Chất lượng các sân bóng ở V.League tuy đã được cải thiện nhiều sau các đợt kiểm tra, thị sát trước mỗi mùa giải, nhưng ở nhiều địa phương khâu chăm sóc, bảo dưỡng không làm tốt nên chỉ sau vài trận đấu là xuống cấp nghiêm trọng. Hồi đầu mùa giải, sân Thanh Hóa bị các đội kêu ca rất khó đá vì trơ trụi cỏ, sau khi được nâng cấp hồi cuối năm 2023 đã đẹp và xanh hơn, nhưng chỉ sau vài trận đấu thì tình trạng “da báo” lại lộ ra, đặc biệt ở khu vực trước cầu môn. Mặt sân xấu đến nỗi huấn luyện viên Popov của đội chủ nhà nói dỗi: “Sân bóng như thế, cầu thủ đi bộ còn sợ chấn thương” thì nói chi tới chuyện đá hay, đá đẹp.
V.League 2023-2024 trở lại sau kỳ nghỉ FIFA Days tháng 3, sân Hàng Đẫy đã được nâng cấp với màu cỏ xanh mát mắt, nhưng khán giả chẳng cần tinh ý cũng có thể nhận ra, vạch vôi mới được sơn kẻ lại đã thu hẹp đáng kể diện tích cả ở chiều ngang và chiều dọc. Cụ thể, mặt sân Hàng Đẫy đã bị “bóp” lại chỉ còn 64,8mx95m, theo lý giải của Ban Quản lý sân thuộc câu lạc bộ Hà Nội FC, sân Hàng Đẫy xuống cấp, bị trụi cỏ ở cầu môn và dọc theo đường biên bên khán đài A. Nhiều điểm có tình trạng sụt lún nên để đảm bảo chất lượng mặt sân phục vụ 3 đội bóng cùng thi đấu, nhân viên sân bãi và chăm sóc kỹ thuật của câu lạc bộ Hà Nội đang tranh thủ thời gian V.League tạm nghỉ để cải tạo, làm lại cốt nền và trồng thêm cỏ. "Hy vọng với thời tiết thuận lợi, sân sẽ đẹp trở lại ở trận Tứ kết Cúp Quốc gia vào ngày 30/4", đại diện câu lạc bộ Hà Nội cho biết.
Thực ra, sân Hàng Đẫy đã có tuổi đời gần 1 thế kỷ nên sửa sang, tu bổ là công việc thường xuyên. Nhưng ở thời điểm hiện tại, sau khi Liên đoàn Bóng đá châu Á (AFC) khuyến cáo, chỉ được sử dụng làm sân nhà tối đa 2 cho đội bóng thi đấu và Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) cũng đã phải đứng ra dàn xếp phương án, di dời bớt 1 đội sang địa điểm thi đấu khác thì ngay trước kỳ nghỉ, trên khán đài sân Hàng Đẫy đã xuất hiện tấm băng rôn “sổ đỏ” khẳng định quyền “thừa kế” của đội bóng mang tên Công an Hà Nội. Vì thế, chắc chắn nhiều người sẽ không khỏi suy nghĩ, rằng việc nâng cấp sửa sang và kẻ lại mặt sân không chỉ để thu hẹp diện tích cho… dễ đá mà còn có dụng ý khác.
Chuyện sân bãi ở V.League thực ra có nói hoài cũng không hết. Theo Quy chế Bóng đá chuyên nghiệp, các câu lạc bộ tham dự V.League phải có sân tập luyện, thi đấu riêng, nhưng hầu hết các sân bóng ở địa phương đều do ngành Thể thao quản lý. Ngoài việc cho các câu lạc bộ thuê, mượn để thi đấu còn phục vụ các hoạt động thể thao và tổ chức sự kiện khác. Sân Tự Do (Huế) thậm chí được thiết kế với đường đua xe đạp lòng chảo có từ trước năm 1945, giờ vẫn còn tồn tại nhưng ít được sử dụng. Sân Cần Thơ có quy mô lớn nhất nước, nhưng sau khi đội bóng bị giải tán, chủ yếu chỉ phục vụ các giải đua xe mô tô được tổ chức hằng năm.
Ở V.League hiện chỉ có sân Hoà Xuân ở Đà Nẵng và sân Pleiku tại Gia Lai là được thiết kế dành riêng cho Bóng đá. Vậy nên, cũng đừng đòi hỏi quá nhiều tiêu chuẩn cao siêu để rồi “đi bộ cũng sợ chấn thương” hay đang đá bóng đèn tắt phụt và tệ hơn nữa là bị cấm cửa ngay trên “sân nhà” như tình cảnh trớ trêu của câu lạc bộ Khánh Hòa trước thềm mùa giải 2023-2024.