V.League 2023: Cầu thủ Việt kiều về nước như… trẩy hội

Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) vừa “bật đèn xanh” bằng việc sửa đổi Quy chế bóng đá chuyên nghiệp để mở cửa đón cầu thủ Việt kiều về thi đấu ở V.League và cả giải futsal. Tuy được khoác áo các câu lạc bộ với tư cách cầu thủ nội, nhưng cơ hội dành cho cầu thủ gốc Việt có thực sự nhiều như mong đợi?

Trong hơn hai chục năm qua, đã có rất nhiều cầu thủ Việt kiều về tìm kiếm cơ hội ở các câu lạc bộ, nhưng trụ lại lâu dài và khẳng định được vị trí như Văn Lâm, Lee Nguyen hay Mạc Hồng Quân… thực sự không nhiều. Gần hai chục năm trước, Ludovic Casset được coi là cầu thủ Việt kiều đầu tiên trở về Việt Nam và được chào đón, thậm chí còn được huấn luyện viên Tavares trao cơ hội thử sức ở đội tuyển, nhưng không trụ được. Ngay cả khi chấp nhận về khoác áo câu lạc bộ Đà Nẵng, cầu thủ từng chơi bóng tại Pháp cũng thường xuyên phải ngồi trên băng ghế dự bị. Sau khi hoàn thành các thủ tục nhập quốc tịch, Ludovic Casset đổi tên thành Mã Trí, thi đấu vài trận rồi trở về Pháp.

ludovic-casset-tung-khoac-ao-cau-lac-bo-da-nang-nhung-khong-de-lai-an-tuong-nao-1670569710.jpeg
Ludovic Casset từng khoác áo câu lạc bộ Đà Nẵng, nhưng không để lại ấn tượng nào

Những tiếng gọi nguồn cội luôn thôi thúc các cầu thủ Việt kiều hướng về quê hương, dù rất ít người tìm được cơ hội thi đấu và thành danh ở các đội bóng. Từ thủa ban đầu với Mã Trí, Tony Lê Hoàng… không để lại mấy ấn tượng, làn sóng thứ 2 xuất hiện sau khi đội tuyển vô địch AFF Cup 2008 với các cầu thủ Việt kiều, chủ yếu từ các câu lạc bộ Đông Âu cũng chỉ tạo nên chút dư vị và phải đợi đến năm 2012, mới có Mạc Hồng Quân tỏa sáng trong màu áo đội tuyển U22 Việt Nam sau đó được gọi lên tuyển và tiếp tục khẳng định tài năng trong màu áo câu lạc bộ Quảng Ninh.

Nhưng thành công nhất phải nói tới thủ môn Đặng Văn Lâm, cầu thủ Việt kiều mang hai dòng máu Việt-Nga. Sau thời gian khoác áo Hải Phòng, Văn Lâm được gọi lên tuyển và thi đấu ấn tượng. Quyết định sang Thái Lan đầu quân cho câu lạc bộ Muangthong United vào đúng thời điểm dịch COVID-19 hoành hành, Văn Lâm đã chuyển sang đầu quân cho câu lạc bộ Cerezo Osaka tại J-League 1, nhưng vẫn không có nhiều cơ hội thi đấu, phát triển sự nghiệp nên đành quay trở về thi đấu cho Bình Định cùng trung vệ Việt kiều Adriano Schmidt.

lee-nguyen-tro-lai-giup-cau-lac-bo-thanh-pho-ho-chi-minh-trung-hang-truoc-1-vong-dau-1670569782.jpg
Lee Nguyễn trở lại giúp câu lạc bộ Thành phố Hồ Chí Minh trụ hạng trước 1 vòng đấu

Đình đám nhất phải kể tới Lee Nguyen với bản hợp đồng “bom tấn” được ký với Hoàng Anh Gia Lai. Cầu thủ Việt kiều từng giành danh hiệu xuất sắc nhất tại giải sinh viên Mỹ, từng được gọi vào đội tuyển Mỹ tham dự Copa America 2007 và được câu lạc bộ danh tiếng PSV của Guus Hiddin tuyển mộ. Đáng tiếc là Lee Nguyen không tìm kiếm được sự đồng điệu để chơi tốt ở Pleiku và sau đó xuống Bình Dương thử sức trước khi trở về Mỹ thi đấu tại giải nhà nghề MLS trước khi giải nghệ và quay trở lại, giúp câu lạc bộ Thành phố Hồ Chí Minh trụ hạng mùa này.

Với việc VFF sửa đổi Quy chế để “bật đèn xanh” cho các câu lạc bộ mở cửa đón cầu thủ Việt kiều về thi đấu, V.League đang chứng kiến làn sóng thứ 3 với sự xuất hiện của nhiều cầu thủ gốc Việt trở về. VFF ước tính, có khoảng 200 cầu thủ Việt kiều thi đấu ở nước ngoài, trong đó có nhiều cầu thủ đẳng cấp, được đào tạo bài bản ở các câu lạc bộ tên tuổi tại châu Âu. Sự trở về của các cầu thủ gốc Việt sẽ tiếp thêm nguồn lực cho bóng đá Việt Nam nâng tầm và hướng tới những mục tiêu tham vọng trong tương lai.

Việt Hưng