IX vừa diễn ra hôm 5/12 tại Hà Nội, Tổng thư ký Dương Nghiệp Khôi cho biết, công nghệ VAR có thể sẽ được sử dụng ngay trong mùa bóng tới với việc đầu tư, trang bị các xe VAR lưu động.

Cụ thể, sẽ có 4 xe VAR được VFF và VPF cùng đầu tư với các trang thiết bị đạt chuẩn, theo đúng quy định của FIFA sẽ được sử dụng ngay ở mùa giải 2023 nếu mọi việc diễn ra suôn sẻ. Hai trong số 4 xe VAR lưu động do chính FIFA hỗ trợ kinh phí đầu tư, hai chiếc còn lại do đơn vị tổ chức các giải bóng đá chuyên nghiệp, Công ty VPF tự bỏ tiền ra mua sắm. Ngay trong tháng 12 này, hai xe VAR lưu động của VPF sẽ về tới Việt Nam, ông Trần Anh Tú - Chủ tịch HĐQT VPF cho biết.

dau-tu-nhung-phong-var-dat-chuan-fifa-rat-ton-kem-1670399179.jpg
Đầu tư những phòng VAR đạt chuẩn FIFA rất tốn kém

Sở dĩ VFF và VPF lựa chọn trang bị các xe VAR lưu động, ngoài việc tiết kiệm chi phí còn có lý do, hệ thống hạ tầng và cơ sở vật chất ở các sân vận động tổ chức các trận đấu tại V.League và giải hạng Nhất không đảm bảo, nhiều sân bóng chưa đạt chuẩn và hầu hết do các địa phương quản lý, nên các câu lạc bộ không thể tự ý đầu tư, nâng cấp. Theo tính toán, số tiền VFF, VPF đầu tư cho hệ thống VAR lưu động trên dưới 40 tỉ đồng. Chưa kể chi phí vận hành, đào tạo đội ngũ kỹ thuật viên và đặc biệt, các trọng tài VAR được FIFA công nhận và cấp phép.

Vậy VAR lưu động kiểu con nhà nghèo mà VFF, VPF lựa chọn có thực sự ngon, bổ, rẻ như kỳ vọng? Công nghệ video hỗ trợ trọng tài - VAR đang ngày càng trở nên phổ biến với những tiện ích, giúp các trọng tài có thể đưa ra quyết định nhanh chóng và chính xác, hạn chế tối đa những sai sót trong các trận đấu. Điều đó có thể nhìn thấy rõ tại World Cup 2022 với những gì diễn ra ở Qatar, VAR thậm chí còn khiến nhiều đội bóng phải thay đổi lối chơi, trong khi các cầu thủ cũng khó có thể lạm dụng những pha bóng tiểu xảo và thấy rõ nhất là việc các trọng tài thường xuyên phải “bẻ còi” theo kết quả tham khảo từ VAR.

Tất nhiên, đây là cuộc chơi tốn kém và đụng tới công nghệ thì chắc chắn phải có các chuyên gia có đủ trình độ, lại phải am hiểu về bóng đá. Việt Nam chưa có trọng tài VAR, gần như sẽ phải làm từ đầu với sự hỗ trợ của FIFA và cả các nền bóng đá trong khu vực đã đi trước một bước như Thái Lan, Singapore và Malaysia… giúp đào tạo đội ngũ trọng tài sử dụng thành thạo công nghệ VAR.

xe-var-luu-dong-duoc-danh-gia-tiet-kiem-1670399267.jpg
Xe VAR lưu động được đánh giá tiết kiệm

Với quy mô của nền bóng đá đang trong giai đoạn chuyển đổi, hoàn thiện theo hướng chuyên nghiệp như V-League, lựa chọn công nghệ VAR là vô cùng tốn kém và để cắt giảm chi phí đầu tư ban đầu cũng như vận hành trên thực tế, VFF đã quyết định đầu tư, tranh bị các xe VAR lưu động thay cho các phòng VAR cố định tại các sân bóng. Nếu mọi chuyện diễn ra thuận lợi với 4 xe VAR, các ê kíp vận hành có thể được phân bổ đến các sân bóng trải dài khắp cả nước. Chi phí đầu tư ban đầu và vận hành do đó cũng tiết kiệm được đáng kể.

Các câu lạc bộ dĩ nhiên đón nhận và phản ứng rất tích cực với việc dùng VAR lưu động ở mùa bóng tới. Cái khó của VPF và Ban Tổ chức giải là phải làm ngay và làm chuẩn chỉ từ đầu chứ không thể đem ra thử nghiệm ở các giải đấu chính thức. Trong bối cảnh, V.League có quá nhiều tranh cãi về các quyết định của trọng tài, VAR được kỳ vọng sẽ đem đến nhiều thay đổi, giúp các trọng tài có đủ sự tự tin và điều hành các trận đấu tốt hơn. Tất nhiên, dù là VAR lưu động thì chi phí cũng không hề rẻ, nhưng điều quan trọng vẫn là đảm bảo được tính công bằng và môi trường cạnh tranh lành mạnh cho các câu lạc bộ để nâng chất giải đấu.

Đan Phượng